TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, mở đầu cho các hoạt động ngày Tết là lễ Thướng tiêu (Dựng nêu) sáng 23 tháng Chạp (28/1) tại Triệu Miếu, Thế Miếu và điện Long An trong Đại Nội Huế. Đây là một nghi thức truyền thống của dân tộc và cũng là nghi lễ quan trọng vào đầu năm mới của triều Nguyễn. Ngoài những quan niệm tâm linh của dân gian, lễ dựng nêu của triều Nguyễn còn có mục đích để báo hiệu ngày Tết đã tới. Lễ Dựng nêu ở cố đô Huế được tái hiện vào năm 2013 và duy trì cho đến nay.
Sau lễ Dựng nêu, đến ngày 24 tháng Chạp (29/1), tại cung Diên Thọ sẽ siễn ra chương trình “Hương xưa bánh Tết”, bao gồm các âm điệu ca Huế, các trò chơi cung đình và dân gian (đổ xăm hường và bài vụ); trình diễn thư pháp tặng chữ, đăc biệt là hội thi gói bánh chưng, bánh tét… có sức gợi về cái Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là hoạt động mới, mô phỏng trên việc nghiên cứu các hoạt động văn hóa cung đình ngày xưa.
“Đối với chương trình đón Giao thừa năm nay, chúng tôi sẽ phối hợp để Chiếu sáng Kỳ đài- Bắn súng Thần công kết hợp với bắn pháo hoa tầm cao thật đẹp. Chúng tôi sẽ cố gắng tốt nhất để du khách đến Huế trong dịp này sẽ được trải nghiệm nhiều nhất và được hưởng thụ nhiều các dịch tặng thêm, với mong muốn du khách sẽ đến Huế đông hơn, nhiều hơn và có ấn tượng tốt hơn”, ông Hải cho hay.
Từ mùng 1 đến mùng 3 Tết (5- 7/2), khu Di sản Huế sẽ mở cửa, không thu tiền vào tham quan. Đồng thời, từ mùng 1 đến mùng 3 Tết, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thường xuyên tổ chức các hoạt động phục vụ người dân và du khách như: lễ Đổi gác, trình tấu Tiểu nhạc, Đại nhạc, múa Lân sư rồng, trình diễn võ thuật cổ truyền. Đặc biệt, lúc 10h sáng mùng 1 Tết sẽ có các trò chơi cung đình, trình diễn thư pháp tại sân sau điện Thái Hòa.
Bên cạnh đó, theo Kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, ngoài các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian, thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Trong các hoạt động chào đón năm mới Tết Kỷ Hợi 2019 sẽ bắn pháo hoa tầm cao tại TP Huế 1.000 quả và tại TX Hương Trà 500 quả.
Tết ngày xưa bắt đầu từ thời điểm nào?
TS. Phan Thanh Hải cho biết, ngày xưa trong chốn cung đình và kể cả thường dân thì ngày Tết đểu có ý nghĩa rất quan trọng. Theo quan niệm của người phương Đông thì Tết có nghĩa là bắt đầu một sự khởi đầu mới sau một sự luân chuyển 365 ngày thì mọi cái lại trở về điểm xuất phát, lại trở về cái điểm mới. Do đó mùa Xuân có ý nghĩa là sự bắt đầu và người ta có thể làm mới lại mình cũng như tiếp thêm nguồn nặng lượng mới từ thiên nhiên để tạo nên sức sống mới, sự phát triển cũng như tạo cho mọi cái sự mà người ta tự muốn thay đổi. Do vậy ngày Tết rất được coi trọng, sự chuẩn bị ngày Tết bao giờ cũng rất công phu, từ gia đình nghèo đến gia đình giàu sang thì ngày Tết đối với họ đều có ý nghĩa rất quan trọng.
Chính vì vậy, trong chốn cung đình Huế ngày xưa hoạt động chuẩn bị cho Tết rất kỹ lưỡng, trong đó nổi bật là có hai phần. Một phần là để tưởng nhớ tiền nhân, bởi vì đối người người Việt Nam chúng ta thì truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đạo hiếu là rất quan trọng. Điều thứ hai là cho người đang sống, và cả hai hoạt động người ta đều chú trọng. Đối với hoạt động tâm linh tưởng nhớ người xưa thì hoạt động cúng tế, các lễ miếu hưởng… rất chu đáo. Chính trong ngày Nguyên đán- ngày đầu Xuân- mùng 1 Tết thì nhà vua tổ chức lễ ngay tại điện Thái Hòa để cho quần thần chúc thọ nhà vua và đó cũng là lễ để nhà vua ban lộc cho mọi người để chuẩn bị cho năm mới, sau đó người ta chia nhau ra đi thăm viếng nhau. Về sau này còn có thêm lễ Du Xuân để ngắm cuộc sống của người dân…
“Nói chung hoạt động Tết luôn luôn là hoạt động rất là sôi động và có chiều sâu về văn hóa, do đó đối với chúng tôi ngày nay thì hiện nay vẫn tính toán, nghiên cứu làm sao để phục hồi những nghi lễ có ý nghĩa quan trọng hàm chứa những giá trị văn hóa sâu sắc, chứa đựng những bản sắc văn hóa của dân tộc. Điều đó cũng giúp cho chúng ta trong cuộc sống hiện đại lấy được cuộc sống cân bằng, đồng thời vẫn ý thức được những giá trị di sản to lớn qua những giá trị văn hóa tinh thần.
TS. Phan Thanh Hải cho biết, trong quan niệm của ngày xưa thì ngày Tết thường bắt đầu bằng ngày 23 tháng Chạp và kết thúc vào ngày 27 tháng Giêng, tức là trước Tết 1 tuần và sau Tết 1 tuần, trong đó ngày 23 tháng Chạp là ngày Dựng nêu và ngày 7 tháng Giêng là ngày Hạ nêu, để bắt đầu công việc của năm mới. “Hiện nay chúng tôi cũng phục hồi lễ Dựng nêu vào đúng ngày 23 tháng Chạp và lễ Hạ nêu vào ngày 7 tháng Giêng…”, ông Hải cho hay.
Nguồn: Báo TT Huế