Chinh phục nét kiêu hùng của dòng Quây Sơn nơi biên cương Trùng Khánh

Dòng sông Quây Sơn ở Cao Bằng là nơi hội tụ của nhiều con suối từ trên những ngọn núi biên giới Việt – Trung mang một vẻ đẹp kiêu hùng của miền biên cương Trùng Khánh.

Rủ nhau ‘sống ảo’ ở vườn hoa làng cổ Đường Lâm Hà Nội khoe sắc thắmĐỉnh Mẫu Sơn nhuộm thắm hoa đào rừngMộc miên đỏ thắm bên dòng Nho Quế, Hà Giang

Mảnh đất biên viễn nơi đầu nguồn sông Quây Sơn mang một vẻ đẹp quyến rũ đến lạ lùng. Dòng sông xanh biếc, bốn mùa chảy uốn lượn dưới chân núi trùng điệp, tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình, bình yên làm xao xuyến lòng người.

Đặc biệt nhất, trên dòng chảy của sông Quây Sơn có thác Bản Giốc hùng vĩ bậc nhất của Việt Nam. Vào mùa thu, cảnh sắc nơi đây càng cuốn hút lòng khách thập phương.
Mảnh đất biên viễn nơi đầu nguồn sông Quây Sơn mang một vẻ đẹp quyến rũ đến lạ lùng. Ảnh: vnexpress

 

Dòng sông Quây Sơn bắt nguồn từ đâu?

Sông Quây Sơn bắt nguồn từ vô số những con suối nhỏ róc rách chảy xuống từ những ngọn núi dọc chiều dài biên giới Việt – Trung, hợp lưu của 2 nhánh sông nhỏ từ xã Phong Nậm và xã Ngọc Côn, tạo nên dòng chính Quây Sơn kỳ vĩ tại xã Đình Phong (Trùng Khánh).
Sông Quây Sơn bắt nguồn từ vô số những con suối nhỏ róc rách chảy xuống từ những ngọn núi dọc chiều dài biên giới Việt – Trung. Ảnh: Cao Ky Nhan

Con sông này dài 89km, phần 40km trên đất Trung Quốc được gọi là sông Quy Xuân, phần 49km trên đất Việt được gọi là Quây Sơn. Quây Sơn bắt đầu chảy vào Việt Nam tại xã Pò Peo, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Và sau đó con sông này chảy xuôi qua xã Chí Viễn đến xóm Co Muông, xã Đàm Thủy rồi đổ dòng tạo nên ngọn thác Bản Giốc chứa đầy màu huyền thoại.
Vẻ đẹp sông Quây Sơn mùa lúa chín khi nhìn từ trên cao. Ảnh: Cao Ky Nhan

 

Cách để đi đến dòng Quây Sơn?

Để đến được dòng Quây Sơn thì từ Hà Nội bạn đi đến thành phố Cao Bằng rồi đến huyện Trùng Khánh bằng cách bắt các chuyến xe giường nằm chạy đêm từ Mỹ Đình đi Trùng Khánh.Sông Quây Sơn thuộc  xã Phong Nậm, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Từ thị trấn Trùng Khánh, bạn có thể đi xe máy theo đường tỉnh 211 chừng 10km, rẽ trái vào con đường nhỏ để đến Phong Nậm.
Để đến được dòng Quây Sơn thì từ Hà Nội bạn đi đến thành phố Cao Bằng rồi đến huyện Trùng Khánh. Ảnh: Cao Ky Nhan

 

Thời điểm lý tưởng nhất để du lịch Quây Sơn

Thời điểm lý tưởng nhất chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sông Quây Sơn đó chính là mùa lúa chín. Khi đó, những thửa ruộng lúa chín vàng nằm xen lẫn với những thửa đã gặt xong nhìn từ trên cao. Đoạn đường nối thị trấn Trùng Khánh với xã Phong Nậm dài khoảng 10 km được đánh giá là nơi sở hữu nhiều khung cảnh mùa vàng gây ấn tượng với du khách.
Thời điểm lý tưởng nhất chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sông Quây Sơn đó chính là mùa lúa chín. Ảnh: Cao Ky Nhan

Vẻ đẹp kiêu hùng của dòng sông Quây Sơn và thác Bản Giốc

Quây Sơn theo nghĩa Hán – Việt là dòng sông chảy bao quanh núi. Sông hiền hòa nhưng cũng tràn đầy sinh lực, tuôn chảy bốn mùa, len lỏi qua những vùng núi đá vôi, có chỗ lặng lờ trôi, có đoạn phẳng như gương soi mặt hồ rồi đến đoạn cuối đổ xuống tạo dòng thác hùng vĩ, nên thơ.

