Qua quá trình kiểm tra, cơ bản các doanh nghiệp du lịch, điểm đến đã có những chuẩn bị kỹ lưỡng để sẵn sàng đón khách đến Huế trong hai dịp tết Dương lịch và Âm lịch.
Việc kiểm tra nhằm đảm bảo môi trường du lịch an toàn trong hai dịp tết Dương lịch và Âm lịch
Lên “kịch bản” đón khách
Ngày 30/12, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Du lịch, Công an tỉnh và TP. Huế đã có chuyến kiểm tra môi trường du lịch tại các cơ sở lưu trú, điểm đến trên địa bàn thành phố, nhằm chấn chỉnh những hình ảnh chưa tốt; nắm bắt các dịch vụ phục vụ khách ở các cơ sở lưu trú, các chương trình nổi bật hấp dẫn tại một số điểm đến, công ty lữ hành; nắm bắt tình hình đặt phòng lưu trú. Qua đó, có những dự báo về lượng khách đến Huế trong dịp Tết Dương lịch và Âm lịch sắp đến. Lên những phương án, chuẩn bị các dịch vụ tốt nhất để đón và phục vụ khách.
Tại các khách sạn mà đoàn đến, như Mường Thanh Huế, Duy Tân, Silk Path Huế, cơ bản các cơ sở đã chủ động các phương án để đón khách cho hai dịp tết. Theo các cơ sở, lượng khách đến lưu trú trong hai dịp tết đều tăng. Đặc biệt là dịp tết Âm lịch, lượng khách đặt phòng đang tăng khá, ghi nhận đến thời điểm này đã đạt 70-80% công suất.
Theo các khách sạn, nhiều khả năng trong dịp tết Âm lịch, công suất sẽ tăng lên khoảng 90%. Lượng khách quốc tế đang chiếm đa số vì đây đang là mùa cao điểm của dòng khách này. Về khách nội địa, dù là mùa thấp điểm, song cũng có dấu hiệu đặt phòng tăng lên trong ít ngày vừa qua.
Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Giám đốc Điều hành Khách sạn Mường Thanh thông tin, nhằm phục vụ khách tốt nhất trong hai dịp tết, từ đầu tháng 12/2022, khách sạn đã xây dựng các kế hoạch cụ thể, cũng như phương án đón và phục vụ khách; trong đó, công tác đảm bảo an toàn cho khách được ưu tiên hơn cả.
“Bên cạnh đó, khách sạn cũng chuẩn bị nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn để phục vụ khách, nhất là ẩm thực truyền thống của Huế gắn với ngày tết. Ngoài các dịch vụ thường ngày, khách sạn xây dựng thêm một số dịch vụ mới, như dạ tiệc đón giao thừa, trải nghiệm tết Huế tại khách sạn nhằm gây ấn tượng với khách, đặc biệt là khách quốc tế đến đúng vào dịp tết Âm lịch”, bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy chia sẻ.
Đoàn kiểm tra yêu cầu các cơ sở kinh doanh niêm yết giá công khai
Tại khu vực Bến xe Nguyễn Hoàng, khu vực Đại Nội, xung quanh chợ Đông Ba và một số cửa hàng kinh doanh quà lưu niệm tại Bến xe Nguyễn Hoàng, nhìn chung các điểm đến đều đã có những phương án đảm bảo an toàn, dự trữ nguồn hàng chất lượng để phục vụ khách trong thời gian đến.
Bà Hoàng Thị Như Thanh, Trưởng Ban Quản lý chợ Đông Ba cho hay, chợ đã lắp đặt xong 64 camera giám sát tại chợ để đảm bảo công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo an toàn cho khách khi đến tham quan. Ban quản lý cũng vận động tiểu thương bán đúng giá, chất lượng, có nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thay đổi để tạo ấn tượng với khách
Sở Du lịch nhận định, thời gian qua, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội ở các khu, điểm du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, thuận lợi cho hoạt động du lịch, xúc tiến đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn toàn tỉnh.
Tuy nhiên, qua quá trình thanh kiểm tra, vẫn xảy ra một số tình hình, vụ việc phức tạp ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trên lĩnh vực du lịch, như tình trạng đeo bám, chèo kéo du khách vẫn diễn ra, đặc biệt là vào các dịp lễ, mùa du lịch. Tại một số địa bàn du lịch, nhất là khu vực trung tâm TP. Huế, tình trạng bán hàng không đúng nơi quy định, bán hàng rong, hát rong, xin ăn vẫn diễn ra gây phản cảm, tạo hình ảnh xấu trong mắt du khách…
Du khách đến tham quan chợ Đông Ba
Trong đợt kiểm tra môi trường du lịch ngày 30/12, vẫn còn một số cơ sở chưa niêm yết giá, tình trạng mua bán hàng rong, xích lô đậu đỗ không đúng quy định vẫn diễn ra. Vệ sinh môi trường tại một số điểm du lịch chưa bảo đảm. Một số cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ, lưu trú vẫn chưa bảo đảm các điều kiện tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường…
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, ngành du lịch sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan chấn chỉnh kịp thời những hình ảnh chưa tốt trong du lịch được ghi nhận. Quan trọng là tăng cường tuyên truyền để chuyển biến từ nhận thức đến hành động của người dân, các doanh nghiệp. Mục tiêu là hướng đến môi trường du lịch an toàn, xây dựng điểm đến thân thiện và mến khách.
Bà Hoàng Thị Như Thanh cho biết, thời gian qua, bên cạnh chỉnh trang lại hạ tầng của chợ Đông Ba, ý thức kinh doanh của tiểu thương thay đổi rất nhiều. Chợ đang hướng đến tính văn minh theo phương châm “ba không, hai có”. Đó là không nói thách, không “mì xưa”, không chèo kéo và có uy tín, có chất lượng. Trong ngày thứ 7 và trong các ngày quan trọng như tết, tiểu thương sẽ mặc áo dài để tạo hình ảnh đẹp đối với du khách khi đến tham quan và mua sắm. Xứng đáng là 1 trong 3 ngôi chợ đặc trưng nhất của cả nước, cùng chợ Đồng Xuân và Bến Thành.
Ngày 29/12, Bộ VHTTDL có Công văn gửi các đơn vị trực thuộc và Sở quản lý du lịch các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Yêu cầu các điểm đến, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, tăng giá, ép giá; tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và phương tiện phục vụ khách du lịch. |
Clip đoàn kiểm tra tại khu vực Bến xe Nguyễn Hoàng và Đại Nội
Bài, ảnh, clip: ĐỨC QUANG
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”