Hạ tầng giao thông được xác định là trở lực của ngành du lịch Huế. Điều này sẽ thay đổi khi hàng loạt dự án, đại công trình được triển khai, trở thành động lực cho ngành du lịch Cố đô bứt phá trong tương lai.
Đường kết nối ven biển mở ra cơ hội cho ngành du lịch phát triển. Ảnh: NGUYỄN PHONG
Nhìn nhận đúng trở lực
Giao thông là 1 trong 3 lĩnh vực chính của du lịch, gồm lữ hành, lưu trú và vận chuyển. Giao thông là “sợi dây” kết nối mọi hoạt động của du lịch. Cũng giống như các ngành kinh tế khác, giao thông thuận lợi là “đòn bẩy” để du lịch phát triển. Một điểm đến dù có hấp dẫn nhưng giao thông không thuận lợi, kết nối không tốt cũng sẽ khó khăn trong thu hút được khách hàng.
Theo các chuyên gia du lịch, trong 6 giai đoạn phát triển của một vòng đời điểm đến, yếu tố được ưu tiên đầu tư đầu tiên ngay sau khi điểm đến được xác định phát triển chính là hạ tầng giao thông. Nói như thế để thấy tầm quan trọng, vai trò của giao thông trong phát triển điểm đến và bắt buộc cần có chiến lược, cũng như những đầu tư xứng tầm để giao thông phát huy được vai trò kết nối.
Tại hội nghị “Phục hồi, phát triển du lịch Huế trong trạng thái bình thường mới” diễn ra gần đây, giới chuyên môn cũng chỉ ra rằng, nhiều điểm đến của Huế rất đẹp, du khách rất thích, nhất là khách quốc tế nhưng chỉ vì giao thông khó khăn mà mất sức hút. Minh chứng cụ thể nhất là cụm di tích Hổ Quyền – Voi Ré (đấu trường thú còn lại ở Đông Nam Á), các loại xe ô tô không thể di chuyển vào, nên khách phải đi bộ vài km để tham quan là điều bất khả thi.
Xét về tổng thể hạ tầng giao thông du lịch ở Huế hiện nay, lãnh đạo ngành du lịch thẳng thắn đánh giá, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật tại một số điểm du lịch vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Cụ thể, tiến độ triển khai một số tuyến đường quan trọng kết nối giữa Huế các điểm du lịch về biển vẫn còn chậm, kéo dài ì ạch nhiều năm, làm lỡ cơ hội cho phát triển du lịch, nhất là những sản phẩm mà rất cần cho du lịch nội địa, du lịch ngắn ngày như hiện nay; các bến thuyền sông Hương, đầm phá chưa được quan tâm đầu tư mạnh nên vẫn còn tạm bợ, chưa đảm bảo yêu cầu phục vụ… khiến du lịch đường sông, đầm phá vốn là thế mạnh chưa phát huy đúng vai trò.
Nếu có sự đầu tư đúng mức, hạ tầng sẽ thúc đẩy du lịch Huế phát triển tốt hơn
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, các bãi biển ở Huế sạch đẹp, không thua kém gì các bãi biển được khai thác tốt trong khu vực miền Trung, nhưng giao thông kết nối chưa tốt là lý do khiến du lịch biển ở Huế phát triển chưa đúng với tiềm năng. Việc gặp trở lực ở hạ tầng giao thông cũng ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư của Huế về du lịch biển và góp phần thúc đẩy các dự án triển khai nhanh hơn so với kế hoạch.
Theo ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch, khi giao thông chưa thuận lợi sẽ là trở lực, ngược lại, nếu thuận lợi trở thành động lực cho ngành du lịch Huế phát triển. Xác định là trở lực, do đó, phát triển hạ tầng giao thông là giải pháp quan trọng của ngành du lịch được đặt ra trong thời gian đến.
Từ trở lực thành… động lực
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, Thừa Thiên Huế đang đặt mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, là trung tâm du lịch lớn của cả nước, khu vực trong quá trình xây dựng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong những “điểm nghẽn” phải tháo gỡ, hạ tầng giao thông là lĩnh vực được tỉnh ưu tiên hàng đầu, triển khai đồng bộ hạ tầng cơ sở để sẵn sàng đón đầu cho tương lai.
Theo người đứng đầu UBND tỉnh, trong vòng 5 năm tới, tuyến đường bộ ven biển kết nối Bắc – Nam sẽ được thi công, trong đó, Thừa Thiên Huế có quy mô khoảng 270km. Cây cầu lớn có chiều dài khoảng 1,5km nối từ Hải Dương (Hương Trà) sang Thuận An (Phú Vang) sẽ được triển khai. Đây là điểm nhấn quan trọng, kết nối tuyến đường ven biển từ Phong Điền đến Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, động lực trong việc phát triển kinh tế biển, ưu tiên kinh tế du lịch. Cùng với đó, các đô thị du lịch biển sẽ được hình thành, tạo ra một tiềm năng lớn về phát triển du lịch, đô thị sinh thái biển trong tương lai không còn xa nữa.
Với một số điểm đến, hạ tầng giao thông chỉ ngang mức đáp ứng được các đoàn khách nhỏ lẻ, di chuyển bằng những hình thức như xe máy hay xe đạp
“Nút thắt” lớn nhất của Huế là đường hàng không cũng dần được gỡ. Ngoài nhà ga 5 triệu hàng khách/năm đang được thi công, Thừa Thiên Huế đã được Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng thêm nhà ga hàng hóa, kéo dài đường băng cất, hạ cánh. Khi các hạng mục sân bay hoàn thành, kỳ vọng vào một cảng hàng không quốc tế quy mô 9 triệu hành khách/năm sẽ phát huy vai trò kết nối phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch.
Ông Lê Hữu Minh thông tin, nhiều cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch tiếp tục được triển khai như nâng cấp, mở rộng và đấu nối các con đường tiếp cận các điểm du lịch như đoạn Phú Mỹ – Thuận An (đường Tự Đức – Thuận An); dự án đường cao tốc Túy Loan – La Sơn, Cam Lộ – La Sơn; dự án hầm đường bộ Hải Vân 2 đã và đang khẩn trương hoàn thiện các bước còn lại để sớm đưa vào hoạt động; triển khai các hạng mục hạ tầng du lịch về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương; tiếp tục đầu tư các điểm giao thông tĩnh trên địa bàn TP. Huế nhằm phục vụ du lịch, ưu tiên các điểm đỗ xe tại các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu,… sẽ giúp Huế hoàn thiện và nâng tầm hạ tầng giao thông, đáp ứng với nhu cầu mới.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch quốc gia đánh giá, những thông tin về sự đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông của Huế sẽ là cơ sở tiền đề để thu hút các nhà đầu tư lớn, nhất là ở lĩnh vực du lịch. Những điểm đến có cơ sở vật chất tốt, giao thông kết nối thuận lợi luôn dễ thu hút đầu tư hơn những nơi chưa có gì, bởi nhà đầu tư luôn cân đối, phân tích thời gian thu hồi vốn và sinh lời.
Với những công trình được đầu tư mang tầm “thế kỷ” trong tương lai không xa nữa, kỳ vọng đang mở ra một giai đoạn phát triển mới cho ngành công nghiệp không khói của Huế.
Bài, ảnh: QUANG SANG
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”