Nước sông từ dòng thác tuôn chảy, bồi đắp phù sa màu mỡ hai bên bờ, tạo nên vùng đất tuy hẹp nhưng trù phú với những cánh đồng vàng óng mùa thu hoạch và xanh mướt rau màu.
Thác Bản Giốc nằm gần cuối sông Quây Sơn. Ảnh: hayditour

Từ khi sông bắt đầu chảy vào mảnh đất biên giới phía Đông Bắc của huyện Trùng Khánh cho đến chiều dài mấy chục cây số, khi qua mỗi khúc cua, ta mới nhận ra sự dịu dàng và mãnh lực của dòng sông đã góp phần tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của vùng đất “xứ sở thần tiên”.
Bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của vùng đất “xứ sở thần tiên”. Ảnh: ivivu

Sông Quây Sơn Cao Bằng bốn mùa khoe sắc, nhưng đẹp và xanh trong nhất vào mùa thu hay trong tiết đông. Trải qua thời gian, kiến tạo của dòng chảy đã tạo nên những cồn cỏ nhỏ xinh, bạt ngàn lau và những lùm cây vối tỏa bóng mát, cộng thêm sắc trời thu nơi đây tô điểm cho con sông trở nên thơ mộng, là những điểm dừng chân thú vị cho những ai muốn thưởng ngoạn. Mùa thu không chỉ mang màu của thời gian mà còn là mùa của tình yêu.
Vẻ đẹp thơ mộng của sông Quây Sơn. Ảnh: zing

 

Thác Bản Giốc cuối dòng Quây Sơn – thác nước đẹp nhất Việt Nam

Thác Bản Giốc, nơi đổ nước của sông Quây Sơn có hai dòng chính, trắng xóa như một dải thắt lưng lụa bạch trên nền áo xanh của rừng núi hùng vĩ; trên mặt sông, hơi nước tạo một khoảng sương mù soi rọi dưới ánh nắng mặt trời tạo nên những cầu vồng đa sắc màu.
Thác Bản Giốc Cao Bằng. Ảnh: Vnexpress

Bản Giốc còn một nhánh thác nữa nghiêng về phía Nam, nằm song song với dải thác chính ba tầng. Hai dòng thác chính, phụ tuôn chảy ngày đêm đã tạo nên lớp rêu phong ẩn mình sau những làn nước như tô thêm sự huyền bí, phong sương, chứa đầy trầm tích của thời gian.

Đôi khi, ta bắt gặp một đàn trâu xuất hiện trong chiều muộn lội tắm sông trước khi lững thững về chuồng làm sống động thêm bức tranh sơn thủy dân dã, đẹp đến nao lòng.
Khung cảnh thơ mộng đẹp đến nao lòng. Ảnh: Cao Ky Nhan

Từ dòng thác trắng như dải lụa, núi xanh, lúa vàng tầng bậc trên các thửa ruộng như chiếc thang trời, cồn cỏ xanh, lau trắng phất phơ, màu lá thanh phong vàng nhạt trải dài trên các vạt đồi như phơi mình dưới nắng thu, tiếng hát lượn của nam nữ da diết giữa sắc thu đầy lưu luyến… tạo nên sự duyên dáng, hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên và con người. Sông Quây Sơnnơi thác đổ quả là bức họa sơn thủy hữu tình níu chân du khách gần xa.
Cuộc sống bình dị của người dân nơi đây. Ảnh: tuoitre

Cuộc sống của người dân ven dòng Quây Sơn gắn bó với con lồ (tiếng địa phương gọi con la, một con vật lai giữa ngựa với lừa và không có khả năng sinh sản). Ở những thửa ruộng sâu, lồ luôn là con vật duy nhất được người dân sử dụng để cày bừa.
Những chú lồ khi nhìn từ trên cao. Ảnh: tuoitre

 

Những điểm đến tuyệt đẹp của Cao Bằng gần sông Quây Sơn

Ngoài dòng Quây Sơn, thác Bản Giốc thì khi du lịch Cao Bằng bạn cũng không nên bỏ lỡ các điểm đến khác như: động Ngườm Ngao, thung lũng Phong Nậm, hồ Hang Then, suối Lê Nin, hang Pác Bó,…
Suối Lê Nin. Ảnh: ivivu

 

Ẩm thực ở Quây Sơn, Trùng Khánh

Ẩm thực ở Quây Sơn rất độc đáo với nhiều đặc sản thơm ngon, đó là món quà mà dòng sông ban tặng, đó chính là các loại cá. Nức tiếng là cá trầm hương (có nơi gọi là cá dầm) – loài cá ngon thơm đến lạ và được người dân bản địa truyền tụng như một truyền thuyết.
Cánh đồng Quây Sơn khi nhìn từ trên cao. Ảnh: vnexpress

Sông Quây Sơn có hai khúc trong xanh nhất có cá trầm hương thơm ngon, đó là khu vực hợp lưu của sông chảy qua chân cầu Lũng Đính, thuộc xã Đình Phong.

Sau trầm hương là loài cá anh vũ (cá mõm lợn), tiếng địa phương gọi là pja pác mu cũng là loài cá quý hiếm. Cá anh vũ có bờ môi bằng sụn to và dày như mõm lợn, đặc biệt là bộ vảy óng ánh, sặc sỡ, cá chỉ ăn rêu tảo và sống ở nước trong, chảy xiết, trong những hang đá sâu và khi nước lạnh mới mò ra tìm mồi. Vì vậy, việc bắt được cá anh vũ này là cả một kỳ công, thường vào mùa đông.
Cá anh vũ. Ảnh: tinmoi

Sông Quây Sơn, nơi ai từng ghé qua và ngay cả những con người sinh ra, gắn bó với dải đất biên cương chắc hẳn trong ký ức đều có những kỷ niệm đẹp, da diết đến nao lòng. Du lịch Cao Bằng đừng nên bỏ lỡ cơ hội khám phá dòng sông thơ mộng này bạn nhé!
Xem thêm: Khám phá vẻ đẹp độc đáo làng đá cổ Khuổi Kỵ Cao Bằng

Hương Dương

Theo Báo Thể Thao Việt Nam

Theo Báo Thể Thao Việt Nam

Nguồn: báo dulich việt nam online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *