TTH – Người tiếp tục rèn luyện các tiết mục, người dành thời gian rèn luyện sức khoẻ, đọc sách, một số khác lại bán hàng online, xoay sở làm việc để vừa tạo thu nhập, vừa có thêm niềm vui… Đó là thực trạng của rất nhiều nghệ sĩ chuyên lẫn không chuyên trong những ngày chờ các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trở lại do ảnh hưởng của COVID-19.
Thêm một đợt dịch COVID-19 bùng phát trở lại khiến các nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh đùa rằng, họ rơi vào cảnh “thất nghiệp”. Các kế hoạch biểu diễn, tham gia các sự kiện lễ hội đã lên lịch từ trước đó nhiều tháng vì thế phải dừng và chưa có ngày trở lại chính thức.
Xoay xở theo tình hình
Màn đêm buông xuống, sông Hương vắng lặng, điệu “Nam ai, Nam bình” của những nghệ nhân ca Huế không còn vang lên phục vụ du khách như thời điểm chưa có dịch bệnh. Các chiếc thuyền rồng xếp thành hàng dài. “Mọi hoạt động ngưng trệ. Mấy anh chị phục vụ ca Huế vất vả lắm. Nhiều người phải xoay đủ nghề để kiếm sống” – một chủ thuyền thở dài.
Thay vì áo dài, khăn đóng, phấn son nhã nhặn để biểu diễn, nhiều nghệ sĩ phục vụ ca Huế ở thuyền rồng trên sông Hương giờ phải ở nhà luyện tập, như là cách tạo niềm vui trong những ngày “thất nghiệp”. Có người nhập một số mặt hàng để bán online, một số người tranh thủ dành thời gian cho bản thân trong những ngày hạn chế tụ tập đông người, các sự kiện, lễ hội phải tạm hoãn. “Mọi năm thời điểm này, du khách về Huế rất đông, phục vụ liên tục nhưng đợt này thì trái ngược hoàn toàn. Không có khách, các hoạt động tạm hoãn, vì thế ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập cũng như niềm đam mê biểu diễn”, chị Bích Thuần, nghệ sĩ ca Huế chia sẻ.
Tuy nhiên, theo chị Thuần, không riêng gì giới nghệ sĩ, mà mọi nghề nghiệp trong xã hội điều bị ảnh hưởng. Vì thế, ngoài việc đồng cảm, xoay sở với một số công việc khác để kiếm sống thì phải chấp hành đúng quy định phòng chống dịch. “Thời điểm này, sức khoẻ vẫn là quan trọng nhất. Mình cầu mong cả nước chống dịch an toàn, ai cũng đảm bảo sức khoẻ là trên hết”, chị Thuần lạc quan.
Nghệ sĩ V. – có thâm niên 25 làm việc ở Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) nói rằng, chưa khi nào công việc của người nghệ sĩ lại gặp khó khăn đến thế. Các kế hoạch liên quan đến chương trình biểu diễn, lễ hội nơi anh V. làm việc cũng như các show diễn cá nhân đã được lên kế hoạch buộc phải hoãn vào giờ chót do dịch bệnh.
Anh V. kể, đặc thù nơi anh làm việc là thường xuyên biểu diễn cho du khách đến tham quan di sản Huế. Dịch xảy ra vào cuối tháng 4, kèm theo quy định không được tụ tập đông người và kéo dài đến nay khiến di tích đóng cửa, khách không thể đến tham quan nên gần như lịch biểu diễn bị “đóng băng”. Trước đó, có nhiều sự kiện lớn, như Festival Huế 2020, Festival Nghề truyền thống Huế 2021… cũng tạm dừng, chưa biết khi nào mới tổ chức, dù anh V. cùng nhiều nghệ sĩ khác đã dành nhiều thời gian luyện tập.
“Bên cạnh đó, một số chương trình biểu diễn bên ngoài của anh, chị, em cũng bị huỷ show. Ngoài tiền lương, các khoản thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, anh V. nói.
Nhớ ánh đèn sân khấu, nhớ khán giả
Không chỉ xoay sở với công việc khác, nhiều nghệ sĩ tâm sự rằng, trong thời gian nghỉ dịch họ rất nhớ ánh đèn sân khấu, nhớ khán giả, thèm được đứng trên sân khấu để được biểu diễn cho khán giả xem những tiết mục đặc sắc, mang lại cho khán giả những giây phút thăng hoa cùng nghệ thuật. Bởi khi đứng trên sân khấu họ mới đúng nghĩa là một nghệ sĩ thực thụ, nơi họ có thể thả mình với niềm đam mê và trao niềm đam mê đó đến với mọi người thưởng thức nghệ thuật.
“Nhưng vì dịch nên đành gác lại”, đạo diễn kiêm nghệ sĩ Phan Vĩnh Quý – Giám đốc Công ty TNHH MTV Tổ chức sự kiện PQ ngậm ngùi. Anh Quý nói rằng, khác với một số anh chị em nghệ sĩ thuộc biên chế của các đơn vị sự nghiệp, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều nghệ sĩ biểu diễn độc lập, làm cho các công ty tư nhân không có lương cứng nên phải chuyển hướng giữa mùa dịch. “Người bán bảo hiểm, người chạy grab, bán cây cảnh, môi giới nhà đất… để đắp đổi qua ngày. Nhưng vì khó khăn chung nên anh chị em nghệ sĩ chấp nhận điều đó”, anh Quý kể.
“Mình phải cố gắng hơn để sống được với nghề và có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ, viết thêm nhiều kịch bản hay với hy vọng khi hết dịch lại được phục vụ khán giả”- anh Quý chia sẻ.
Không riêng anh Quý, các nghệ sĩ chuyên lẫn không chuyên bên cạnh xoay sở công việc để kiếm sống, họ luôn cầu mong tình hình dịch bệnh sớm được khống chế. Có như thế, các sự kiện văn hoá, lễ hội, các chương trình nghệ thuật… mới được tổ chức để họ quay trở lại sân khấu và sống với đam mê.
Bài, ảnh: NHẬT MINH
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”