Tính từ hôm nay (10/3), thì chỉ còn 5 ngày nữa sẽ là thời điểm các doanh nghiệp và những người làm trong ngành du lịch mong đợi – mở cửa du lịch hoàn toàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình kiểm tra điểm du lịch cộng đồng tại xã Thủy Thanh, TX. Hương Thủy. Ảnh: Văn Bốn
Với Huế, ngành du lịch chiếm từ 40%-50% trong “miếng bánh” dịch vụ. Vì sức lan tỏa của ngành du lịch đối với nền kinh tế nên những người dân không trực tiếp làm trong ngành này cũng mong đợi – chị bán bún bò Huế, bán cơm hến, bán các loại bánh đặc sản; anh chị xe thồ, xích lô; người may quần áo. Ngay cả ngành cung ứng vật liệu xây dựng cũng mong đợi vì sẽ có thêm cơ hội để cung cấp các loại vật liệu xây dựng cho nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú. Ngân sách nhà nước thêm được nguồn thu… Nói tóm lại có thể là toàn nền kinh tế mong đợi.
Chưa mở cửa du lịch hoàn toàn nhưng khoảng một tháng qua, nhìn không khí và bộ mặt TP. Huế tràn đầy sinh khí. Các công viên ven hai bờ sông Hương, các phố đi bộ, các tuyến đường mua sắm… chúng ta nhìn thấy khách nội địa đến Huế ngày càng đông.
Ngày 15/3 sẽ mở cửa du lịch hoàn toàn cũng đồng nghĩa với việc chúng ta có thể đón một dòng khách quốc tế nữa. Khách quốc tế thường là một dòng khách có mức chi tiêu cao. Hơn hai năm hạn chế các đường bay làm cho họ bó buộc bước chân, giờ là lúc có thể như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày sẽ bật bung. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin điều này. Nước ta đón một lượng khách quốc tế nhiều từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… đều là những nước có thu nhập cao. Khi dịch bệnh bùng phát, họ cũng được chính phủ trợ cấp nhiều nên ít ảnh hưởng đến thu nhập. Công dân những nước nói trên có nhu cầu du lịch hàng năm rất cao mà Huế là một trong số ít địa điểm ở Việt Nam có tên trên bản đồ du lịch thế giới. Những điều nói trên cho phép chúng ta hy vọng Huế sẽ đón một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế trong năm nay.
Thực ra không đợi đến bây giờ ngành du lịch của Huế mới chuẩn bị đón khách trở lại mà đã có sự chuẩn bị từ vài tháng trước theo từng bước đi về việc mở cửa của Chính phủ. Các khách sạn và cơ sở lưu trú khẩn trương dọn dẹp, tân trang lại nhà cửa, buồng phòng. Các cơ sở dịch vụ ăn uống còn chuẩn bị từ khi Huế phủ rộng vắc-xin, kiểm soát được dịch và mở cửa dần cho các hoạt động kinh tế. Có thể nói, ngành du lịch đã chuẩn bị hết sức khẩn trương và chu đáo để đón khách.
Điểm đến du lịch của Việt Nam không chỉ có Huế. Chính vì vậy giờ là lúc chúng ta tăng cường công tác quảng bá hình ảnh Huế. Huế đã có nhiều sản phẩm mới – có không gian nghệ thuật hai bên bờ sông Hương, có thêm nhiều phố đi bộ và phố đêm mà mới nhất là phố đêm Hoàng Thành, có nhiều nhà trưng bày nghệ thuật. Chúng ta đang xây dựng và phấn đấu đưa Huế trở thành kinh đô áo dài và kinh đô ẩm thực. Không gian Huế về đêm bây giờ cũng hết sức lung linh. Nói một cách thô mộc là chúng ta đã có nhiều thứ để “khoe” với thiên hạ, ngoài hệ thống đền đài, lăng tẩm, các di tích lịch sử, hệ thống nhà vườn, chùa chiền… Vấn đề là tìm cách quảng bá như thế nào cho hiệu quả. Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng chung tay quảng bá hình ảnh Huế ra cả nước và thế giới.
Hiện nay, công cuộc chuyển đổi nền kinh tế số đang được xây dựng và có những biến chuyển nhanh và tích cực. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho công tác quảng bá. Quảng bá cho người Việt, tức là khách nội địa thì cần tiếng Việt nhưng đối với khách quốc tế thì mỗi tiếng Việt không chưa đủ mà phải bằng nhiều thứ tiếng. Chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển cũng cần lưu ý đến vấn đề này.
Chỉ còn 5 ngày nữa là mở cửa du lịch hoàn toàn, tất nhiên trong điều kiện bình thường mới. So với chiều dài năm tháng, 5 ngày chỉ như một tích tắc nhưng là khoảng thời gian đầy mong ngóng.
Nguyên Lê
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”