Trải nghiệm homestay ở A Lưới, không hẳn chỉ mở cánh cửa làm bằng tre nứa của ngôi nhà sàn nhẹ nhàng thân thiện với thiên nhiên, để chạm đến không gian núi rừng, mà mở ra không gian của cảm xúc mênh mang.
Check-in cùng bậc thang nhà sàn tại homestay Hương Danh
“Mưa lạnh thế này, cuối tuần lên A Lưới “ở” homestay”? Không hề ngạc nhiên trước rủ rê thoạt nghe có vẻ “ngược đời” của bạn. Bởi dường như ngay lập tức cảm giác ấm nồng tỏa lan tâm tưởng, khi nhớ bếp lửa bập bùng trong một đêm khuya muộn cùng bạn bè tại homestay Hương Danh ở xã biên giới A Roàng.
Đó cũng là một ngày thật lạnh. Sau chuyến “lang thang” suốt ngày trời, qua nhiều bản làng cùng những người bạn, hai ngôi nhà sàn khá lớn (để nhóm khách nam và nhóm khách nữ ở riêng), với những tấm nệm ngay ngắn cạnh nhau, trải ga sạch sẽ, tinh tươm, như một lời mời gọi khách viễn du dừng bước. Để rồi được thư thái nhẹ nhàng, khi mở cánh cửa nhà sàn, là ánh mắt có thể chạm dãy núi đang mờ dần trong chiều sương giăng trắng.
Không biết có phải khèn, thanh la, chiêng…, những loại nhạc cụ truyền thống của người dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu… treo trên tường dựng bằng tre nứa, hay bởi nụ cười hồn hậu, thân thiện của “anh chủ” homestay trong chiếc áo may bằng vải zèng, đã kéo chân khách đến quây quần tại khu vực sinh hoạt chung. Bếp than hồng rực cùng tiếng khèn dặt dìu, da diết của chủ nhân homestay khiến gió núi ngưng đọng. Và màn đêm đang buông trên bản làng, mênh mang ấm áp. Bên bếp than hồng, những món ăn “rặt” hương vị núi rừng, như cá suối nướng, canh sắn, xôi nếp than, “gà rừng” (hoa chuối rừng) bóp… khiến đêm càng thêm thơm nồng.
“Đến làng A Nôr nhé”! Mới nghĩ tới ngôi làng của những homestay, mà ở đó có thể lắng nghe tiếng nước từ thác A Nôr tuyệt đẹp giữa đại ngàn, đã ngập tràn các cung bậc cảm xúc. Vậy là đi.
Bên bếp lửa hồng cùng các thôn nữ
Khi chúng tôi đi qua thị trấn A Lưới, đến xã Hồng Kim để vào làng A Nôr, mưa nhẹ hạt. Chiều ở miền sơn cước tắt nhanh hơn. Đèn điện bật sáng trước những chiếc cổng tre mở như một lời chào đon đả. “Hồ Tuấn”, “Hồ Trâm”, “Nhuận Thoa”…, homestay nào cũng đang có khách. Thì ra, không ít người cùng chung sở thích trải nghiệm không gian homestay nơi rừng núi, dù tiết trời mưa, lạnh.
Chiếc ba lô với vài vật dụng cá nhân vừa đặt xuống góc nhà, bếp lửa hồng đã được chủ nhân homestay Hồ Tuấn nhen lên. Căn bếp nơi góc nhà sàn đơn sơ nhưng cũng đầy đủ các vật dụng để khách có thể tự tay trải nghiệm vài món ăn đơn giản của người dân bản địa. “Luộc hoặc xào món rau rừng là đơn giản nhất” – vợ chồng chủ nhân homestay nở nụ cười hồn hậu. Anh chị bảo nếu muốn tự tay làm món cơm lam, món xôi nếp than nấu sắn…, ngày mai sẽ hướng dẫn khách.
Lúc này một nhóm nam thanh nữ tú trẻ trung vừa quay lại từ homestay bên cạnh. Trong câu chuyện rôm rả có rất nhiều sự trầm trồ, khi khách ở homestay này, nhưng có thể “lang thang” ghé các homestay “láng giềng” để ngắm nhìn, check-in cùng các nhạc cụ, vật dụng làm nương làm rẫy hay “chill” tại những góc ưng ý và còn được chủ nhà vui vẻ vào vai “thợ ảnh”, chụp đến lúc nào khách “ô-kê” thì thôi. Lại nhớ đêm homestay ở A Roàng, những cô thôn nữ đã vui vẻ cùng khách uống rượu cần, nhảy múa quanh lửa trại. Những điệu múa của người dân tộc Pa Cô, Cơ Tu…, khiến chúng tôi lâng lâng say cái tình núi rừng mộc mạc.
Trải nghiệm homestay ở A Lưới, không hẳn chỉ mở cánh cửa làm bằng tre nứa của ngôi nhà sàn nhẹ nhàng thân thiện với thiên nhiên, để chạm đến không gian núi rừng, mà mở ra không gian của cảm xúc mênh mang.
Bây giờ, A Lưới có gần 20 homestay ở các xã Hồng Hạ, Hồng Kim, Hồng Thượng, A Roàng, thị trấn A Lưới… Nhưng không chỉ là “nơi ở” để du khách nghỉ ngơi khi đến thăm thú các điểm du lịch, đến với con suối A Lin, thác A Nôr và nhiều con suối, thác hoang sơ đẹp đến nao lòng giữa núi rừng A Lưới, mà homestay nơi này chính là “thế giới” riêng, không gian hấp dẫn, đượm nồng, khiến người ta nhẹ nhõm, thư thái, được tiếp thêm năng lượng tràn đầy.
Bài, ảnh: QUỲNH ANH
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”