Đại dịch COVID-19 đã gây hậu quả nghiêm trọng cho ngành du lịch toàn cầu. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều quốc gia mở cửa trở lại, cũng là lúc thị trường du lịch bắt đầu hồi sinh.
Huế là điểm đến của du lịch văn hóa lẫn du lịch khám phá, trải nghiệm.
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO) thì du lịch hậu đại dịch sẽ có 4 xu hướng chính: du lịch không chạm, du lịch tại chỗ, du lịch chăm sóc sức khỏe, hướng tới những nơi cô lập và ít được biết đến. Những xu hướng này sẽ định hình tương lai của ngành du lịch thế giới, ít nhất là cho đến khi đại dịch chấm dứt.
Do vậy, nơi nào có những tiềm năng và thế mạnh, sẵn sàng cung ứng những dịch vụ đáp ứng được 4 xu hướng trên, thì sẽ có cơ hội hồi sinh hoạt động du lịch và phát triển du lịch bền vững.
Thừa Thiên Huế là một nơi như vậy.
Những trào lưu du lịch mới
Trước khi đại dịch bùng phát, đã có những thay đổi diễn ra âm thầm nhưng tác động mạnh mẽ đến hoạt động du lịch ở Thừa Thiên Huế. Đó là những thay đổi về đối tượng du khách, địa điểm du lịch, phương thức di chuyển, thói quen tiêu dùng, sử dụng dịch vụ của du khách.
Trước đây, du khách đến Huế thường là người trưởng thành; đi theo đoàn; ăn nghỉ trọn gói tại những nơi đã được các lữ hành lựa chọn; tham quan các di tích lịch sử văn hóa ở Huế là chính; hành trình du lịch thường kéo dài từ 1 – 2 ngày… Tuy nhiên, gần đây du khách đến Huế chủ yếu là giới trẻ; đi từng nhóm nhỏ; linh hoạt trong việc lựa chọn nơi ăn nghỉ; giảm dần việc tham quan các di tích lịch sử văn hóa mà tìm tòi những điểm check-in mới, ít người biết đến; tự thiết lập hành trình và tự di chuyển đến điểm tham quan bằng những chuyến đi chóng vánh, đôi khi chỉ trong một buổi…
Nguyên nhân là do gần đây Huế trở thành “phim trường” của nhiều bộ phim truyện, phim truyền hình, MV ca nhạc… được trình chiếu trong các rạp chiếu phim, trên truyền hình, trên các nền tảng truyền thông trực tuyến và lan truyền trên mạng xã hội, khiến cho nhiều người, nhất là giới trẻ, thấy rằng: có một xứ Huế khác sinh động và hấp dẫn, bên ngoài những thành quách rêu phong, đền đài cổ kính, lăng tẩm u tịch… như họ từng biết. Ngoài ra, có những nơi vốn bình lặng, ít ai biết đến, như: rừng ngập mặn rú Chá, hồ Khe Ngang, đầm Chuồn, đầm Lập An… gần đây lại trở nên nổi tiếng do những bức ảnh, những dòng tweet, những status, những post… của những người dân địa phương tình cờ khám phá những địa điểm này, lan truyền trên Twitter, Facebook, Instagram… đã truyền cảm hứng cho người dùng mạng xã hội, khiến họ muốn tìm đến những nơi này để khám phá, hoặc chỉ để check-in, chụp hình, đăng lên mạng xã hội, cho “bằng chị, bằng em”…
Những trào lưu này đã biến xứ Huế thành một điểm đến có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với giới trẻ và du khách nội địa trong bối cảnh du lịch quốc tế bị ảnh hưởng do đại dịch, và Thừa Thiên Huế vẫn là “vùng xanh” tương đối an toàn trong gần 2 năm qua.
Thống kê của các chuyên trang về du lịch cho thấy, danh mục các điểm du lịch nổi tiếng ở Thừa Thiên Huế luôn được bổ sung, cập nhật: từ “13 điểm check-in thú vị ở Huế” của Chudu43.com, tới “17 địa điểm du lịch Huế hấp dẫn” của Dulichkhampha24.com, cho đến “31 điểm không thể bỏ qua khi đến Huế” của Traveloka.com…, với hình ảnh minh họa đẹp, lời giới thiệu súc tích và những bình luận sinh động.
