TTH – Hấp dẫn của du lịch A Lưới đến từ những giá trị văn hóa đặc sắc
Du khách trải nghiệm ẩm thực ở A Lưới
Tháng 7/2019, Khu du lịch Farmstay Cân Tôm được hình thành ở một cánh đồng lúa thuộc xã Hồng Hạ. Đến đây, khách du lịch được tham gia trải nghiệm các nét văn hóa riêng, như tục Đi Sim của người Pa Cô xưa, những sinh hoạt thường ngày trong sản xuất nương rẫy, bắt cá suối, chế biến ẩm thực truyền thống và các loại hình văn hóa cộng đồng, dân gian… được tái hiện nguyên bản. Farmstay Cân Tôm đã và đang thu hút đông đảo du khách thập phương và được xem là một trong số nhiều mô hình gắn bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch tiêu biểu ở A Lưới.
Là nơi hội tụ của 5 dân tộc anh em Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hy và Kinh, A Lưới được biết đến là một vùng đất còn lưu trữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc. Những năm qua, đề án “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 – 2020” được triển khai. Quá trình thực hiện đề án, A Lưới chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và phát triển du lịch, tạo được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.
Ngày càng nhiều chương trình du lịch gắn với văn hóa người bản địa thu hút sự quan tâm của du khách với sản phẩm du lịch truyền thống độc đáo mang đậm đà bản sắc vùng cao. Đó là các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống, như: Lễ hội A za, A Riêu car, tục sinh hoạt dân gian dưới nước; các thể loại dân ca, dân nhạc, dân vũ; các trò chơi dân gian; các loại dược liệu quý dùng để xông răng, gội đầu; nhiều loại ẩm thực… của các dân tộc thiểu số đã và đang được người dân bảo tồn và phát huy dưới nhiều hình thức.
Văn hóa ẩm thực của các dân tộc thiểu số được bảo tồn thông qua các dịp lễ hội, liên hoan ẩm thực cùng với những hoạt động phục vụ khách du lịch tại các làng du lịch cộng đồng ở A Hươr – Pa E (xã Quảng Nhâm), A Ka1 (xã A Roàng), A Nôr (xã Hồng Kim), các nhà hàng và tại một số điểm du lịch sinh thái, như: Suối A Lin, thác A Nôr, suối Pâr le… Không dừng lại ở các lễ hội, huyện A Lưới còn xây dựng nhiều phương án hỗ trợ phát triển các homestay, điểm du lịch sinh thái tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng và một số hộ gia đình tại xã Hồng Kim, Hồng Hạ, A Roàng và Quảng Nhâm. Hiện nay, toàn huyện có 13 điểm du lịch và 4 nhà nghỉ, khách sạn với 74 buồng phòng, 139 giường, 5 homestay, 2 làng văn hóa du lịch cộng đồng và 11 nhà hàng phục vụ khách
Theo UBND huyện A Lưới, giai đoạn 2016 – 2020, tổng lượng khách đến A Lưới đạt 212.945 lượt, trong đó tổng lượng khách quốc tế đạt 54.000 lượt; tổng doanh thu ngành dịch vụ, du lịch ước đạt khoảng 40 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 100 lao động với mức lương 2,5 – 3,5 triệu/người/tháng. Đó được xem là tín hiệu vui, cho thấy hiệu quả của A Lưới trong việc phát huy và gắn kết các giá trị văn hóa với phát triển du lịch địa phương.
Cứ thử tưởng tượng du khách khi đến núi rừng A Lưới hôm nay. Họ được trải nghiệm homestay trong những ngôi nhà sàn xây dựng theo kiến trúc của đồng bào thiểu số, như nhà gươl của dân tộc Cơ Tu, nhà rông của dân tộc Tà Ôi, nhà dài của dân tộc Pa Cô; tận mắt chứng kiến đôi tay phụ nữ Tà Ôi thoăn thoắt bên những khung dệt thổ cẩm. Du khách cũng được hòa mình vào các lễ hội; được thưởng thức các làn điệu dân ca mang âm hưởng núi rừng Trường Sơn; tìm hiểu những phong tục, tập quán đặc sắc của các dân tộc; thưởng thức các món ăn, thức uống độc đáo, như Ka Lèng, thịt khô gác bếp, rượu cần, súp sắn, đọt mây nướng, cá nướng đùm lá chuối, bánh A Quát, A Chót và cơm lam.
Hấp dẫn của du lịch A Lưới đến từ những giá trị văn hóa đặc sắc. Nó cần được phát huy và nhân rộng.
Bài, ảnh: Đan Duy
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”