Thống nhất mở đường bay thẳng, doanh nghiệp Thái Lan đến Huế để khảo sát, kết nối tour tuyến mới. Không lâu nữa, dòng khách truyền thống này sẽ trở lại Cố đô để du lịch.
Đoàn famtrip Thái Lan đến Huế và trải nghiệm dịch vụ xích lô
Khách Thái sẽ đến Huế trong tháng 5
Thống kê từ Sở Du lịch, từ năm 2010-2015 là giai đoạn mà dòng khách Thái Lan sang Huế nhiều nhất, luôn đứng đầu bảng trong tổng lượng khách quốc tế; chiếm trung bình 16,02% thị phần khách quốc tế đến Huế. Từ 2016 – 2019 lượng khách có giảm nhẹ, song vẫn giữ vị trí thứ 2 trong thị phần khách quốc tế, chỉ sau Hàn Quốc. Năm 2020, mặc dù dịch COVID-19 đã xuất hiện, nhưng vẫn có 46 ngàn lượt khách đến Huế, chiếm 11,4% thị phần.
Theo ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, có thể khẳng định khách Thái Lan là dòng khách truyền thống và luôn tiềm năng và quan trọng của điểm đến Thừa Thiên Huế với nhu cầu dịch vụ tham quan di sản văn hóa, trải nghiệm nghệ thuật truyền thống, thưởng thức ẩm thực và mua sắm. Qua đánh giá khả năng phục hồi của những thị trường quốc tế khi dịch bệnh được kiểm soát thì Thái Lan xếp vị trí đầu tiên, vì nằm trong khu vực ASEAN, có sự tương đồng về những yêu cầu và thủ tục trong đón và phục vụ khách.
Hai cơ sở quan trọng để tin tưởng thị trường khách Thái Lan sẽ phục hồi sớm là Hãng hàng không Thai Vietjet đang nỗ lực để khai thác trở lại đường bay kết nối Thái Lan với các tỉnh miền Trung, nhất là Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam. Để tiến tới khai thác các chuyến bay thuê chuyến và thường lệ từ Bangkok tới Huế và phát động du lịch hiệu quả từ thị trường Thái Lan tới Thừa Thiên Huế trong thời gian sớm nhất, phía hãng hàng không mong muốn tỉnh hỗ trợ phát động du lịch Thừa Thiên Huế tại Thái Lan; kêu gọi, thu xếp nguồn vốn hỗ trợ, phát động cho đường bay Bangkok – Huế; cùng nghiên cứu, xem xét khả năng khai thác đường bay nối các Cố đô Ayutthaya (Thái Lan) – Huế (Việt Nam) – Luang Prabang (Lào) – Siem Reap ( Campuchia)…
Sau chuyến khảo sát, các doanh nghiệp Thái Lan khẳng định sẽ đưa khách đến Huế sớm nhất
Đầu tháng 4, ngay sau chuyến làm việc của Thai Vietjet để xúc tiến đường bay đến Huế vài ngày, đoàn famtrip Thái Lan gồm 33 thành viên, gồm các công ty lữ hành, cơ quan xúc tiến du lịch, báo chí, truyền thông đã đến Huế tham quan và khảo sát các điểm du lịch, tiến đến xây dựng tour tuyến mới. Đây là đoàn famtrip quốc tế đến Huế đầu tiên sau hai năm gián đoạn bởi dịch bệnh, thể hiện một sự quyết tâm hồi sinh lại thị trường Thái Lan đến Huế và ngược lại sau thời gian dài đóng cửa.
Đại diện đoàn famtrip Thái Lan khẳng định, Huế là điểm đến có những nét tương đồng với Thái Lan, đặc biệt là hệ thống di sản, văn hóa, nơi từng là kinh đô cuối cùng của chế độ phong kiến ở Việt Nam. Khi bước vào các điểm di sản, màu đỏ là chủ đạo, đây là màu mà nhiều khách Thái yêu thích thể hiện sự thịnh vượng. Trước khi sang Huế, nguồn khách ở Thái Lan đã sẵn sàng, nhiều khách đã đặt tour, khi điều kiện sẵn sàng sẽ đến Huế du lịch.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, lãnh đạo tỉnh rất là quyết tâm để mở đường bay quốc tế từ Thái Lan sang Huế. Các công việc chuẩn bị đang xúc tiến, gấp rút thực hiện. Dự kiến trong tháng 5, chuyến bay đầu tiên của Thai Vietjet sẽ sang Huế và đoàn khách Thái Lan đầu tiên cũng sẽ sang du lịch.
Tính phương án lâu dài
Theo ngành du lịch, để chủ động đón và phục vụ khách Thái Lan, du lịch Huế đang tập trung xây dựng các chương trình du lịch dành riêng cho các đối tượng khách Thái Lan phù hợp thời gian du lịch cao điểm của khách Thái và quảng bá thông qua các công ty lữ hành, mạng xã hội. Đầu tư, nâng cao chất lượng các dịch vụ vui chơi giải trí, ẩm thực, nghệ thuật truyền thống (ca Huế), shopping… tại điểm đến Thừa Thiên Huế.
Cùng với đó, nhiều đầu việc cũng được chỉ ra để hoàn thiện các dịch vụ, như rà soát và triển khai các thủ tục xuất, nhập cảnh đảm bảo thông suốt, bố trí khu vực riêng cho khách bay charter tại cảng vụ sân bay Phú Bài nhằm thuận lợi cho du khách, vừa đảm bảo lộ trình tour tuyến. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên doanh lữ hành với Thái Lan hoạt động. Bồi dưỡng nghiệp vụ, đặc biệt là tiếng Thái Lan cho đội ngũ lao động trong ngành du lịch.
Ông Nguyễn Văn Phúc thẳng thắn, trên thực tế việc phục hồi thị trường khách Thái Lan và duy trì kết nối bằng đường bay thẳng gặp không ít thách thức. Trước đây, từng đã có chuyến bay charter sang Thái Lan, nhưng không thể duy trì lâu dài vì lượng khách hai chiều không ổn định. Chiều từ Thái Lan sang Huế là ổn định, nhưng từ chiều Huế sang Thái Lan lại không. Do đó, quan trọng là thúc đẩy được khách du lịch hai chiều. Ngay trong những ngày tới, sở sẽ làm việc với lữ hành trong tỉnh, trong khu vực để có những chính sách kích cầu khách Huế và trong khu vực đi du lịch Thái Lan để tạo nguồn khách hai chiều.
Từ thực tế khai thác thị trường khách Thái Lan trước đó cho thấy, cần có giải pháp lâu dài. Ngành du lịch cần xây dựng những sản phẩm mang tính liên vùng, phù hợp với nhu cầu của khách Thái Lan. Các đơn vị lữ hành Huế và các tỉnh phụ cận nghiên cứu kết nối, khai thác thị trường khách trong tỉnh, trong khu vực để đi du lịch Thái Lan nhằm giải quyết đầu ra từ thị trường Huế, hiệu quả trong việc vận chuyển hàng không qua về giữa hai thị trường Huế, Thái Lan. Liên kết 3 địa phương Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam mở rộng đến 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị phải chặt chẽ hơn, khi đó giúp các địa phương bổ trợ cho nhau về vận chuyển và phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch… Xây dựng tour đến Huế và kết thúc trở về ở Đà Nẵng và ngược lại là giải pháp cần được tính đến.
Bài, ảnh: Đức Quang
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế Online ”