Đến hẹn lại lên, cứ vào những tháng cuối năm Âm lịch, các làng nghề truyền thống ở Huế lại bừng lên không khí rộn rã, tươi vui. Những tinh hoa của đất trời qua bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề đã tạo nên các sản phẩm mang đậm hồn cốt dân tộc, tô điểm cho ngày Tết thêm ấm cúng, nhiệm màu. Đến với cố đô vào những ngày này, bạn đừng quên ghé thăm các làng nghề này nhé!
Chinh phục thác Chênh Vênh Quảng Trị tắm suối giải nhiệt, ‘rinh về cả kho ảnh xịn’Hoa đào chuông quý hiếm khoe sắc thắm đón xuân trên đỉnh Bà Nà’Rần rần’ trên mạng xã hội mấy ngày qua chính là Thung lũng hoa Tà Nung ‘thơ’ như cổ tích
Làng hương Thuỷ Xuân
Nép mình dưới chân đồi Vọng Cảnh, Thuỷ Xuân là một ngôi làng thanh bình, trù phú, có phong cảnh thơ mộng, hữu tình. Chỉ cách Tp. Huế 7km về hướng Tây Nam, Thuỷ Xuân là một trong những làng nghề truyền thống ở Huế có một lịch sử rất lâu đời.
Những ‘bông hoa’ khổng lồ rực rỡ sắc màu ở làng hương Thuỷ Xuân. Ảnh: baomoi.com
Các hộ dân sinh sống ở đây đa phần đều làm nghề sản xuất hương. Ban đầu, hương Thuỷ Xuân chỉ có hai màu cơ bản là đỏ và nâu. Sau này, để làm nên những thẻ hương đẹp hơn, bắt mắt hơn, những người thợ nơi đây đã pha trộn thành công những màu sắc khác nhau để nhuộm cho hương.
Nghề làm hương ở làng Thuỷ Xuân có một lịch sử rất lâu đời. Ảnh: gody.vn
>> Xem thêm: Bạn sắp đi du lịch Huế mà chưa có ‘plan’? Xem ngay bài review cực chi tiết này
Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh tượng đẹp mắt khi người dân bó hương thành từng bó lớn, xoè thành từng chùm rực rỡ rồi đem ra phơi nắng, khiến cả không gian đều phảng phất hương thơm nồng ấm, thanh khiết, tựa như một cánh đồng hoa khổng lồ.
Đến đây vào những ngày giáp Tết, bạn sẽ được hoà mình trong không khí tươi vui, rộn rã của làng nghề. Ảnh: guu.vn
Hương Thuỷ Xuân được sản xuất hoàn toàn thủ công, theo công thức gia truyền, bao gồm những thảo mộc quý như ngũ vị thuốc Bắc, thảo quả, nụ tùng, hoa hồi, quế, đinh hương… và đặc biệt là tinh dầu trầm, tạo nên những thẻ hương có mùi thơm độc đáo, vang danh khắp mọi miền.
Không chỉ nổi tiếng với nghề làm hương, đây còn là điểm du lịch rất hấp dẫn ở Huế. Ảnh: guu.vn
Đến làng hương Thuỷ Xuân – Thừa Thiên Huế vào những ngày giáp Tết, bạn sẽ được hoà mình trong không khí rộn ràng, hối hả của những cơ sở sản xuất hương. Ngôi làng cổ kính này cũng là điểm đến thú vị cho những tín đồ sống ảo bởi những sắc màu rực rỡ nơi đây.
Làng hoa giấy Thanh Tiên
Thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, làng hoa giấy Thanh Tiên đã có lịch sử gần 400 năm, được hình thành từ thời các vua nhà Nguyễn. Nghề làm hoa giấy ở đây xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng dân gian của người dân đất cô đô.
Hoa giấy Thanh Tiên giữ một vai trò rất quan trọng trong tín ngưỡng thờ cúng của người dân xứ Huế. Ảnh: vnexpress.net
Là một trong những làng nghề truyền thống ở Huế độc đáo nhất, làng hoa giấy Thanh Tiên bên cạnh sản xuất hoa giấy để phục vụ thờ cúng, lễ tết, còn làm hoa giả để trang trí nhà cửa, trưng bày trong các triển lãm, làm quà lưu niệm xuất khẩu quốc tế…
Hoa giấy Thanh Tiên có màu sắc rất tươi sáng, sống động, là vật phẩm không thể thiếu trong những ngày Tết của người cố đô. Ảnh: baomoi.com
Để làm được một cành hoa giấy đẹp, những người thợ Thanh Tiên phải rất giàu kinh nghiệm, tỉ mỉ và khéo léo. Làm hoa giấy có nhiều công đoạn khác nhau như nhuộm giấy, vót tre, phơi tre, cắt tạo hình cánh hoa, nhuỵ hoa và các đường nét trên hoa…
Sản phẩm nổi tiếng nhất của làng nghề Thanh Tiên là hoa sen giấy. Những bông hoa sen giấy Thanh Tiên có màu sắc tươi sáng, đường nét mềm mại, sống động rất được người dân địa phương và du khách yêu chuộng.
