TTH – Vài năm gần đây, Huế “bỗng dưng” trở thành điểm đến “cấp tập” của các nhà làm phim trong nước và Việt kiều. Họ chọn Huế làm bối cảnh cho những bộ phim điện ảnh, phim truyền hình, phim quảng bá du lịch, lẫn các MV ca nhạc. Nhiều phim đã trình làng và gây tiếng vang lớn hay doanh thu phòng vé cao “ngất ngưởng” như: Nàng thơ xứ Huế (2018), Trạng Quỳnh (2019), Mắt biếc (2019), Gái già lắm chiêu 3 (2020), Không thể cùng nhau suốt kiếp (MV, 2020)… Nhiều phim đã quay xong ở Huế và đang làm hậu kỳ, chuẩn bị trình làng trong dịp Tết Tân Sửu (2021) sắp đến: Gái già lắm chiêu 5, Em và Trịnh, Kiều…
Ảnh: Lê Ngọc
Rằng duyên đã có từ xưa
Trước năm 1975, Huế đã từng là “trường quay”của phim Đất khổ, do (cố) nhà báo Hà Thúc Cần làm đạo diễn, khởi quay từ năm 1970 hoàn tất vào năm 1973. Phim có sự tham gia diễn xuất của (cố) nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được coi là tác phẩm nghệ thuật phản ánh hiện thực cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng sau khi hoàn thành thì bị cấm chiếu vì chính quyền đương thời cho rằng nội dung của phim “phản chiến và khuynh tả”.
Năm 1992, “phim trường Huế” sôi động trở lại khi đạo diễn người Pháp Régis Wargnier đã chọn nơi này để thực hiện nhiều cảnh quay trong bộ phim Indochine (Đông Dương). Indochine được quay ở Sài Gòn, Huế, vịnh Hạ Long, Tam Cốc – Bích Động (Ninh Bình) và nhiều nơi khác ở Việt Nam. Trong đó, những cảnh quay ở Huế lấy bối cảnh sông Hương, chùa Thiên Mụ, Đại Nội, lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh… đã mang một xứ Huế cổ kính, trầm mặc và đẹp ngỡ ngàng ra giới thiệu với công chúng yêu điện ảnh trên thế giới. Bộ phim đã được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) trao giải Oscar cho “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” vào năm 1993. Điện ảnh Pháp cũng trao 6 giải César vào năm 1993 cho phim Indochine.
Huế cũng từng là phim trường của nhiều phim điện ảnh, phim truyền hình được sản xuất ở Việt Nam từ những năm cuối thập kỷ 1980 cho đến những năm 2010. Đáng chú ý là các phim: Cô gái trên sông (1987), Đêm hội long trì (1989), Lá ngọc cành vàng (1989), Tuổi thơ dữ dội (1989), Kiếp phù du (1990), Vua Minh Mạng (1991), Ngọn nến hoàng cung (2004), Dòng sông phẳng lặng (2005), Nhận Huế làm quê hương (2005), Trăng nơi đáy giếng (2007), Huế – Mùa mai đỏ (2013)… Trong số đó có nhiều phim đã đoạt nhiều được giải thưởng trong các liên hoan phim quốc gia và quốc tế như các phim: Cô gái trên sông, Đêm hội long trì, Trăng nơi đáy giếng…
Duyên tình ngày nay thắm lại
Mối lương duyên giữa điện ảnh với đất đế đô nay bỗng thắm lại khi chỉ trong ba năm 2018 – 2020 đã có gần chục bộ phim đủ thể loại, kể cả MV ca nhạc nổi đình nổi đám được quay ở Huế.
Có một điều khác biệt so với trước đây là những bộ phim được quay ở Huế cách đây mấy chục năm đều có cốt truyện gắn liền với mảnh đất và con người xứ Huế, vì thế các nhà làm phim phải chọn Huế làm bối cảnh chính cho phim của mình. Song, những bộ phim được thực hiện ở Huế trong mấy năm trở lại đây lại là những câu chuyện ở “tận đẩu tận đâu” . Thậm chí có cả người Huế được chọn làm diễn viên chính của phim (như Hoa khôi du lịch Huế năm 2015 Lê Trần Ngọc Trân trong serie phim “Nàng thơ xứ Huế” của cặp đôi đạo diễn Nam Cito – Bảo Nhân).
Và lần này, các nhà làm phim không chỉ chọn những cảnh quay là cung điện vàng son, là thành quách rêu phong cổ kính, là những địa danh nổi tiếng của Huế cho những trường đoạn không thể quay ở nơi nào khác. Phong cảnh và con người xứ Huế trong những phim “hậu sinh” rất phong phú, đa dạng và cũng đầy bất ngờ: từ làng quê đến phố thị, từ sử tích lừng danh đến những “hóc bò tó” chưa ai biết đến, từ vai diễn quan quyền, trí thức cho đến các vai diễn bình dân…
Từ đó có thể thấy rằng, yếu tố “cần phải có Huế” trong những bộ phim về Huế trước đây đã nhường chỗ cho một thực tế là “Huế đã làm cho phim trở nên hay, lạ, đẹp, hấp dẫn” trong những bộ phim đương đại. Nói cách khác, các nhà làm phim đã nhận thức đúng giá trị của cảnh quan, lịch sử, văn hóa, con người xứ Huế để lựa chọn nơi này cho những bộ phim của mình, chứ không phải vì Huế có những cảnh quan mà nơi khác không có nên mới lưu tâm.
