Na Dương là một khu mỏ được khai thác lộ thiên từ năm 1959. Đặc biệt, đây còn là một khu di sản địa chất độc đáo. Trong quá trình tiến hành khai thác than, đơn vị khai thác đã phát hiện được nhiều hóa thạch động thực vật với khối lượng lớn khá hoàn chỉnh, phong phú và đa dạng, có giá trị cao về mặt khoa học. Kết quả nghiên cứu cổ sinh cho thấy, đây là một hệ sinh thái Miocen (một thế địa chất kéo dài từ 23,03 đến 5,33 triệu năm trước) độc nhất vô nhị ở Nam Á rất cần được bảo tồn.
Được sự tư vấn của các nhà địa chất, lãnh đạo công ty khai thác mỏ than Na Dương đã bổ sung quy hoạch khai thác mỏ theo hướng trở thành địa điểm du lịch sau khi khác thác hết than mà không phải hoàn nguyên. Theo đó, bên cạnh moong khai thác sẽ là một bảo tàng địa chất ngoài trời về địa tầng Miocen và các phức hệ động thực vật Miocen đã từng sinh sống tại đây. Hiện nay, công ty đã quy hoạch ngăn nắp bãi thải và tổ chức trồng cây gây rừng trên khu bãi thải, thu gom các thân cây hóa đá và các hóa thạch động thực vật phục vụ cho xây dựng bảo tàng địa chất ngoài trời sau này. Sau khi khai thác hết than và đóng cửa mỏ, nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với các kiểu di sản địa chất. Du khách đến đây ngoài được thưởng ngoạn cảnh đẹp của thiên nhiên, còn được tìm hiểu và quá trình phát triển các cấu tạo địa chất, địa tầng tại khu bảo tàng địa chất ngoài trời.
Đến khu mỏ Cromit Cổ Đinh (Thanh Hóa) hay mỏ đá ở An Giang
Mỏ Cromit Cổ Định Thanh Hóa là một mỏ có trữ lượng quặng Cromit vào loại lớn nhất châu Á. Mỏ được Pháp khai thác từ 1927. Sau hòa bình lập lại 1954, ta đã mở rộng khai thác và một công nghệ khai thác mỏ bằng sức nước đầu tiên của Việt Nam đã hình thành. Đặc biệt, một bãi thải sau chế biến quặng Cromit đã hình thành. Hiện nay, các bãi thải sau tuyển khoáng ở mỏ Cromit Thanh Hóa đều đã giao cho địa phương quản lý. Dân đã trồng cây cho rừng tái sinh. Sau khai thác, lòng moong đã trở thành một hồ lớn hàng trăm ha, nước trong xanh quanh năm. Mỏ Cromit Cổ Định nằm dưới chân núi Nưa, một khu du lịch tâm linh rất lớn của miền Trung Việt Nam vì có đỉnh Am Tiên, có huyệt đạo thiêng, có nơi xưa bà Triệu luyện binh. Hàng ngày, du khách vẫn lên đỉnh Am Tiên đi lễ, đi thăm thú. Nhưng Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam vẫn chưa có dự án để phối hợp với tỉnh Thanh Hóa để khai thác du lịch mỏ kết hợp tham quan mỏ và tìm hiểu về truyền thống của mỏ. Công nghệ khai thác mỏ bằng sức nước ở đây là đặc biệt nhất của Việt Nam. Tai sao không có một mô hình nhỏ về Công nghệ khai thác sức nước để dân du lịch xem. Hồ xanh là nơi có thể làm du lịch . Đứng trên đỉnh núi Nưa nhìn xuống có thể thấy hồ xanh. Một vùng mỏ có thể mở dự án du lịch tuyền thống và tâm linh. Tại sao không?
An Giang nổi bật với địa hình núi, đồi sót và đồng bằng ngập lụt. Núi, đồi với Thất Sơn hùng vĩ – một địa danh nổi tiếng của miền Tây Nam bộ. Vùng Thất Sơn thuộc huyện Tịnh Biên và Tri Tôn gồm bốn cụm khối núi (Phú Cường, Cấm, Dài, Tô) xếp dài theo hướng Bắc Nam khoảng 34km, chiều ngang theo hướng Đông Tây khoảng 18km, cao nhất là núi Cấm 705 m. Những huyện khác như An Phú, Châu Đốc và Thoại Sơn cũng có rải rác các núi thấp như núi Nổi, cụm núi Ba Thê, cụm núi Sập. An Giang không phải là một tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản nhưng cách làm của An Giang, xét về toàn cục là đúng bài và có hiệu quả lâu dài. Mỏ sau khai thác không phải hoàn thổ như cũ.