Hoa sen giấy – sản phẩm tinh xảo nhất của làng hoa giấy Thanh Tiên. Ảnh: baomoi.com
Ghé thăm làng nghề du lịch nổi tiếng ở Huế này, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm hoa giấy và có dịp chọn mua những bó hoa rực rỡ sắc màu để tô điểm cho ngày Tết trong gia đình mình.
Tranh làng Sình
Bên cạnh trang Hàng Trống, tranh Đông Hồ, tranh làng Sình ở cố đô Huếcũng là một dòng tranh dân gian nức tiếng. Đặc biệt trong dịp xuân về, trang làng Sình được người dân kinh thành trân trọng treo trong nhà, vừa để trang hoàng cho ngày Tết, vừa gửi gắm ước vọng về sự an vui, sung túc.
Nghệ nhân vẽ tranh làng Sình. Ảnh: baomoi.com
Làng Sình – làng nghề truyền thống ở Huế – là tên gọi tiếng Nôm của làng Lại Ân, một ngôi làng nhỏ nằm bên bờ sông Hương thơ mộng. Nghề làm tranh ở làng Sình đã có từ rất lâu đời, không chỉ phục vụ thú chơi tranh mà còn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân xứ Huế.
Tranh làng Sình chủ yếu có đề tài tín ngưỡng, thờ cúng. Ảnh: thanhnien.vn
Trước đây, tranh làng Sình được dùng để thờ cúng, hoá trong các lễ cầu an, giải hạn. Ngày nay, dòng tranh này được bổ sung thêm đề tài về thiên nhiên và sinh hoạt đời thường để gần gũi hơn với cuộc sống hiện đại.
Hiện nay, tranh làng Sình đã có thêm nhiều đề tài để gần gũi với đời sống. Ảnh: thanhnien.vn
Theo kinh nghiệm du lịch Thừa Thiên Huế, khi ghé thăm làng Sình, bạn đừng quên chọn những bức tranh thật đẹp và ý nghĩa để làm quà tặng cho bạn bè, người thân.
Làng gốm Phước Tích
Là ngôi làng cổ ở Huế được xếp hạng di tích quốc gia thứ 2 sau làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), làng gốm Phước Tích đã có lịch sử hơn 500 năm. Nghề làm gốm ở đây vô cùng đặc sắc, được truyền từ đời này sang đời khác với bí quyết tạo nên những sản phẩm gốm tinh xảo, bền đẹp.
Vẻ đẹp thanh bình, yên ả của làng gốm Phước Tích. Ảnh: vnexpress.net
Xưa kia, gốm Phước Tích là đồ thượng phẩm chuyên dùng trong cung cấm và trong các biệt phủ của giới quyền quý. Ngày nay, đồ gốm Phước Tích không ngừng được cải tiến về mẫu mã, trở thành sản phẩm tiêu dùng được người dân trong và ngoài tỉnh yêu chuộng.
Gốm Phước Tích xưa kia là thượng phẩm tiến vua và được sử dụng trong các gia đình quyền quý. Ảnh: baomoi.com
Không chỉ là một làng nghề truyền thống ở Huế nổi tiếng khắp đó đây, Phước Tích còn được biết tới là điểm du lịch hấp dẫn với những ngôi nhà rường cổ kính và không gian làng quê thanh bình, yên ả.
Nghệ nhân làng gốm Phước Tích. Ảnh: baomoi.com
Đến với làng gốm Phước Tích, bạn sẽ có dịp tìm hiểu về nghề gốm cổ truyền độc đáo và hoà mình vào không gian làng cổ nên thơ, mơ màng đậm chất Huế.
Trang Đào
(Theo Báo Thể Thao Việt Nam)
Theo Báo Dulichvietnam.com.vn
Ảnh: baomoi.com