Trong khi khách quốc tế đến Huế tăng mạnh thì khách nội địa đang có dấu hiệu chững lại.
Nhu cầu của khách nội địa đang chuyển dịch từ tham quan sang trải nghiệm
Bão hòa
Năm 2016, khách nội địa đến Huế đạt 2,2 triệu lượt; năm 2017, là 2,3 triệu lượt. Ở một chỉ số khác, khách nội địa có lưu trú trong năm 2016 là 1 triệu lượt và năm 2017 cũng chỉ đạt con số 1 triệu lượt.
Theo ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch, khách nội địa đến Huế đang ở trạng thái bão hòa ở ngưỡng cao và có dấu hiệu chững lại khoảng 2-3 năm trở lại. Huế là điểm đến phát triển đã từ lâu, nhiều thị trường khách nội địa chủ lực như ở hai đầu đất nước và một số tỉnh miền Trung từng đến Huế. Thời gian dài, số khách đến Huế chạm ngưỡng về dân số có nhu cầu đi du lịch. Khi nguồn khách dần “cạn” thì khách đến Huế ít hơn là điều dễ hiểu.
Xu hướng của khách nội địa muốn được đi nhiều nơi, với sự ra đời và phát triển của nhiều điểm đến trong khu vực, dự báo lượng khách nội địa đến Huế sẽ còn tiếp tục chững lại trong thời gian đến nếu không kịp thời có giải pháp. Trước tiên, Huế cần làm gì để khách từng đến Huế quay lại lần 2, 3 và có thể nhiều hơn. Ông Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch cho biết, trước đây, khách đến Huế chủ yếu tham quan di sản, nghe ca Huế trên sông Hương, mua quà lưu niệm… Khách nội địa ít quay lại Huế là nhu cầu của khách đang có sự chuyển dịch từ tham quan sang trải nghiệm. Gần đây, một số điểm du lịch gắn với trải nghiệm ở Thanh Tân, A Lưới, Phú Lộc… đã bắt đầu đón khách, nhưng số lượng vẫn chưa được nhiều.
Du lịch Huế cần tiếp tục thay đổi, có các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách
Ở khía cạnh các sản phẩm du lịch liên quan đến với văn hóa, di sản, theo số liệu từ Sở Du lịch, trong tổng lượng khách đến Huế có trên 90% sẽ đi tham quan hệ thống di sản. Phải nhìn nhận rằng, ngay “bản thân” các sản phẩm gắn với văn hóa, di sản chưa có nhiều trải nghiệm. Một khía cạnh khác là ở Huế dù hình thành được một số sản phẩm bổ trợ nhưng chưa nhiều và chưa có sức hút, trong đó, có du lịch biển. Theo ông Trương Thành Minh, khách nội địa thích tắm biển, Thuận An sẽ là điểm bổ trợ cho Huế nên cần sớm đẩy mạnh triển khai, thi công tuyến đường về Thuận An. Khi tuyến đường mở ra sẽ có cơ sở lưu trú mọc lên, thêm dịch vụ mới. Xét ở góc độ từ hoạt động kinh doanh, mỗi doanh nghiệp cần phải phát triển những mô hình đặc trưng khác nhau, khách sạn có “gu” khác biệt…chứ hiện nay các sản phẩm, dịch vụ còn khá tương đồng nhau.
Cần có cơ chế
Ngoài việc thu hút khách quay lại Huế, ngành du lịch cần chủ động hơn trong việc thu hút thêm các dòng khách tiềm năng, chưa đến Huế nhiều, như ở các khu vực Tây Bắc, một số tỉnh ở Đông Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Tây Nam bộ. Ông Lê Hữu Minh cho biết, trong năm 2017, ngành đã tổ chức đoàn famtrip nhằm kích cầu khách nội địa ở hai tỉnh An Giang và Tiền Giang. Đi rồi mới biết, ở các tỉnh này khách vẫn chưa biết nhiều về Huế. Ngành du lịch đang tích cực phối hợp để có sự hợp tác giữa Huế và các địa phương, có thể gửi tour tuyến, giúp nhau quảng bá hình ảnh từ đó thu hút khách đến với Huế và ngược lại.
Cuối năm 2017 Câu lạc bộ (CLB) Lữ hành UNESCO đến Huế khảo sát và đã tung ra sản phẩm để bán. Phía CLB cam kết sẽ đưa khách về Huế với khoảng vài chục nghìn khách/năm. Thông tin mới nhất từ Sở Du lịch, các doanh nghiệp này đang khá “oải”. Lý do, trong kinh doanh phải có lợi ích qua lại, khi CLB đưa một lượng khách lớn đến Huế, ở lại qua đêm với Huế cần có cơ chế giảm giá một điểm tham quan. Nhưng CLB nhận cái “lắc đầu” không thể miễn phí cho một điểm tham quan. Sự hợp tác đang được các bên níu kéo thực hiện, nhưng rõ ràng không còn “mặn mà” nữa.
Đánh giá của lãnh đạo Sở Du lịch, trong năm 2017 Huế có một số sản phẩm ở Khu du lịch Alba Thanh Tân, một số sản phẩm, dịch vụ về đêm; Kỳ Đài được chiếu sáng, kết hợp với bắn súng thần công… đó là những sản phẩm bước đầu để “đánh” vào thị hiếu của khách nội địa. |
Cái lợi dễ dàng nhận thấy, giảm chi phí tham quan một điểm với 100 nghìn đồng/khách, đúng là di tích sẽ mất nguồn thu, nhưng nếu chấp nhận bớt thu nguồn này, Huế sẽ thu lại ít nhất gấp 5 lần con số đó. Nếu giảm, phía đối tác thiết kế khách ở lại Huế thêm một đêm, mà khi đã thêm một đêm sẽ lưu trú ở khách sạn, một bữa ăn tối, có thể thêm bữa ăn trưa cho hôm sau, thêm các dịch vụ vui chơi vào ban đêm và thêm thời gian để mua sắm. Đây là “thương vụ” trao đổi có lợi cho Huế, quả là rất tiếc nếu để tuột khỏi tay.
Phân tích như thế để thấy, Huế cần tạo ra những cơ chế đặc thù riêng mới có thể thúc đẩy phát triển khách nội địa Huế và kéo họ trở lại lần sau, chứ không thể cứ mỗi lần có việc phải trình HĐND tỉnh để xin ý kiến thì đã chậm chân.
Ông Trương Thành Minh cho hay, mùa cao điểm khách nội địa từ tháng 4-9, thấp điểm vào tháng 10 sang tháng 3 sang năm. Để thu hút khách vào mùa thấp điểm, Huế có thể tiến hành giảm giá 30% chẳng hạn cho tất cả công dân Việt Nam, làm được như thế, tin chắc khách sẽ đến Huế nhiều hơn trong những tháng này. Điều cần nhìn nhận ở đây là, nguồn thu từ bán vé sẽ giảm xuống, nhưng sẽ vào các khách sạn, nhà hàng, từng người dân chứ không hề mất đi.
Huế đang bộc lộ nhiều hạn chế trong cạnh tranh về khách nội địa. Để khắc phục, Huế cần thay đổi dịch vụ theo nhu cầu của khách, chủ động các giải pháp để đưa khách về Huế. Quan trọng hơn là một chiến lược phát triển dài hơi, bằng cơ chế “mềm” cần được xác định và tính tới chứ không thể “ăn xổi”, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà quên những cái mất đằng sau.
Bài, ảnh: Đức Quang
Nguồn: báo TT huế