TTH – Tôi muốn nói đến một nét đẹp văn hóa rất riêng của Trường Đồng Khánh – Hai Bà Trưng trong việc bảo tồn và phát huy vẻ đẹp áo dài nữ sinh Đồng Khánh đã một thời tôn vinh và cái chất nữ sinh Đồng Khánh với vẻ đẹp công, dung, ngôn, hạnh vẹn toàn.
Giữ gìn nét đẹp của nữ sinh Đồng Khánh
Trường Đồng Khánh – Hai Bà Trưng, hơn 100 năm ra đời và phát triển đã lưu dấu biết bao kỷ niệm của tuổi học trò. Một thời Đồng Khánh – có thể nói như vậy bởi từ khi sinh thành ngôi trường đã tạo nên những dấu ấn, những nét văn hóa đặc sắc không thể trộn lẫn. Cái tên “Đồng Khánh” hay “Nữ sinh Đồng Khánh” như một nét kiêu sa nhưng cũng rất đỗi thân quen trên mảnh đất Cố đô.
Cô Nguyễn Như Miên (Hà Nội) khi trở lại trường sau mấy chục năm xa cách vẫn tươi nguyên kỷ niệm: “Mỗi lần nhớ lại thời học sinh xa xưa ở Đồng Khánh, tôi lại nhớ hình ảnh các thầy cô, gương mặt bạn bè… Nhưng tôi vẫn nhớ nhiều, nhớ sâu sắc nhất là màu áo dài trắng học sinh chúng tôi mặc đến trường hàng ngày… Màu trắng chan hòa tình bạn, xóa bỏ mọi ngăn cách. Màu trắng tạo nên một bức tranh thật đẹp, thật nổi trong quang cảnh của nhà trường, của đường phố Huế, của sông Hương núi Ngự…”.
Cùng với vẻ đẹp duyên dáng của tà áo dài, nữ sinh Đồng Khánh còn được giáo dục công, dung, ngôn, hạnh vẹn toàn. Ngay khi còn ở lứa tuổi học trò, học sinh đã được học môn nữ công gia chánh như may vá, thêu đan, nấu nướng, được trang bị kiến thức sơ đẳng về y tế, quản lý gia đình, trang trí nhà cửa… Học sinh thời này còn được chú ý rèn luyện phong cách của người con gái có học thức, có giáo dục, giản dị và trang nhã trong trang phục và trang điểm, lễ độ, lịch sự, khiêm tốn, tế nhị và nhã nhặn trong giao tiếp… Đây cũng chính là những nét đẹp văn hóa để tạo nên cái chất nữ sinh Đồng Khánh một thời.
Trong định hướng phát triển của nhà trường từ trước đến nay, một trong những vấn đề được ban giám hiệu hết sức quan tâm là bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của nhà trường, góp phần tôn vinh truyền thống văn hóa Cố đô Huế. Trước hết, về trang phục của nữ giáo viên và nữ sinh Trường THPT Hai Bà Trưng hiện nay cũng khác các trường THPT khác: giáo viên đến trường với trang phục áo dài truyền thống (trừ những ngày thời tiết khắc nghiệt giáo viên có thể mặc vest hoặc sơ vin nghiêm túc), mỗi sáng thứ hai, nữ giáo viên sẽ mặc áo dài tím, nữ sinh mặc áo dài 3 buổi/1 tuần vào thứ hai, thứ tư và thứ sáu.
Những quy định về cách ăn mặc vốn đã được giáo viên của trường quan tâm và thực hiện từ trước đến nay nên việc thống nhất về trang phục áo dài và tăng thêm số buổi mặc áo dài đối với nữ sinh được sự nhất trí cao của hội đồng sư phạm và học sinh toàn trường. Ngôi trường vốn có bề dày truyền thống văn hóa 104 năm, đẹp thơ mộng, hiền hòa, mang đậm chất Huế, được hòa quyện cùng vẻ đẹp của tà áo dài truyền thống và con người xứ Huế sẽ tạo nên một ấn tượng sâu sắc, một vẻ đẹp đậm chất văn hóa Huế mà không một nơi nào có được.
Ý thức được điều đó, thầy cô giáo đã thường xuyên nhắc nhở, động viên các em nữ sinh mặc áo dài theo quy định. Muốn thế, các cô giáo phải là những người gương mẫu để các em noi theo. Ai cũng biết rằng, trong nhà trường, tà áo dài tạo nên một nét đẹp nền nã, duyên dáng, dễ thương cho cả cô lẫn trò. Lãnh đạo trường, giáo viên chủ nhiệm cũng thường xuyên nhắc nhở các em vào giờ sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp chủ nhiệm cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp, ứng xử sao cho đúng mực.
Điều trăn trở và cũng là ước vọng của bao thế hệ thầy cô, lãnh đạo nhà trường là khôi phục việc dạy nữ công gia chánh cho học sinh. Trên thực tế, nội dung giáo dục nữ công gia chánh là môn học được đưa vào dạy chính khóa trong nhà trường khi trường mang tên Đồng Khánh. Đây là nội dung giáo dục được xã hội đánh giá cao và coi trọng, góp phần hình thành cho học sinh các kỹ năng về may vá, thêu thùa, làm mứt, làm bánh, nấu ăn; cách chăm sóc gia đình, chăm sóc con cái; những hiểu biết những nét đẹp truyền thống và văn hóa ẩm thực Huế, từ đó góp phần giáo dục tình cảm, bồi dưỡng lòng tự hào về truyền thống quê hương cho học sinh.
Để làm được điều đó, cần khôi phục dạy nữ công gia chánh trong nhà trường. Ước vọng này đã được sự đồng thuận của các cơ quan hữu quan, sự nhất trí cao của cựu giáo viên, giáo viên, phụ huynh và học sinh của nhà trường.
Hy vọng từ lòng nôi truyền thống ngôi Trường Đồng Khánh – Hai Bà Trưng với sự khôi phục và phát huy nét đẹp văn hóa đầy tính nhân văn này sẽ lan tỏa sâu rộng trong các trường trung học của tỉnh nhà, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa Huế, bồi dưỡng lòng tự hào và tình yêu quê hương cho học sinh để khi trưởng thành cái chất của con người Huế, nét văn hóa của con người xứ Huế được tỏa sáng trong các em.
Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hoa Phượng
Nguồn: ” Báo Thừa Thiên Huế online “