Chính sự thay đổi trong nhận thức nói trên đã làm cho Huế thắm duyên với điện ảnh trong những năm qua và sẽ biến Huế thành một “phim trường” tiềm năng trong tương lai.
Cú hích cho phát triển văn hóa và du lịch
Nếu Huế trở thành một phim trường hấp dẫn cho điện ảnh Việt Nam, hẳn nhiên sẽ gây được sự chú ý cho các nhà làm phim quốc tế. Khi đó, Huế cần phải biến thế mạnh này trở thành một mũi nhọn trong chiến lược phát triển văn hóa, cụ thể là trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… là những nơi có nền điện ảnh phát triển, việc lựa chọn những địa điểm thích hợp để xây dựng các phim trường đa chức năng đã và đang là xu thế thịnh hành. Những bộ phim cổ trang, những bộ phim lịch sử, thậm chí những bộ phim tâm lý xã hội đương đại…, đều được quay tại các trường quay phục dựng. Bởi lẽ không thể thực hiện tất cả các bối cảnh của một bộ phim ở những thắng cảnh, sử tích hay địa danh thực tế, vì nhiều lý do khác nhau. Vì thế, các nhà làm phim phải kết hợp cả trường quay phục dựng lẫn “phim trường” tự nhiên, vừa tiết kiệm kinh phí, vừa bảo đảm các yếu tố xác thực phù hợp với nội dung của phim.
Huế hoàn toàn có thể trở thành một “phim trường kiểu mẫu” như vậy, bởi Huế có sẵn sử tích, cảnh quan, địa danh thực tế cần thiết cho tất cả thể loại phim; lại vừa có không gian để xây dựng các phim trường chuyên nghiệp, phục vụ cho nhu cầu của các đoàn làm phim trong nước và quốc tế trong tương lai.
Ngoài ra, khi Huế được chọn làm phim trường của nhiều bộ phim, thì chắc chắn lượng khách du lịch đổ về Huế sẽ tăng nhanh chóng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, ẩm thực, mua sắm ở đây. Thực tế này đã được chứng minh ở nhiều nơi.
Trong bối cảnh Việt Nam chưa có một phim trường nào giống như các phim trường: Hoành Điếm, Vô Tích, Nam Hải, Đôn Hoàng… (ở Trung Quốc), hay các phim trường: đảo Nami, công viên Shilla Millenium, Seoul Land, làng Bukchon Hanok… (ở Hàn Quốc), thì việc đầu tư xây dựng một phim trường ở Huế là một sự “đón đầu khôn ngoan”, hợp cùng với những di sản, cảnh quan tự nhiên có sẵn ở Huế, sẽ biến xứ sở sông Hương – núi Ngự thành “trọng địa” của công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong tương lai.
Khi bộ phim truyền hình Bản tình ca mùa đông của kênh truyền hình KBS (Hàn Quốc) được phát sóng rộng rãi ở nhiều quốc gia vào năm 2002, thì đảo Nami, phim trường chính của bộ phim này trở thành nơi thu hút du khách bậc nhất Hàn Quốc vào những năm sau đó. Tương tự, bộ phim truyền hình Dae Jang-geum, do kênh truyền hình MBC (Hàn Quốc) sản xuất năm 2002, kể về cung nữ Jang-geum nhờ sự hiếu học và tài năng đã nắm được các bí quyết về ẩm thực và y dược học cổ truyền, tạo ra những món ăn bồi bổ và có lợi cho sức khỏe và bào chế các bài thuốc quý cho vương triều Joseon và được bổ nhiệm làm nữ ngự y đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Triều Tiên được phát sóng ra bên ngoài Hàn Quốc, thì sau đó, các cung điện của vương triều Joseon ở Seoul sau đó nườm nượp du khách nước ngoài và món ăn Hàn Quốc thăng hạng trên bảng xếp hạng ẩm thực thế giới. Hay loạt phim 3 tập Lord of the rings (Chúa tể của những chiếc nhẫn) do Hollywood sản xuất, được công chiếu trong các năm 2001 – 2003, cũng đã thu hút du khách tìm đến New Zealand đông chưa từng thấy, chỉ vì bộ phim này được quay ở quốc đảo xinh đẹp này.
Du lịch Huế cũng sẽ có cơ hội như vậy, một khi Huế trở thành vùng đất điện ảnh “land of cinema” trong tương lai.
Trân Huyền
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”