Tinh tế, cầu kỳ, sang trọng, ngon và lành… ẩm thực Huế là di sản văn hóa phi vật thể xứng đáng được ghi danh, bảo vệ, phát huy giá trị như một di sản quốc gia và nhân loại.
Ẩm thực Huế luôn tinh tế
Xứng đáng trở thành di sản nhân loại
Biết bao bút mực đã ngợi ca về sự đặc biệt, cầu kỳ, tinh tế của ẩm thực Huế. Nó là kết tinh của quá trình sáng tạo qua nhiều thế hệ, thể hiện sự giao thoa văn hóa của nhiều vùng miền. Chuyên gia ẩm thực Phan Tôn Tịnh Hải nhận định: “Món ăn Huế thể hiện đậm nét giá trị văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán, nghệ thuật và hương vị cực kỳ riêng không hòa lẫn, trở thành một thương hiệu hấp dẫn cho nền văn hóa ẩm thực Việt Nam”.
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu khảo sát của một số nhà nghiên cứu, trong kho tàng ẩm thực Việt có khoảng 1.700 món thì Huế chiếm đến hơn 1.300 món ăn và thức uống, chia làm ba dòng chính: cung đình, dân gian và chay. Món ngon xứ Huế là món ngon của cư dân bản địa, cư dân Champa xưa kết hợp với món ngon của người Việt, món ngon dân gian cả nước hòa quyện với món ăn cung đình mà thành. Món ăn Huế rất phong phú, có thể giản dị, mang hương vị của sản phẩm nơi đồng ruộng, đầm phá, núi sông, song cũng không kém phần sang trọng, tinh tế với cách bài trí món ăn đậm tính chất cung đình.
Ẩn chứa nét tinh tế, thanh nhã, ẩm thực Huế vượt khỏi nhu cầu vật chất bình thường, trở thành nghệ thuật. Trong cách thưởng thức món ăn, thức uống, người Huế không chỉ đơn giản thưởng thức bằng miệng mà còn ăn bằng mắt, ngửi bằng mũi, nghe bằng tai… Nói phong vị ẩm thực Huế cũng là một thước đo chiều sâu của con người Huế, văn hóa Huế là vì vậy.
TS. Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ Dân gian Thừa Thiên Huế cho rằng, ẩm thực Huế là một di sản tích hợp nhiều giá trị, như: triết lý, lối sống, quan niệm, cách chế biến, nghi lễ, nghệ thuật trang trí… Những nét đặc trưng ấy biểu hiện rất rõ nét, không lẫn lộn với bất cứ ẩm thực của vùng miền nào. Ẩm thực Huế không ngừng tiếp thu, phát triển, sáng tạo qua nhiều giai đoạn lịch sử và được lưu truyền qua nhiều thế hệ đến ngày nay. Ngoài ra, Huế vẫn còn có nhiều nghệ nhân nắm vững bí quyết, kỹ năng thực hành, chế biến các món ăn, thức uống ngon…
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, ẩm thực Huế thể hiện đậm nét các giá trị văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán, nghệ thuật và có bản sắc rất riêng, đã trở thành một thương hiệu tiêu biểu cho văn hóa ẩm thực Việt Nam. Vì vậy, ẩm thực Huế không chỉ xứng đáng là một di sản quý của người Huế, người Việt Nam, mà còn xứng đáng lập hồ sơ đệ trình UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, để từ đó được bảo vệ và phát huy giá trị một cách toàn diện, đầy đủ và bền vững trong đời sống đương đại.
Món ăn Huế được du khách yêu thích
Lộ trình cụ thể
Theo đề nghị của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh về kế hoạch, lộ trình xây dựng hồ sơ ẩm thực Huế trình UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Trên cơ sở này, Sở Văn hóa và Thể thao đã và đang nghiên cứu để xây dựng một kế hoạch phù hợp, lộ trình cụ thể.
Để được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ẩm thực Huế cần tiếp tục được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm làm sáng tỏ thêm những giá trị nổi bật đối với sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của nhân loại. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội để đạt đến sự hiểu biết đầy đủ về di sản và sự đồng thuận, tự nguyện bảo vệ di sản của cộng đồng.
TS. Phan Thanh Hải cho biết, trước tiên, cần triển khai kế hoạch kiểm kê và lập hồ sơ khoa học ẩm thực Huế đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhằm đánh giá những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và khoa học… của ẩm thực Huế. Đây cũng là yếu tố cần thiết để di sản ẩm thực Huế đủ điều kiện tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ với việc bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản ẩm thực Huế nói riêng, tỉnh cũng cần có chính sách đãi ngộ, khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản ẩm thực Huế. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân thực hành sáng tạo và truyền dạy cách thức chế biến món ăn, thức uống trong các gia đình, nhà trường, câu lạc bộ… nhằm bảo vệ di sản ẩm thực và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng xã hội.
TS. Trần Văn Dũng đề xuất, cần tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy và chế biến món ăn, thức uống. Đồng thời, đưa ẩm thực Huế vào nội dung đào tạo bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành, các trường học. Bên cạnh việc tổ chức thường xuyên và mở rộng quy mô các liên hoan, triển lãm, festival về ẩm thực Huế nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu này, xem đó như một thế mạnh của ngành dịch vụ, du lịch, cần khuyến khích các cơ quan truyền thông thường xuyên tổ chức các chương trình giới thiệu quảng bá về ẩm thực Huế đến công chúng trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: Minh Hiền
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”