Đó là mong muốn của các đại biểu đến tham dự hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị ẩm chay Huế”, do Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh và Trường cao đẳng Du lịch Huế tổ chức ngày 18/5.
Du khách đến thưởng thức ẩm thực chay tại lễ hội “Ẩm thực chay Huế 2019” diễn ra tại Công viên Lý Tự Trọng từ 17 – 19/5
Xu hướng chọn ẩm thực chay
Qua nghiên cứu, phân tích của các nhà khoa học, thực phẩm chay đủ các chất dinh dưỡng nên ăn chay đúng cách có những ưu điểm về sức khỏe thân thể và tâm trí, nhiều sinh lực, vóc dáng đẹp, sức chịu đựng tốt, tuổi thọ cao; ngăn ngừa được bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành; có chỉ số thông minh cao, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền sống bình đẳng của những loài động vật, chống lại biến đổi khí hậu…
Với những lợi ích cũng như ý nghĩa của việc ăn chay, xu hướng tiêu dùng ẩm thực chay trên thế giới ngày càng phát triển và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Người ăn chay không chỉ theo truyền thống, sở thích của cha mẹ, niềm tin đạo đức hoặc tôn giáo… mà đã mở rộng ra tất cả mọi cá nhân và du khách, bởi những mối quan tâm về sức khỏe và bảo vệ môi trường.
Huế hiện có khoảng 108 ngôi chùa và hơn 300 Niệm Phật đường, người Huế theo Đạo Phật là chủ yếu, do vậy với một truyền thống ăn chay từ lâu đời, ẩm thực chay trở thành nét văn hóa ẩm thực độc đáo, riêng biệt của người Cố đô. Với người Huế ăn chay thể hiện một triết lý sống đầy giá trị nhân sinh, giúp con người hướng thiện, tránh kiếp nạn quả báo sát sanh, gia tăng lòng từ bi và sống hòa thuận với vạn vật thiên nhiên, con người xung quanh.
Ăn chay đang trở thành xu hướng
Hiện nay, trên địa TP. Huế có khoảng 40 nhà hàng, quán ăn lớn nhỏ phục vụ các món ăn chay. Ngoài phục vụ nhu cầu ẩm thực chay của người dân địa phương, ẩm thực chay là một sản phẩm du lịch độc đáo của Huế, đáp ứng xu thế phát triển của một trung tâm văn hóa du lịch, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Ngày nay, tại Huế đã xuất hiện nhiều nhà hàng đặc sản Huế, nhiều quán ăn chay, quán chè Huế, bánh Huế, bún Huế,… Trong các khách sạn ở xứ Huế, những bữa tiệc cung đình, những ngày hội ẩm thực Huế xưa và nay, những bữa cơm vua, cơm chay kiểu Huế đang được thường xuyên tổ chức, phục vụ ngày càng tốt nhu cầu của thực khách.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, những đặc tính một thời từ trong truyền thống của nghệ thuật ẩm thực Huế đến nay lại tiếp tục được gìn giữ, chuyển hóa thành những sản phẩm phục vụ du lịch của một vùng đất thường xuyên đón tiếp nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, một trung tâm văn hóa du lịch quan trọng của Việt Nam. Từ lâu và cho đến hiện tại, ẩm thực chay vẫn là nét văn hóa đặc trưng của Huế.
Huế cần sớm hình thành những không gian ẩm thực chay để thu hút khách du lịch
Cần có phố ẩm thực chay
Hiện nay, Huế là điểm đến tuyệt vời của du khách, họ đến không chỉ để ngắm cành đẹp mà còn bởi họ muốn thưởng thức món ngon xứ Huế. Rất nhiều khách ăn chay khi đi du lịch họ rất quan tâm đến nơi nào có thể phục vụ cho họ những bữa cơm chay ngon và sạch. Các nhà hàng món chay xứ Huế là điểm đến đầu tiên của du khách ăn chay. Một lợi thế cạnh tranh không thể tốt hơn cho Huế.
Theo chuyên gia ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh, điều cần làm của Huế là phải khiến du khách ngưỡng mộ nét văn hóa ẩm thực chay độc đáo, cả hương và vị lung linh sắc màu; ngũ hành, hài hòa âm dương tiềm ẩn trong sự khéo léo và dụng công của món chay Cố đô Huế.
Trước những tác động của thị trường kinh doanh, các nhà nghiên cứu cho rằng, cần giữ được nguyên bản ẩm thực chay truyền thống, không nên tự biến tấu làm cho du khách hiểu sai nguồn gốc của món ăn. Đội ngũ phục vụ, hướng dẫn viên du lịch cần am hiểu sâu về văn hóa ẩm thực Huế nói chung và ẩm thực chay nói riêng để có thuyết minh đúng với du khách. Nhiều dịch vụ ẩm thực tự phát, tự do kinh doanh thiếu tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm chế tài.
Chuyên gia ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh chia sẻ ý kiến tại hội thảo
Huế đang có khoảng 40 nhà hàng, quán ăn lớn nhỏ phục vụ các món ăn chay, còn khá khiêm tốn so với nhu cầu của khách ăn chay. Các nhà nghiên cứu đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước là cần quảng bá giá trị độc đáo mang đậm nét truyền thống của ẩm thực chay xứ Huế với du khách trong và ngoài nước tốt hơn. Thường xuyên tổ chức các sự kiện có giao lưu về ẩm thực chay xứ Huế giữa các nghệ nhân và khách hàng để thu hút khách du lịch nhiều hơn nữa. Đặc biệt, Huế cần sớm xây dựng mô hình tuyến phố ẩm thực chay trên các địa bàn thuận lợi để phát huy bản sắc ẩm thực chay là điểm nhấn thu hút khách du lịch.
Các trường dạy nghề và các trường du lịch nên mở thêm bộ môn “Ẩm thực xứ Huế”. Tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn về cung cách phục vụ nhà hàng khách sạn theo tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao chất lượng phục vụ, đó cũng là một nét văn hóa không thể thiếu đối với du khách trong nước cũng du khách nước ngoài
Đối với Hiệp hội Du lịch, cần có định hướng cho các doanh nghiệp xây dựng các tour du lịch chuyên đề ẩm thực xanh sạch cùng du khách trải nghiệm các món chay đặc sản và đa dạng hóa sản phẩm ẩm thực chay địa phương. Tổ chức các tour ẩm thực chay về đêm kết hợp với trình diễn loại hình âm nhạc truyền thống như ca Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế…
Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị ẩm chay Huế” được tổ chức lần này sẽ là cơ sở, tiền đề, định hướng cho những nghiên cứu, những lần tổ chức hội thảo tiếp theo nhằm đánh giá và tôn vinh giá trị ẩm thực chay Huế và di sản văn hóa Huế, đưa Huế trở thành “Kinh đô ẩm thực” đến năm 2025, tầm nhìn 2030. |
Bài, ảnh: Đức Quang
Nguồn: báo TT huế