TTH – Tối ngày 23/7, tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, UBND huyện Phong Điền tổ chức khai mạc lễ hội “Hương xưa làng cổ” năm 2022.
Đông đảo du khách và người dân đến với lễ hội “Hương xưa làng cổ”
Khẳng định điểm đến giàu tính văn hóa
Lễ khai mạc là chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp, bằng lời hát, câu hò quê hương, đất nước, hòa cùng tiếng trống âm vang ngày hội đã mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc vui tươi, lắng đọng, khắc họa nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Phước Tích bên dòng Ô Lâu. Đặc biệt, chương trình có các tiết mục múa hát Sắc Bùa và Thiên hạ Thái bình của làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền là điểm nhấn mang đến cho du khách, bà con nhân dân những ấn tượng thú vị, khó quên.
Trước khi diễn ra chương trình khai mạc, người dân Phước Tích tổ chức lễ tế Kỳ Phước. Lễ Kỳ Phước là dịp để người dân trong làng tưởng nhớ ngài khai canh làng và Ngài Bổn nghệ và cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, dân làng Phước Tích sung túc, ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, cầu mong con cháu gần xa, dân làng đều mạnh khỏe, bình yên, đạt được kết quả cao hơn trong lao động, sản xuất. Tính độc đáo của lễ tế Kỳ Phước là hoạt động rước ngài khai canh làng tại Miếu Đôi mới về đình làng Phước Tích. Việc rước ngài khai canh để báo cho dân làng, cũng như thể hiện lòng biết ơn của người dân về công lao của những người khai canh, lập làng Phước Tích.
Nhiều hoạt động thu hút khách
Trong hai ngày đầu của lễ hội, đã có hàng ngàn du khách và người dân đến tham quan và trải nghiệm các các hoạt động. Du khách đã được tham quan và mua các đặc sản trong phiên chợ “Hương xưa làng cổ”; được xem và cổ vũ hội thi “Làm bánh truyền thống”, “Sắp xếp mâm ngũ quả”; trực tiếp tham gia các trò chơi dân gian truyền thống, như: “Bịt mắt đập om”, “Bịt mắt bắt vịt”, kéo co; tham quan không gian trưng bày và triển lãm một số tác phẩm nghệ thuật của nhiếp ảnh gia Nguyễn Khoa Huy với chủ đề “Một đời sen Huế”. Đặc biệt là lễ hội đua thuyền truyền thống trong ngày 24/7, người dân và du khách đã đứng chật kín hai bên bờ để cổ vũ cho các đội đua.
Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức các món ăn dân dã, truyền thống của địa phương, như bánh đúc, bánh bèo, bánh nậm, thịt nướng, bắp nướng, vả trộn…; các loại chè như chè sen, chè thập cẩm…; các thức đồ uống và nước giải khát như nước atiso, hoa đậu biếc, sấu…
Cùng với đó là 2 tour du lịch tham quan nhà rường cổ, các điểm di tích, trải nghiệm xe đạp, thuyền máy, đi thuyền rồng và sup trên sông Ô Lâu một ngày và nửa ngày. Du khách được tham gia trải nghiệm quảng diễn và trải nghiệm làm gốm Phước Tích, đan đệm bàng Phò Trạch… Du khách còn được tham quan và mua các sản phẩm thủ công truyền thống làng nghề, sản phẩm nông sản, đặc sản và các sản phẩm OCOP của Phong Điền tại 20 gian hàng của 30 đơn vị.
Nữ du khách Hà Kiều Nhi, đến từ Đà Nẵng cho biết, đây là lần đầu nhóm bạn đến với Phước Tích. Rất ấn tượng bởi làng quê nơi đây thật yên bình, những con đường với hàng chè tàu rợp bóng mát; được tận tay trải nghiệm nghề làm gốm. Trước đây, mỗi lần cầm một chiếc cốc, chén trà thấy rất bình thường, nhưng sau khi trải nghiệm mới thấy những giá trị văn hóa, trân quý những nghệ nhân đã làm ra những sản phẩm gốm độc đáo. Phước Tích sẽ rất thích hợp với những du khách muốn tìm hiểu văn hóa, lịch sử gắn với làng quê.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền – Hoàng Văn Thái, thông qua chương trình trưng bày sản phẩm là cơ hội để các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn huyện tham gia xúc tiến, quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm gắn kết với các hoạt động tham quan, trải nghiệm du lịch tại làng cổ Phước Tích đến khách tham quan, người tiêu dùng đến với Lễ hội “Hương xưa làng cổ” năm 2022.
Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”