Hoạt động khai thác mỏ ở An Giang đã làm mất đi địa hình nguyên thủy tại Tà Pạ và Xa Lôn cũng như một số vị trí khác, các vết lộ tự nhiên quan sát trước đây có thể không còn, nhưng lại có thể bộc lộ những điểm quan hệ địa chất mới. Điều tra bổ sung để có giải pháp bảo tồn các điểm lộ phục vụ cho nghiên cứu và khoa học và du lịch lâu dài là cần thiết.
Một vài kiến nghị, đề xuất
Để các di sản địa chất nhân tạo phát huy hiệu quả phát triển kinh tế xã hội khi chuyển hướng sang khai thác du lịch thì cần phải có các bước quy hoạch ngay từ đầu nhằm chuyển các công trình khai thác trở thành di sản địa chất. Hiện trong hàng nghìn khu mỏ đã và đang khai thác với quy mô công nghiệp ở Việt Nam, hầu như không có một mỏ nào có quy hoạch các công trình khai thác trở thành di sản địa chất ngay từ ban đầu. Điều này có thể do khái niệm về di sản địa chất còn quá mới mẻ đối với các nhà doanh nghiệp khai thác mỏ…Chúng tôi xin có một số kiến nghị với Bộ Công Thương và Bộ VHTTDL, như sau: Du lịch mỏ sau khai thác ở Việt Nam, tại sao không?
1. Các mỏ đang quy hoạch và thiết kế thi công, cần tích hợp tư duy về di sản địa chất để quy hoạch các công trình sau khai thác chế biến trở thành các điểm du lịch.
2. Các mỏ đang khai thác, các nhà địa chất sẽ nghiên cứu, tư vấn góp ý bổ sung quy hoạch các công trình khai thác mỏ trở thành điểm di sản địa chất, phục vụ du lịch sau khi đóng cửa mỏ. Bên cạnh đó, di sản địa chất là phần tài nguyên địa chất rất có giá trị cả về khoa học và thực tiễn nhưng chưa được luật pháp bảo vệ, bởi vậy cần thiết phải bổ sung di sản địa chất vào các văn bản phạm quy, văn bản luật để di sản địa chất được bảo tồn, quản lý phát triển và khai thác bền vững.
3. Từ trước tới nay, Việt Nam chưa hề có quy hoạch các vùng mỏ sau khai thác để dùng cho hoạt động du lịch. Để chuẩn bị cho hoạt động du lịch sinh thái mỏ địa chất, cần có phối hợp với địa phương để qui hoạch cụ thể trước khi bắt đầu khai thác chế biến khoáng sản.
4. Cần phân loại những khu vực hoàn thổ sau khai thác có khả năng dùng cho du lịch mỏ và những khu vực không có khả năng cho du lịch mỏ. Các mỏ nằm ở khu du lịch nhưng các bãi thải có chất độc hại và các bãi thải chưa đủ thời gian ổn định thì không thể dùng cho du lịch. Bãi thải có Xianua, lưu huỳnh, các chất độc hại khác không thể dùng cho hoạt động du lịch mỏ.
5. Những mỏ đã khai thác, dù chưa quy hoạch cho du lịch nhưng có khả năng hoạt động du lịch vẫn nên xin quy hoạch lại cho du lịch mỏ. Mỏ Cromit Cổ Định là một ví dụ. Có thể dùng moong khai thác sau kết thúc khai thác mỏ cho đua thuyền các dịp lễ Tết…
6. Không nên cứng nhắc là sau hoàn thổ bắt buộc phải trả nguyên về hiện trạng cũ vì chi phí sẽ rất lớn đến hàng nghìn tỷ đồng mà dùng cho nông nghiệp lại không hiệu quả bằng hoạt động du lịch.
7. Kết nối với ngành du lịch để tổ chức các tour du lịch gắn với ngành mỏ là công việc của cả hai Bộ Công Thương và Bộ VHTTDL.
8. Vùng Non nước Cao Bằng mới được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Các vùng sau khai thác của Tĩnh Túc, cần khôi phục lại các mô hình khai thác mỏ để khách du lịch tham quan.
Lê Tuấn Lộc
Nguồn: Báo dulich. Net.vn