Nhằm tháo gỡ những khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời, lắng nghe ý kiến để chuẩn bị triển khai kế hoạch 2019 của ngành du lịch, ngày 20/12, Sở Du lịch tổ chức Hội nghị gặp mặt và đối thoại các doanh nghiệp du lịch – dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Du lịch Huế cần thêm những sản phẩm đột phá
Thiếu kết nối
Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch thông tin, năm 2019, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế
Năm 2019, ngành du lịch phấn đấu đạt 4,5 – 4,7 triệu lượt khách, tăng khoảng 8% so với năm 2018; trong đó, khách quốc tế chiếm 40 – 45%; khách lưu trú đạt từ 2,2 – 2,3 triệu lượt, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch tăng khoảng 10%, ước đạt từ 4.700 – 4.900 tỷ đồng. |
mũi nhọn, xứng tầm là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực; xây dựng thương hiệu du lịch Huế – Kinh đô của lễ hội và ẩm thực; triển khai dự án hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ khách và phát triển du lịch của địa phương. Để cụ thể những chỉ tiêu trên, ngành rất cần những chia sẻ, góp ý từ phía doanh nghiệp, bởi Nhà nước mang tính định hướng, còn nền tảng phát triển vẫn là từ phía doanh nghiệp.
Các đại biểu tham gia hội nghị lo lắng khi sức hút của Huế đang giảm, bởi sản phẩm du lịch nhiều nhưng lại nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự gắn kết với nhau. Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh nhìn nhận, các sản phẩm du lịch hiện chưa thật sự tốt, chưa tạo được điểm nhấn để thu hút du khách. Cần hình thành các tour du lịch có tính ổn định, đặc sắc, nhiều trải nghiệm thực tế thú vị, giữ chân du khách ở lại với Huế lâu hơn.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội – Chi nhánh Huế chia sẻ, để tạo điểm nhấn, ngành cần có sự lựa chọn những sản phẩm để tăng cường quảng bá, hỗ trợ phát triển. Có thể một sản phẩm nhỏ, nhưng mà “chất”, liên kết những sản phẩm với nhau vẫn có thể thu hút được khách.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, Chủ tịch Hội Khách sạn cho biết, để giữ chân du khách ở lại Huế các doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hóa dịch vụ, nâng cao chất lượng, đảm bảo các nhu cầu của khách trong quá trình ở Huế. Đồng thời, các doanh nghiệp và các cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch cần đoàn kết, tăng cường phối hợp, đồng lòng, cùng xây dựng du lịch Huế phát triển bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, nhất là tạo được sự gần gũi, môi trường du lịch thân thiện, mến khách thì lúc đó ngành du lịch mới phát triển bền vững.
Ông Lê Hữu Minh cho hay, thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa di sản, tập trung khu vực Đại Nội và vùng phụ cận nhằm phục hồi và tái hiện không gian văn hoá cung đình theo hướng xã hội hóa. Đồng thời, nghiên cứu hình thành các trung tâm thông tin du lịch (mô hình “stop and go”) trên địa bàn TP. Huế để vừa phục vụ nhu cầu trải nghiệm các dịch vụ tại chỗ, vừa thực hiện công tác quảng bá cho du lịch.
Các doanh nghiệp chia sẻ ý kiến với lãnh đạo ngành du lịch
Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá
Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel – Chi nhánh Huế cho rằng, thực trạng hiện nay của du lịch Huế là những hình ảnh, nét đặc trưng văn hóa của địa phương, cũng như các sản phẩm du lịch chưa được các du khách nước ngoài biết đến nên các du khách thường không chọn Huế là điểm đến trong các chuyến hành trình của mình. “Các đơn vị phải tăng cường quảng bá, tham gia các hội chợ du lịch, hội nghị xúc tiến để quảng bá hình ảnh của địa phương, các sản phẩm du lịch đặc sắc, khi đó mới có thể thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước”, ông Khánh nhấn mạnh.
Sở Du lịch cho biết, năm 2019, ngành sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội; tích cực tham gia các sự kiện du lịch, hội chợ du lịch trong và ngoài nước; phối hợp với các địa phương, các tổ chức có liên quan tổ chức đón các đoàn famtrip, presstrip trong và ngoài nước, các thị trường trọng điểm đến tìm hiểu, trải nghiệm, thực hiện các phóng sự, chương trình làm phim để nhân rộng hình ảnh.
Xây dựng sản phẩm hấp dẫn và quảng bá là hai nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Huế
Ngoài ra, ngành du lịch triển khai các ứng dụng du lịch thông minh để tăng sự thu hút, quảng bá, mang lại sự tiện ích, an toàn và đa dạng phương thức tiếp cận văn hóa, cảnh quan của địa phương đối với du khách. Thay đổi phương pháp, hình thức quảng bá hình ảnh du lịch với chiến lược tiếp thị quảng bá điểm đến Huế mang tầm quốc gia và quốc tế trên cơ sở các thế mạnh của địa phương về “di sản, biển, đầm phá, ẩm thực”.
Ông Lê Hữu Minh thông tin, xây dựng sản phẩm hấp dẫn và quảng bá là hai nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Huế. Để thúc đẩy quảng bá du lịch trong điều kiện kinh phí còn hạn chế, ngành sẽ thúc đẩy, gắn quảng bá hình ảnh Huế trong các sự kiện tầm quốc gia và quốc tế tại địa phương, trong các lĩnh vực thế mạnh như: y tế, văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực; tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi nhất để các hãng lữ hành có thương hiệu đặt văn phòng, cơ quan đại diện tại Huế trong thời gian đến.
Bài, ảnh: Đức Quang
Ngồn: Báo TTHuế