Ngành du lịch cho rằng, còn khá nhiều thị trường khách nội địa chưa đến Huế, nên việc kích cầu, thu hút các thị trường khách tiềm năng này đang được đặt ra.
Doanh nghiệp Huế (bên phải) trao đổi với các đối tác trong một chuyến kích cầu du lịch
Tìm kiếm thị trường mới
Nhiều người nhận định, thị trường khách nội địa đến Huế đang dần bão hòa. Từ số liệu thống kê của Sở Du lịch về khách nội địa trong vòng 3 năm trở lại cho thấy, khách vẫn có tăng qua hàng năm, song tốc độ tăng trưởng không còn ở mức cao như trước, mà bị chững lại. Ông Lê Hữu Minh, Q.Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, ngoài việc tiếp tục cố gắng phát triển thêm các sản phẩm phục vụ khách, công việc phải chủ động hơn nữa của ngành du lịch Huế là kết nối, tìm kiếm những thị trường mới để thay thế những thị trường có dấu hiệu chững lại và bão hòa.
Theo thông tin của Hiệp hội Du lịch tỉnh, mức chi tiêu của khách nội địa thấp hơn khách quốc tế là lý do Huế ít chú trọng kích cầu dòng khách này. Song thực tế lại chứng minh, khách nội địa có mức chi tiêu ngang bằng với một số thị trường quốc tế. Trong khi đó, để thu hút khách nội địa lại dễ và hình thức để thu hút cũng đơn giản hơn. Những chuyến xúc tiến quảng bá nội địa cũng ít tốn kinh phí hơn so với những chuyến đi nước ngoài.
Doanh nghiệp Huế khảo sát điểm tham quan ở Hải Phòng năm 2018
Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch cho biết, gần đây, cách nhìn nhận về thu hút khách nội địa có nhiều thay đổi so với trước. Những năm trước đó, hầu như chỉ tham gia quảng bá điểm đến ở các hội chợ ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, còn nhiều thị trường khách khác gần như bị bỏ quên. Khoảng 3 năm trở lại, hầu như năm nào ngành du lịch Huế cũng tổ chức đoàn khảo sát để đi tìm kiếm thị trường mới. Cụ thể, năm 2017 là Tây Nam bộ, năm 2018 là Đông Bắc bộ và năm 2019 là Tây Nguyên.
“Trong mỗi chuyến đi kích cầu đều có sự đồng hành của rất nhiều doanh nghiệp du lịch. Tại các điểm đến, các doanh nghiệp Huế và các địa phương bạn đều có trao đổi, ký kết hợp tác kinh doanh. Khi đó, những kích cầu khách mới này có kết quả thật chất”, ông Trương Thành Minh nhấn mạnh.
Không chỉ tổ chức các đoàn đi khảo sát, ngành du lịch cũng chủ động mời các đoàn famtrip, doanh nghiệp ở hai đầu đến Huế khảo sát sản phẩm mới. Theo ngành du lịch, dù là thị trường nội địa truyền thống, song Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn còn lượng lớn khách chưa đến Huế và ngay cả những người đã đến Huế rồi cũng dễ có chuyến đi lần thứ 2 và thứ 3 trở lại bởi mức sống cao.
Ông Nguyễn Đình Thành, Phó Giám đốc Công ty CP Quảng cáo và Du lịch Đại Bàng cho biết, với việc kết nối với các tỉnh miền Tây Nam bộ sau chuyến khảo sát kết nối trước đó, lượng khách đến Huế ở các tỉnh thành khu vực này tăng đáng kể. Với xu hướng đi du lịch ngày càng tăng của người dân, chắc chắn thời gian đến lượng khách đến Huế sẽ còn tăng lên đáng kể. Phía công ty cũng đã có chuyến kết nối mới ở Cần Thơ để đưa khách cả khu vực ra Huế bằng đường hàng không ra Đà Nẵng, sau đó di chuyển bằng đường bộ ra Huế.
Cần những kết nối thực chất hơn
Theo Hội Lữ hành tỉnh, nhìn chung tất cả các vùng miền trên khắp đất nước đều có những khu vực rất tiềm năng để có thể kích cầu khách về Huế. Chẳng hạn như dòng khách Tây Bắc chưa đến Huế nhiều, hay Tây Nguyên, một số tỉnh Đông Nam bộ và hầu hết các tỉnh Tây Nam bộ đều là thị trường tiềm năng cần tiếp tục kích cầu dù thời gian đến.
Để khai thác dòng khách nội địa tốt hơn, Hội Lữ hành tỉnh cho biết, hiện các doanh nghiệp lữ hành Huế có các kết nối với nhau khoảng 2 – 3 doanh nghiệp để cùng khai thác chung tour tuyến, giúp một số sản phẩm hoạt động tốt hơn. Sự đón đầu đang có, tuy nhiên, theo anh Nguyễn Đình Thành, Huế cần có nhiều sản phẩm mới hơn. Riêng với doanh nghiệp du lịch Đại Bàng, thời gian qua, đã khai thác thêm một số sản phẩm về Tam Giang, A Lưới, Phú Vang… như là điểm đến mới để giữ chân khách ở lại Huế lâu hơn.
Tuy vậy, thời gian qua, ở một số thị trường đã có kích cầu vẫn chưa thể đưa khách về Huế như kỳ vọng, chưa đưa những ký kết trở thành hợp tác cụ thể. Như với thị trường Đông Bắc bộ, năm 2018 ngành du lịch Huế đã đến khảo sát và doanh nghiệp giữa hai bên đã có những ký kết để đưa khách đến cho nhau. Nhưng gần đây, trao đổi lại với các doanh nghiệp thì gần như không có hợp tác vì đường bay Huế – Hải Phòng vẫn chưa hoạt động. Khách đến Huế chủ yếu từ Đà Nẵng sau đó ra Huế, doanh nghiệp Huế chưa thể là đối tác trực tiếp.
Ngay cả thị trường khách Đà Lạt, chiều bay từ Huế vào tỉnh Tây Nguyên này rất ổn định, duy trì 4 chuyến bay/tuần. Nhưng chiều ngược lại gần như không có khách. Anh Nguyễn Đình Thành cho biết, trước đây tỉnh ta có chính sách khuyến khích doanh nghiệp khai thác bằng cách giảm giá vé tham quan và chi phí vận chuyển, nhưng để làm các thủ tục nhận hỗ trợ đó không đơn giản nên doanh nghiệp gần như không chú ý đến hỗ trợ đó nữa, dẫn đến “buông tay”. Hay các hợp tác khác đòi hỏi chính sách về vé tham quan, phòng khách sạn, gần như ở Huế luôn bị động, không đáp ứng được.
Việc thu hút được du khách nội địa là cần thiết, nhưng để hiệu quả, bắt buộc Huế phải có giải pháp đồng bộ, linh hoạt hơn.
Bài, ảnh: QUANG SANG
Nguồn: báo TT huế