TTH – Với các công trình kiến trúc uy nghiêm cổ kính, ngoại cảnh thanh thoát nên thơ, lại bảo lưu được một số văn vật lâu đời quý báu của Phật giáo, chùa Thiên Mụ là một danh lam thắng cảnh tuyệt vời xứng đáng được đứng vào hàng các di tích tôn giáo và kiến trúc nghệ thuật của Việt Nam và thế giới.
Chùa Thiên Mụ là địa danh nổi tiếng, biểu tượng của Huế
Dấu ấn của chúa Nguyễn Phúc Chu
Năm 1601, chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho xây dựng (thực ra là trùng kiến) chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, cạnh dòng Hương Giang. Ngôi chùa được các chúa Nguyễn rồi các vua Nguyễn xem là quốc tự, chăm lo tu bổ, mở mang, tôn tạo, bảo quản và xây dựng thêm nhiều công trình kiến trúc, làm cho diện mạo ngôi chùa ngày càng độc đáo. Hơn 420 năm trải qua bao thăng trầm, chùa Thiên Mụ vẫn luôn là ngôi đại danh lam, một trong những biểu tượng tiêu biểu nhất của vùng đất Cố đô.
PGS. TS. Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam cho rằng, từ khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho xây chùa từ năm 1601 đến khi hoàng đế Bảo Đại thoái vị năm 1945, lịch sử vương triều Nguyễn gắn bó với chùa Thiên Mụ 344 năm. Từ quan niệm kiến trúc đến tư tưởng triết lý ẩn đằng sau công trình chùa Thiên Mụ, từ bố cục kết cấu tổng thể, đến chi tiết các trụ biểu, tháp cổng, lầu chuông trống, kiến trúc điện thờ, các nét chạm trổ, hoa văn, các tượng thờ, cây cảnh… tất cả đều in bóng của các kiến trúc sư lỗi lạc của triều đình và con mắt bác học của các vị hoàng đế vương triều chỉ đạo.
Đặc biệt, chúa Nguyễn Phúc Chu đã in dấu ấn sâu đậm vào tổng thể kiến trúc cũng như không gian của chùa. Năm 1710, chúa cho đúc đại hồng chung lớn nhất xứ Đàng Trong với cách trang trí rất đẹp, sắc sảo, nội dung thể hiện sự tổng hợp tinh tế của tư tưởng tam giáo. Chuông này được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013. Năm 1714 lại cho đại trùng tu chùa và biến nó thành ngôi chùa có quy mô to lớn, tráng lệ chưa từng có.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng cho dựng chùa. Năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần trùng tu chùa nhưng quy mô thế nào thì sử liệu không nói rõ. Chỉ có sau lần đại trùng tu năm 1714 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu thì quy mô, diện mạo kiến trúc của chùa mới được mô tả khá đầy đủ.
Lúc này, chùa có đến hàng chục công trình: Điện Thiên Vương, điện Ngọc Hoàng, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh. Hai bên là lầu chuông, lầu trống, điện Thập Vương, nhà Vân Thủy, nhà Tri Vị, rồi phòng tăng, nhà thiền… Phía sau lại có vườn Tỳ gia, trong đó có nhà phương trượng đến mấy chục sở. Hòa thượng Thích Hải Ấn, Trưởng ban điều hành Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán nhấn mạnh, qua những công trình, hiện vật, đặc biệt là tấm lòng mộ đạo, chúa Nguyễn Phúc Chu đã có những đóng góp lớn. Đến nay, chùa Thiên Mụ được trùng tu qua nhiều lần nhưng đáng kể nhất là lần đại trùng tu diễn ra dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Diện mạo của chùa từ lần đại trùng tu ấy đến nay vẫn còn để lại nhiều dấu tích, không chỉ trên quần thể kiến trúc của chùa mà còn ở trong nhiều văn bản, tài liệu, văn chương…
Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển
Từ năm 2003 đến 2006, chùa Thiên Mụ được đại trùng tu với 18 hạng mục công trình khác nhau. Đây được xem là đợt trùng tu lớn và toàn diện tại ngôi chùa này sau hàng trăm năm, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng và nhà chùa tiến hành với tổng kinh phí hơn 26 tỷ đồng. Trong đó, tháp Phước Duyên bị hư hại nghiêm trọng và bị nghiêng 7 độ, đã được đơn vị chuyên môn nghiên cứu kỹ lưỡng để trùng tu bảo tồn những yếu tố gốc, xử lý được độ nghiêng của tháp và áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới để gia tăng khả năng chịu lực, chịu gió bão cho công trình.
Theo TS. Phan Thanh Hải, chùa Thiên Mụ không chỉ hấp dẫn du khách bốn phương bằng cảnh trí tuyệt đẹp và những giá trị lịch sử hiếm có mà còn bởi những cổ vật quý giá. Chiếc khánh đồng đúc năm 1677 là một bảo vật tuyệt đẹp với giá trị nghệ thuật cao; tấm hoành phi do chính tay chúa Nguyễn Phúc Chu đề tặng từ năm 1714 sau khi trùng tu chùa cũng là một cổ vật bằng gỗ hiếm có; Đại Hồng Chung được đúc từ năm 1710 được công nhận là bảo vật quốc gia… Những cổ vật này góp phần quan trọng làm tăng thêm các giá trị văn hóa, lịch sử to lớn của chùa Thiên Mụ.
Hàng năm, lượng khách đến tham quan chùa rất đông. Điều này cũng đặt ra vấn đề cần phải bảo vệ, giữ gìn cổ vật cẩn thận cho đời nay và mai sau. Vấn đề bảo vệ môi trường cảnh quan của ngôi chùa cũng hết sức quan trọng, bởi đây là một nhân tố làm nên vẻ đẹp và giá trị của cổ tự này. Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng thường xuyên khảo sát, bảo vệ và chỉnh trang cảnh quan ở khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích chùa Thiên Mụ nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị di sản văn hóa cũng như giá trị cảnh quan của danh thắng này.
Lượng khách thăm viếng đông cũng đặt ra yêu cầu giải quyết tốt các vấn đề giữa bảo tồn và phát triển du lịch. Điều này không hề dễ dàng, đòi hỏi sự cộng tác và nỗ lực của cả chính quyền, doanh nghiệp khai thác du lịch, người dân và nhà chùa. TS. Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đề xuất, để tổng thể chùa Thiên Mụ đẹp và trang nghiêm hơn, cần có quy hoạch tổng thể để bảo tồn danh lam thắng cảnh đặc biệt này. Chẳng hạn, cần có điều chỉnh và quy hoạch lại bến thuyền, bãi đỗ xe để đảm bảo an toàn cho du khách và đảm bảo môi trường du lịch trong sạch, bền vững. Mặt trước chùa được kết nối từ bến thuyền lên chùa, không nên có phương tiện cơ giới chạy ngang trước chùa, ít nhiều ảnh hưởng đến chốn linh thiêng và vị trí này địa thế giao thông cũng không thuận lợi, an toàn…
Bài, ảnh: Minh HIỀN