TTH – Trong số các phường mới được thành lập ở Huế theo Nghị quyết số 1264 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi đặc biệt ấn tượng về tên gọi phường Gia Hội (nhập Phú Cát và Phú Hiệp) và Đông Ba (nhập Phú Hòa và Thuận Thành).
Cái tên Gia Hội không lạ lùng chi. Ở Huế đã có cầu Gia Hội, nối liền đường Trần Hưng Đạo với đường Chi Lăng. Gia Hội là ngôi trường được thành lập năm 1966, hiện nằm ở đường Nguyễn Chí Thanh. Tuy nhiên, có thể nhiều người chưa biết đến đường Chi Lăng trước đây từng mang tên Gia Hội (Rue Gia Hội, có từ 1908). Còn nữa là phố cổ Gia Hội không nhiều khác biệt về giá trị lịch sử và văn hóa so với Hội An.
Đường Chi Lăng trước đây từng mang tên Gia Hội (Rue Gia Hội, có từ 1908) nhìn từ cầu Gia Hội. Ảnh: Q.T
Được hình thành từ sau thời các chúa Nguyễn, phố cổ Gia Hội vẫn còn nhiều phủ thờ các vị hoàng thân quốc thích, những ngôi nhà cổ của người Hoa và người Ấn, như chùa Diệu Đế, Thanh Bình từ đường, chùa Diệu Quang… Nhớ có anh bạn từ Nam ra Huế, tham quan Gia Hội đã không kìm được cảm xúc khi bảo rằng, lần đầu tiên lạc bước vào phố cổ, cứ ngỡ đang đi trên những con đường cổ xưa mà anh đọc trong sách báo và tài liệu.
Từ trên cầu Gia Hội nhìn về hướng sông Hương là ngôi chợ Đông Ba nổi tiếng. Đông Ba còn được đặt tên cho cầu (cầu Đông Ba), tên cửa thành (cửa Đông Ba), sông đào (sông Đông Ba) và tên trường (trường Pháp – Việt Đông Ba). Còn nữa sợ nhiều người sót là bến Đông Ba trong tương quan “cầu Gia Hội – bến Đông Ba”. Chuyện rằng, kinh thành Huế được xây dựng, cửa Chánh Đông được gọi là Đông Hoa. Sau vì kiêng chữ Hoa là tên của vợ vua Minh Mạng là bà Hồ Thị Hoa nên Đông Hoa được đổi thành Đông Ba.
Người Huế tự hào có chợ Đông Ba sánh cùng Đồng Xuân (ở Hà Nội) và Bến Thành (Sài Gòn). Ra đời từ đầu thời Gia Long, ban sơ chợ có tên Qui Giả (ngôi chợ của những người trở về), đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của quan quân nhà Nguyễn. Mùa hè năm 1885, kinh đô thất thủ, chợ bị giặc Pháp đốt sạch. Năm 1887, vua Đồng Khánh cho xây lại chợ gồm có “đình chợ” và “quán chợ” lấy tên là chợ Đông Ba. 12 năm sau đó, trong công cuộc chỉnh trang đô thị theo phong cách phương Tây, vua Thành Thái cho đem chợ “Đông Ba đem ra ngoài giại” là chỗ hiện tại.
Trở lại câu chuyện về sự ra đời của 2 phường Gia Hội và Đông Ba cùng với nhiều phường, xã khác trong bối cảnh thành phố Huế được mở rộng. Khi mà công tác quản lý hành chính được xác định theo những tiêu chí bắt buộc về quy mô dân số và diện tích thì việc tách nhập để hình thành nên những đơn vị phường, xã mới là hẳn nhiên. Tuy nhiên, điều không ít người băn khoăn là tên gọi. Trong rất nhiều trường hợp, đó là sự xa lạ đáng buồn.
Tên gọi của phường là địa danh riêng. Một tên gọi hay phải đẹp từ ngôn từ đến ý nghĩa, thể hiện văn hóa, truyền thống, đặc trưng của địa phương. Tên gọi hay cũng sẽ vun đắp tình yêu quê hương và là niềm tự hào của những người dân nơi đó. Với Gia Hội và Đông Ba phường, hai danh xưng nổi tiếng của xứ Huế đã trở thành địa danh hành chính. Những tên phường mới này, thiết nghĩ, sẽ góp phần khơi gợi được ý thức và trách nhiệm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của vùng đất.
Đan Duy
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế ”