Nhã nhạc trên sân khấu khai mạc Festival Huế . Ảnh: DT |
Vào hồi 5h30 ngày 7/11/2003, UNESCO ghi tên Nhã nhạc cung đình vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Nhã nhạc (Âm nhạc cung đình) là loại hình âm nhạc chính thống, mang tính bác học, được xem là quốc nhạc, sử dụng trong các cuộc tế, lễ của triều đình. Theo đánh giá của UNESCO thì, “trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, chỉ có Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia”; “Nhã nhạc đã được phát triển từ thế kỷ XIII ở Việt Nam, đến thời nhà Nguyễn thì Nhã nhạc cung đình Huế đạt độ chín muồi và hoàn chỉnh nhất”.
Để một di sản văn hóa từ lâu bị lãng quên này được vinh danh, không phải chỉ nỗ lực của một cá nhân nào, càng không phải là việc làm trong một sớm một chiều. Đó là nỗ lực bền bỉ, không mệt mỏi của các nhà khoa học, các nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà quản lý… Hành trình ấy, ghi dấu bước chân thầm lặng của những người luôn nghĩ, hành động hết mình vì nghệ thuật dân tộc. Những người hành động thật lặng lẽ, nhưng tận tụy, đầy tâm huyết và khát khao, dành nhiều công sức và tâm sức như: Nhạc sĩ Tôn Thất Tiết – nhà soạn nhạc nổi tiếng đang sinh sống ở Cộng hòa Pháp; Nghệ nhân dân gian Trần Kích và những nghệ sĩ của nhóm Phú Xuân Câu lạc bộ Ca Huế…
Nhạc sĩ Tôn Thất Tiết sinh năm 1933 tại Huế, học nhạc tại quê nhà cho đến năm 1958 sang Pháp, học âm nhạc ở Ecole Normale de Musique. Sau đó là Học viện Âm nhạc Quốc gia ở Paris (Conservatoire National de Musique). Ông trở thành nhà soạn nhạc tên tuổi thuộc dòng nhạc đương đại (Contemporary classical music), và đạt nhiều giải thưởng, như: giải Lili Boulanger (1972) của Hội SACEM, giải Diễn đàn Quốc tế những Nhà soạn nhạc ở UNESCO (1975), giải Sáng tác của Bộ Văn hóa (1981). Giải thưởng George Delerue (1995) cho nhạc phim hay nhất (phim Xích lô). Là một nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam, ông là tác giả khoảng 50 tác phẩm đủ thể loại; trong đó, có 12 bản cho dàn nhạc, có Tứ Đại Cảnh (1968), Hy Vọng (1971), Ngũ Hành (1973), Vô Vi (1974), Ấn Tượng (1974-1975), Những Truyền Thuyết Đất Phương Nam (1996); 16 bản thính phòng, có Niệm (1974), Chu Kỳ I, II (1976), III, IV (1977), Phong Vũ (1991), Xuân Vũ (1993); 5 bản nhạc hát. có Vang Bóng Thời Xưa (1969), Kiêm Ái (1978), Chu Kỳ VI (1993). Một số tác phẩm nổi tiếng khác nhiều người biết đến như Incarnations structurales (Những sự hóa thân cấu trúc, 1967), Terre-Feu (Đất-Lửa, 1981), Jeu des cinq Éléments (Ngũ hành, 1982), Moments rituels (Những thời khắc nghi lễ, 1992), Prajna Paramita (Ba la mật da, 1988), Le chemin de Bouddha (Con đường Đức Phật, 1990-1991), nhạc phim trong phim của các đạo diễn người Việt ở nước ngoài Trần Anh Hùng, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, nhạc múa cho các đoạn trình tấu Ballet của Régine Chopinot: Parole de feu (1995) và Danse du temps (1999). Cùng với Nguyễn Thiên Đạo, Tôn Thất Tiết là những nhà soạn nhạc cận đại Việt Nam có tiếng nhất ở Pháp và quốc tế.
Các nhạc công biểu diễn Nhã nhạc. Ảnh: DT |
Nghệ nhân Trần Kích sinh năm 1921 tại làng Thành Trung – Huế, từ một gia đình có truyền thống âm nhạc dân tộc. Ông được xem là “di sản sống” của Nhã nhạc cung đình Huế, được người cha vốn là một nghệ nhân kỳ cựu truyền dạy cho nhiều bản Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn ngay từ nhỏ. Năm 16 tuổi ông đã chuyên biểu diễn Nhã nhạc và bằng sự đam mê học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp, các bậc đàn anh trong đội Nhã nhạc của triều đình, ông đã tích lũy được cho mình một kho kiến thức đồ sộ ở lĩnh vực này. Ông chơi giỏi kèn đại, kèn lỡ, đàn nhị, nguyệt, tỳ bà, đàn bầu… ở cả các loại hình đại nhạc, tiểu nhạc và nhạc đệm cho ca Huế.
Nghệ nhân Trần Kích là trưởng nhóm Nhã nhạc Phú Xuân (Huế), được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mời làm cố vấn và giảng dạy cho các nhạc công của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế. Ông đã nghiên cứu hoàn chỉnh cách ký âm, góp phần ghi lại được 30 bản nhạc (gồm đại nhạc và tiểu nhạc) của Nhã nhạc cung đình Huế, góp phần lưu giữ loại hình âm nhạc đặc sắc này. Nghệ nhân Trần Kích đã mang Nhã nhạc đến nhiều quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật, Pháp, Bỉ, Lucxembourg, Hà Lan, Thụy Sĩ… Tiếng đàn, tiếng sáo, nhịp phách tiền của các nghệ nhân Huế dưới sự dẫn dắt của ông đã vang lên trên các sân khấu ở Thụy Sỹ, Hà Lan, Bỉ, Lucxembourg, Mỹ, Đài Loan, Hồng Công, Nhật Bản… Năm 2008, nghệ nhân Trần Kích đã được Bộ Văn hóa Pháp phong tặng tước hiệu Hiệp sĩ Văn hóa và Nghệ thuật vì những đóng góp của ông trong việc gìn giữ và quảng bá Nhã nhạc cung đình Huế.
