Dịch COVID-19 gây ảnh hưởng trên dưới 45.000 lao động trực tiếp và gián tiếp trong ngành du lịch ở Huế. Những chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và sự cố gắng của các doanh nghiệp (DN), hy vọng giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Với những hỗ trợ mang tính kịp thời, hy vọng các doanh nghiệp du lịch và người lao động sớm vượt qua khó khăn
Hàng vạn lao động bị ảnh hưởng
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện trong cả nước có đến 98% lao động trong lĩnh vực du lịch phải nghỉ việc. Riêng tại Huế, Hiệp hội Du lịch tỉnh thông tin, đang có khoảng 90% lao động mất việc làm và nghỉ việc không lương. Thống kê mới nhất, Huế có khoảng 13.000 lao động trực tiếp và thêm khoảng 2 lần con số này là lao động gián tiếp. Đó là những người buôn bán, vận chuyển, cung cấp thực phẩm, nông sản…
Khó khăn là tình cảnh chung của người lao động trong ngành du lịch hiện tại. Điều đáng ghi nhận, cho đến tháng 4/2020, nhiều DN vẫn đang cố gắng “bù lỗ” để duy trì chi trả một phần thu nhập nhất định cho người lao động, với mục tiêu đảm bảo đời sống cho nhân viên và giữ chân lao động khi dịch bệnh kết thúc.
Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel – Chi nhánh Huế khẳng định, tổng công ty đang vận dụng tối đa nguồn lực để lo đời sống nhân viên tốt nhất có thể. Căn cứ vào quỹ tích lũy từ trước đó, công ty vẫn duy trì trả lương, song không thể bằng với trước vì không có doanh thu. Trước đó, công ty cũng mua bảo hiểm y tế, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ và bảo hiểm mùa dịch cũng trang bị cho người lao động. Một yếu tố quan trọng nữa là Vietravel cam kết sử dụng lại lao động khi dịch kết thúc.
Hoạt động bốc xếp hàng hóa lên xuống tàu được thực hiện khẩn trương tại Cảng Chân Mây
Lĩnh vực lưu trú, chiếm đến 90% lao động trực tiếp trong ngành, ghi nhận nhiều nỗ lực của DN. Đại diện Khách sạn Mondial cho biết, hiện nay khách sạn đang còn giữ mức lương trong tháng 4/2020 bằng 60% so với trước đó. Không riêng ở Mondial, qua ghi nhận tại các khách sạn, resort lớn, tính đến tháng 4/2020, vẫn đang duy trì mức lương phù hợp cho người lao động. Dù thế, theo các cơ sở lưu trú, nếu dịch còn kéo dài, rất khó để các DN duy trì.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc Khách sạn Mondial lo lắng, sang tháng 5/2020 và các tháng sau nữa, vẫn chưa có chính sách cụ thể nào cho người lao động, phải đến cuối tháng 4/2020, cân đối tài chính mới có thể đưa ra quyết định. Trong ít ngày tới, 25 – 30% lao động của khách sạn buộc phải nghỉ không lương. “Chưa bao giờ ngành du lịch lại đối mặt với khó khăn và thách thức như hiện tại”, ông Bình bày tỏ.
Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh chia sẻ, Hiệp hội đang vận động các thành viên cần có các chính sách, hỗ trợ cho lao động trong khả năng có thể. Ở khía cạnh khác, trong giai đoạn này, người lao động cũng nên chia sẻ cho DN.
Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động
Theo các chuyên gia, du lịch là ngành kinh tế chịu ảnh hưởng sớm nhất, nặng nề nhất và việc phục hồi sẽ chậm do dịch bệnh. Bởi khi xảy ra dịch bệnh, lượng khách sụt giảm tức thì. Sau khi hết dịch phải có khoảng thời gian để quảng bá tour tuyến, kết nối thị trường, vận chuyển… mới mong được phục hồi.
Như đã phân tích ở trên, du lịch sẽ có thời gian phục hồi chậm và cần thời gian nhiều hơn để lao động có thể quay trở lại làm việc, như với các ngành nghề khác. Do đó, khoảng nghỉ của lao động sẽ kéo dài và an sinh cho lao động trong ngành du lịch đang được đặt ra.
Theo Nghị định vừa mới được Chính phủ ban hành, không chỉ có lao động chấm dứt hợp đồng sẽ nhận được hỗ trợ, các lao động tạm thời nghỉ việc không lương cũng nhận được hỗ trợ.
Ông Đinh Mạnh Thắng phân tích, đây là chính sách kịp thời và quá cần thiết. Đại đa số DN và người lao động chọn phương án nghỉ không lương, tránh trường hợp xáo trộn về nguồn lao động sau này. Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng để nhận trợ cấp thất nghiệp, người lao động sẽ có thu nhập ổn định hơn trong một số tháng tới bằng 60% lương. Nhưng khi quay trở lại công việc, phải bắt đầu lại và sẽ rất khó cho lao động, nhất là những người đã khá lớn tuổi.
Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch thông tin, nhằm hỗ trợ các DN kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngày 8/4, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Các DN kinh doanh du lịch thuộc đối tượng được gia hạn, gồm: dịch vụ lưu trú và ăn uống, đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch.
Theo ông Sanh, quan trọng hơn trong việc đảm bảo an sinh cho người lao động là DN sớm phục hồi mới giúp người lao động sớm quay trở lại làm việc. Việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, hy vọng sẽ giúp các DN có thêm sức “đề kháng” vượt qua đại dịch.
Bài, ảnh: Đức Quang
Theo: báo TT huế