TTH – Festival Huế 2022 là kỳ lễ hội mà yếu tố cộng đồng, sự chung tay của mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là tác nhân chính giúp những hoạt động, chương trình thành công
Công chúng và du khách đến với lễ hội đường phố
Tổng lực cho một kỳ festival mở
“Tiếc quá, không đủ thực phẩm cung ứng để bán cho du khách dù nhu cầu là rất lớn”. Đó là lời chia sẻ của chị Hồ Thị Nhung, đại diện gian hàng ẩm thực xã A Ngo, huyện A Lưới khi tham gia lễ hội 100 món ăn đường phố đang được tổ chức tại đường đi bộ phía sau Học viện Âm nhạc Huế.
Chị Hồ Thị Nhung chia sẻ, thật vinh dự cho địa phương khi lần đầu tiên về tham gia festival, với vai trò không phải người đi tham quan thuần túy mà là đơn vị tổ chức, trực tiếp phục vụ du khách. Để đảm bảo tính tươi ngon, tạo ấn tượng với khách nên nguyên liệu mang về tận nơi để chế biến, đó cũng là lý do mà gian hàng không thể phục vụ được nhiều khách hơn. Dù thế, đây là cơ hội không thể tốt hơn để xã A Ngo nói riêng và huyện A Lưới nói chung quảng bá ẩm thực đa dạng, độc đáo của mình; qua đó, tiếp cận với nhiều du khách, thu hút khách đến A Lưới du lịch trong thời gian đến.
Cũng tại không gian ẩm thực này, lần đầu tiên mà các “thương hiệu”, như bánh canh nam phổ mệ Dư, bánh khoái cá kình làng Chuồn; các món ẩm thực dân dã, đậm chất làng quê ở các huyện, thị xã; hay ẩm thực các vùng Truồi, phá Tam Giang, cầu ngói Thanh Toàn… cũng góp mặt với vai trò chủ thể tổ chức để phục vụ thực khách gần xa.
Không chỉ có những cá nhân, tổ chức liên quan đến lĩnh vực ẩm thực, Festival Huế năm nay, mọi thành phần, mọi người dân, ai cũng trở thành vai trò chủ thể. Ngày hội áo dài trong khuôn khổ tuần lễ, là lần đầu mà nữ sinh Trường THPT Hai Bà Trưng, hay những em hoc sinh Trường tiểu học Quang Trung trong những trang phục áo dài xúng xính đi trẩy hội. Một học sinh, một cá thể nhỏ cũng đã góp nhặt tạo thành những sự kiện lớn, quảng bá điểm đến, góp phần thành công cho Festival Huế 2022.
Trên các tuyến phố vào buổi chiều, những nhóm nhạc, nhóm nhảy “made in Huế”, trước đây ít có cơ hội tham gia biểu diễn, phục vụ công chúng và du khách, nay cũng trở thành nguồn lực chính tạo thành công cho lễ hội. Cũng tại lễ hội đường phố, lần đầu tiên quảng diễn nghệ thuật các loại hình lễ hội và trò diễn dân gian với sự tham gia của các địa phương trong tỉnh, như hát múa sắc bùa, múa “Thiên hạ thái bình” ở Phong Điền được giới thiệu đến công chúng… Từ những diễn viên không chuyên, các nghệ sĩ ở các làng quê trong tỉnh nay bước ra sân khấu lớn, mang tên “Festival Huế”.
Với những đơn vị đào tạo nhân lực du lịch như Trường cao đẳng Du lịch Huế, Festival Huế như là đợt “tổng duyệt” năng lực của sịnh viên trước khi chính thức ra trường, sống với nghề dịch vụ. Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng nhà trường phân tích, một kỳ festival với yêu cầu cao về dịch vụ, công suất phục vụ cao… đó là những bài thực hành không còn gì bằng để các sinh viên nắm bắt kỹ nghiệp vụ. Phía giáo viên nhà trường cũng có những đánh giá, nhìn nhận mới về ngành dịch vụ du lịch hiện nay để có những điều chỉnh trong giảng dạy.
Gian hàng ẩm thực xã A Ngo luôn kín khách tại Lễ hội “100 món ẩm thực đường phố”
Làm chủ lễ hội
Theo đánh giá của Ban tổ chức tuần lễ Festival Huế 2022, festival năm nay là kỳ lễ hội mở, tính cộng đồng cao nhất từ trước đến nay, yếu tố xã hội hóa được triển khai từng chương trình, hoạt động đã tạo ra môt Festival Huế của toàn thể công chúng. Không còn chủ thể và khách thể, ai đến với festival cũng là chủ thể, là những người tạo ra thành công cho lễ hội.
Lịch chương trình, lễ hội trong ngày 29/6:
– Chương trình Hoàng Cung giao hòa, 20h00 tại Đại Nội (hoạt động mở cửa miễn phí Đại Nội vào ban đêm từ 18h30 – 21h00); – Chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế: Ban nhạc Kid Francescoli – Pháp (19h30 tại bia Quốc Học); Ban nhạc España te quiero – Tây Ban Nha (19h30 tại Công viên 3/2); Đoàn ca múa nhạc dân gian Belogorie – Nga (19h30 tại Quốc Tử giám); Liên đoàn Xiếc Việt Nam (19h30 tại đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu); Da LAB Band (20h45 tại bia Quốc học); Chillies Band (20h45 tại Công viên 3/2); Đoàn ca múa nhạc Dân tộc Đắk Lắk (20h45 tại Quốc Tử giám). |
Ông Đinh Mạnh Thắng, Trưởng ban tổ chức Lễ hội “100 món ẩm thực đường phố” cho biết, lễ hội ẩm thực đường phố 2022 là cơ hội tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa ẩm thực đặc sắc của Thừa Thiên Huế, đặc biệt là những món ẩm thực dân gian nổi tiếng của bà con ở các phường, xã, huyện, thị được hội tụ về để phục vụ du khách, phục vụ công chúng. Cũng là một dịp góp phần quảng bá, xúc tiến trong giai đoạn du lịch tỉnh nhà đang nhanh chóng phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt trên thực tế, ẩm thực về đêm, ẩm thực đường phố của một trung tâm du lịch lớn như Thừa Thiên Huế thì đang rất thiếu, trong khi du khách lại rất cần để khám phá và thưởng thức vào mỗi dịp đến Huế.
Một điều mà Ban tổ chức Lễ hội “100 món ẩm thực đường phố” quyết tâm đặt ra là sau lễ hội lần này, sẽ đúc rút kinh nghiệm từ khâu tổ chức, điều hành, nội dung các món ăn, bày trí gian hàng, các chương trình âm nhạc đường phố, các chương trình cộng đồng, khảo sát, đánh giá thị hiếu du khách,… Sau đó, Hiệp hội Du lịch tỉnh cùng với Sở Du lịch, UBND TP. Huế, các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án khu ẩm thực đường phố về đêm tại địa điểm trung tâm đường đi bộ này, tạo thành sản phẩm mới cho du lịch Cố đô trong thời gian đến.
Ông Huỳnh Tiến Đạt, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Festival Huế 2022 kỳ vọng, Festival Huế đã bước qua một giai đoạn mới, kéo dài suốt bốn mùa trong năm, với hoạt động chính là các lễ hội dân gian, gắn với một số chương trình điểm nhấn. Lực lượng chủ đạo triển khai là quần chúng nhân dân và đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật đang có trong tỉnh. Thay vì đầu tư vào các chương trình nghệ thuật mang tính hoành tráng, chi phí lớn, chỉ dùng một lần, nay chuyển sang khuyến khích sự sáng tạo, thử nghiệm đổi mới trong khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử Huế; khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới cách thức chuyển tải các giá trị văn hóa cốt lõi theo hướng phù hợp hơn với giới trẻ và yêu cầu hội nhập.
Thu nhập của người dân, doanh nghiệp sẽ tốt hơn nhờ thành phố luôn có những hoạt động văn hóa, lễ hội, tạo cảm hứng thu hút khách. Những người làm nghệ thuật, giới trẻ sẽ có nhiều cơ hội hơn để sống bằng nghề và phát triển năng lực bản thân thông qua tìm tòi, thể hiện những thử nghiệm nghệ thuật mới của mình… Đó là điều mà Festival Huế đang làm được.
Lần đầu tiên, nghệ thuật tuồng được quảng diễn trên đường phố
Trong khuôn khổ tuần lễ Festival Huế 2022, sáng 28/6, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức chương trình quảng diễn tuồng “Ngàn xưa âm vọng”. Sau lễ giỗ tổ sân khấu tại di tích Thanh Bình từ đường (281 Chi Lăng, TP. Huế) để tri ân những người có công trạng đối với nghệ thuật sân khấu tuồng Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức hội rước mặt nạ tuồng từ Thanh Bình từ đường đến Nghinh Lương đình. Tại Nghinh Lương đình, các diễn viên, nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế trình diễn các trích đoạn tuồng: “Ác thiện ẩn hình”, “Mộc Quế Anh dâng cây Giáng hương long”, trống hội Tuồng đồ và bài bản múa bông. Đây là lần đầu tiên, nghệ thuật tuồng được giới thiệu đến đông đảo công chúng qua hình thức quảng diễn. Theo ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ngoài việc tạo không khí trang nghiêm tri ân, ngưỡng vọng tổ nghề sân khấu, chương trình tạo ra một lễ hội đường phố vui tươi, thu hút người dân và du khách, đồng thời giới thiệu tôn vinh di sản tuồng cổ. Minh Hiền |
Bài, ảnh: Đức Quang
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”