Tìm âm hưởng nhạc từ triết lý Á Đông, Kinh dịch, Phật giáo và Ấn Độ giáo, tâm huyết với việc giữ gìn, phát huy tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt Nam, âm nhạc cung đình, Nhạc sĩ Tôn Thất Tiết muốn làm sống lại tinh thần nhạc truyền thống Việt Nam, nhất là nhạc cung đình. Năm 1993, ông sáng lập Association France-Vietnam pour la Musique (Hội Âm nhạc Pháp – Việt) nhằm mục đích phát triển âm nhạc Việt Nam. Nhờ hoạt động của ông cùng sự hỗ trợ của GS. Trần Văn Khê và GS. Tô Ngọc Thanh, từ năm 1995, nhóm Nhã nhạc Phú Xuân từ Huế đã liên tục giới thiệu Nhã nhạc và Ca Huế ở Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ, Áo, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Năm 1992, UBND TP. Huế cùng với tổ chức CODEV Việt – Pháp sáng kiến tổ chức một lễ hội văn hóa gọi là “Gặp gỡ Huế 92” – được coi là tiền thân của Festival Huế sau này, với sự tham gia của một số đoàn nghệ thuật Pháp và TP. Huế. Nhằm chuẩn bị các tiết mục biểu diễn trong đêm khai mạc lễ hội này, Phòng Văn hóa TP. Huế đã mời 2 nghệ nhân Nhã nhạc lão thành của Huế là Trần Kích và Nguyễn Kế quy tụ các nhạc công nhạc cung đình còn lại ở Huế, phục hồi một số bài, bản Đại nhạc và Tiểu nhạc bởi lẽ vào thời điểm ấy, Nhã nhạc gần như đã mai một. Hai nghệ nhân nhận lời thành lập nhóm “Lễ nhạc cung đình TP. Huế”, ròng rã luyện tập 2 tháng liền. Thế là, Nhã nhạc xuất hiện bất ngờ và ấn tượng trong đêm khai mạc trên sân điện Thái Hòa.
CLB Nhã nhạc Phú Xuân ra đời với những tên tuổi Trần Kích, Nguyễn Kế, Hồ Viết Châu, Trần Hiếu Sướng, Nguyễn Mạnh Cẩm, Trần Thảo, Nguyễn Đình Vân, Nguyễn Quý Cát… Du khách đã thú vị và cảm xúc bất ngờ khi nghe những làn điệu trình tấu từ những nhạc cụ độc đáo. Từ đêm diễn thành công này, năm 1993, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức cho nhóm Phú Xuân biểu diễn tại Đại Nội và sau đó tuyển chọn đội ngũ kế cận để trực tiếp truyền nghề.
Nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết, khi về Huế để tìm hiểu tình hình hoạt động của các nhóm nhạc cung đình, được thưởng thức các tiết mục do nhóm nhạc cung đình đứng đầu là Nghệ nhân Trần Kích chủ trì biểu diễn, ông đã quyết định vận động tài trợ. Bằng nỗ lực cá nhân, hàng tháng gửi về một khoản hỗ trợ, thông qua tôi, lúc ấy tư cách Giám đốc Nhà Văn hóa TP. Huế, nhằm khôi phục lại những “báu vật” văn hóa đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Số tiền tuy còn ít ỏi (100.000đ/tháng cho mỗi nghệ nhân, trong nhóm Phú Xuân có 15 nghệ nhân), nhưng thật sự quá cần thiết và rất có ý nghĩa động viên tinh thần.
Cũng cần phải nói thêm rằng, vào những năm 90 của thế kỷ trước, chế độ chính sách cho những nghệ nhân gần như là điều xa xỉ, không ai dám nghĩ đến mà cũng không ai có sức chăm lo. Vậy mà Nhạc sĩ Tôn Thất Tiết đã hỗ trợ chi phí cho nhóm nghệ nhân Phú Xuân trong suốt hai năm ròng. Vì yêu mến di sản của tiền nhân và cảm kích tấm lòng thơm thảo của Nhạc sĩ Tôn Thất Tiết, Nghệ nhân Trần Kích lặng lẽ trên chiếc xe đạp chủ nhật hàng tuần đến Nhà văn hóa Huế, cùng nhóm Phú Xuân lại tề tựu tập luyện, trau chuốt những bài, bản Nhã nhạc. Chúng tôi nhận thức rằng đây là khoảng thời gian rất quan trọng, đánh dấu sự phục sinh của Nhã nhạc cung đình Huế. Theo yêu cầu của Nhạc sĩ Tôn Thất Tiết, 6 tháng một lần, nhóm thu âm các bài, bản đã tập, đối chiếu với tư liệu cũ ít ỏi còn lưu trữ mà nhạc sĩ có. Ông thường xuyên theo dõi, động viên, dày công lắng nghe những bài bản luyện tập của nhóm để góp ý.
(Còn nữa)
Bài 2: Đưa Nhã nhạc ra Kinh đô Ánh sáng và châu Âu