Xem các danh mục các điểm du lịch đang là “hot trend” này sẽ thấy, ngoài các điểm tham quan truyền thống, như: Đại Nội, lăng mộ các vua triều Nguyễn…; các di tích tôn giáo – tín ngưỡng như: chùa Thiên Mụ, chùa Huyền Không, nhà thờ Phủ Cam, điện Hòn Chén…; thì có nhiều nơi vốn ít được biết đến, nay lại là điểm đến được nhiều người lựa chọn, như: rú Chá, đầm Lập An, hồ Khe Ngang, hồ Truồi, đồi Thiên An, cây “Mắt biếc”, làng làm hương ở phường Thủy Xuân…
Điều này cho thấy, xứ Huế bây giờ là điểm đến của du lịch văn hóa lẫn du lịch khám phá, trải nghiệm. Thay vì chỉ đi thăm các di tích cung đình Huế xưa với những lộ trình định sẵn, trên những phương tiện vận tải đông đúc, tập trung đông người ở những điểm tham quan truyền thống, giờ đây du khách lập các nhóm nhỏ, tỏa khắp xứ Huế để tham quan các di tích, thắng cảnh, những địa chỉ “hot” vừa xuất hiện trong phim ảnh; tìm hiểu đời sống của cư dân; khám phá văn hóa và thưởng thức nền ẩm thực đặc sắc của xứ Huế.
Kết nối xanh để phát triển du lịch bền vững
Du lịch xanh đang là lựa chọn của du khách, cũng là tiêu chí mà ngành du lịch hướng đến. Bốn xu thế du lịch được dự báo trên đây, chính là để thỏa mãn nhu cầu du lịch xanh của du khách trong bối cảnh hậu đại dịch. Nhiều quốc gia Đông Nam Á, như: Thailand, Indonesia, Singapore…, hay nhiều địa phương trong nước, như: Phú Quốc, Cần Giờ, Hội An, Hạ Long… đã thí điểm mô hình “du lịch bong bóng”, một kiểu du lịch xanh khép kín để đón khách du lịch quốc tế đến với các nơi này.
Thừa Thiên Huế có đủ điều kiện và khả năng để thực hành du lịch xanh nhằm từng bước mở cửa thị trường du lịch và hồi sinh ngành du lịch tỉnh nhà. Vì thế, ngành du lịch của tỉnh nên chọn Kết nối xanh để làm định hướng phát triển du lịch trong tương lai. Đó là sự kết nối của 4 yếu tố: điểm đến xanh, hành trình xanh, con người xanh và dịch vụ xanh để hình thành sản phẩm du lịch xanh.
Điểm đến xanh là điểm đến an toàn, loại trừ tối đa nguy cơ phát sinh và lây nhiễm dịch bệnh tại điểm đến. Điểm đến xanh còn là điểm đến thân thiện với môi trường và tự nhiên. Những địa danh, như: rú Chá, đầm Lập An, hồ Khe Ngang, hồ Truồi, đồi Thiên An và hồ Thủy Tiên… chính là những điểm đến xanh “mới nổi” nhưng có sức hút đặc biệt đối với du khách.
Hành trình xanh là hệ thống tour/tuyến tham quan kết nối các điểm đến xanh, được các đơn vị khai thác du lịch thiết kế, vận hành để phục vụ du khách; đồng thời, gợi ý cho du khách riêng lẻ tự thực hành, thông qua việc cung cấp thông tin trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
Con người xanh bao gồm cả du khách, hướng dẫn viên và những người cung cấp dịch vụ du lịch tại nơi lưu trú, điểm đến tham quan, dịch vụ vận chuyển và ẩm thực. Họ là những người “thực sự an toàn” (tiêm đủ 2 – 3 mũi vaccine, không tiếp xúc với người nhiễm bệnh và nghi nghiễm COVID-19, thực hiện 5K) khi tham gia du lịch xanh.
Dịch vụ xanh bảo đảm an toàn phòng dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm trong tất cả dịch vụ tham gia du lịch xanh: nơi nghỉ ngơi, phương tiện vận chuyển, điểm ăn uống… đều nằm trong “vùng xanh” theo cấp độ phân chia vùng dịch của các ngành chức năng; sử dụng thực phẩm ngon, sạch, an toàn.
Ngành du lịch toàn cầu đang tiến hành những bước đi thăm dò để đưa hoạt động du lịch trở lại, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch đang tăng cao của du khách sau gần 2 năm phải “bó gối, nằm nhà” vì đại dịch. Thừa Thiên Huế với những tiềm năng sẵn có, cùng những yếu tố thuận lợi mới xuất hiện, sẽ là những lợi thế quan trọng để thực hành du lịch xanh, phục hồi hoạt động du lịch và phát triển bền vững trong tương lai.
Bài: Trân Huyền
Ảnh: Trương Vững
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”