“Chậm chân” trong xây dựng các chương trình kích cầu du lịch

Năm 2023 đã bước qua tháng thứ ba, nhưng các chương trình kích cầu du lịch vẫn chưa được triển khai.

Đối với khách quốc tế, các chính sách kích cầu cần xây dựng sớm

Chưa có các gói kích cầu

Bước sang ngày đầu tiên của tháng 3/2023, trao đổi về các giải pháp thu hút khách du lịch trong thời gian đến, ông Vũ Văn Chương, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh cho rằng, bên cạnh sản phẩm du lịch, các chương trình kích cầu đóng vai trò quan trọng, tạo ra những “cú hích” đưa khách đến với Huế. Nhưng đến thời điểm hiện tại, các chính sách kích cầu chưa được triển khai.

Có thể khập khiễng khi so sánh cách làm du lịch của mỗi địa phương, vì còn phụ thuộc vào thực tiễn của các điểm. Song ở nhiều địa phương bạn, nhất là khu vực miền Trung, các chính sách kích cầu đã được triển khai và quảng bá rộng khắp để thu hút khách thời gian đến. Điều này tạo ra sự “sốt ruột” đối với những người làm dịch vụ du lịch ở Thừa Thiên Huế.

Ông Vũ Văn Chương cho biết, các đối tác ở các địa phương bạn, như Đà Nẵng thông tin, ngành du lịch ở đây đã ban hành chương trình kích cầu với hàng loạt hoạt động, tặng khoảng 10.000 voucher (phiếu mua hàng) miễn phí sản phẩm, dịch vụ du lịch. Địa phương này đặt mục tiêu thu hút khoảng 1 – 1,5 triệu lượt khách nội địa, quốc tế thông qua chương trình kích cầu, đặc biệt vào dịp lễ 30/4, 1/5 và dịp hè. Hay như tại Khánh Hòa, ngành du lịch tỉnh này cũng triển khai chiến lược kích cầu du lịch giai đoạn 2023 – 2025, với tổng kinh phí thực hiện chương trình gần 184,3 tỷ đồng, với nhiều chính sách rất hấp dẫn.

Trở lại với ngành du lịch Cố đô, hiện tại các chính sách, chương trình kích cầu vẫn chưa được triển khai. Một số chính sách được ngành du lịch thông tin trước đó, như ưu đãi các đoàn MICE, kích cầu các đoàn tour bay theo tuyến charter mới (thuê nguyên chuyến); chính sách chiết khấu, giảm vé tham quan các điểm di tích; tăng cường các chương trình biểu diễn nghệ thuật… đều dừng lại ở mức kế hoạch.

Chiết khấu, hay giảm giá vé tham quan các điểm di sản là chủ đề được nói nhiều trong mỗi lần xây dựng hay bàn thảo kế hoạch kích cầu du lịch. Cuối năm 2022, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẳng định đang xây dựng chính sách chiết khấu vé tham quan, sẽ trình UBND tỉnh thông qua và áp dụng từ đầu năm mới 2023. Nhưng đến nay, vẫn chưa có thông tin nào về các chính sách chiết khấu mới và các doanh nghiệp lại tiếp tục chờ đợi.

Cần có chính sách kích cầu để kích thích khách đến Huế. Ảnh: MC

Qua thời điểm vàng

Trong bối cảnh du lịch đang phục hồi lượng khách chỉ bằng khoảng 1/2 so với thời điểm năm 2019, thì rõ ràng các điểm đến vẫn còn thừa các điều kiện để đón khách. Việc kích cầu để tiếp tục thu hút khách là giải pháp quan trọng được áp dụng. Một doanh nghiệp cho rằng, nếu lựa chọn giữa bỏ ra một khoản kinh phí xây dựng chương trình kích cầu để có khách, hoặc không có khách thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ chọn phương án một. Với nhiều dịch vụ, nhất là lưu trú nếu các phòng ngủ không có khách lưu trú lại càng dễ hư hỏng, xuống cấp hơn.

Một yếu tố quan trọng được chỉ ra là thời điểm kích cầu. Thông thường, để kích cầu một thị trường nào đó, việc công bố chính sách phải được thực hiện khoảng vài tháng trước đó. Chính sách cho các doanh nghiệp thì thời gian còn phải sớm hơn. Nếu chậm chân, các chính sách được triển khai quá muộn, qua thời điểm vàng đưa ra quyết định đi du lịch của khách thì các gói kích cầu cũng không phát huy được hiệu quả.

Đối với khách nội địa, thời điểm mùa cao điểm được bắt đầu vào kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài đến hết tháng 8 hàng năm. Theo các doanh nghiệp, để kích cầu khách nội địa đi tour, thời điểm công bố chính sách thông thường ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Có thể muộn hơn, nhưng cũng sẽ rơi vào giai đoạn cuối tháng 2, đầu tháng 3.

Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành thông tin thêm, đối với khách quốc tế, thời điểm kích cầu phải sớm hơn cả nội địa. Thường, với các tour bán cho du khách quốc tế, các doanh nghiệp phải triển khai trước đó khoảng 6 tháng đến một năm. Do đó, nếu Huế hướng đến thị trường quốc tế nào thì các chính sách cũng nên xây dựng và công bố sớm. Như với khách châu Âu – Bắc Mỹ, bước vào mùa cao điểm thường vào tháng 10 hàng năm. Nếu muốn kích cầu, ngay thời điểm này cần có chính sách.

Kích cầu du lịch có hai thành tố. Một là các chính sách của quản lý Nhà nước, hai là các chính sách của các doanh nghiệp. Nếu muốn kích cầu toàn diện, tổng lực thì phải có sự kết hợp của cả hai. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động trong xây dựng dựng các gói kích cầu. “Doanh nghiệp hiểu điều này vì họ vừa là đối tượng trực tiếp thực hiện, vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả kích cầu. Nhưng chính sách phải bắt đầu phải từ quản lý Nhà nước. Từ những chính sách mang tính dẫn dắt, doanh nghiệp sẽ phối hợp để đưa ra thêm các chính sách”, ông Đỗ Ngọc Cơ cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch, sở đang vận động các doanh nghiệp du lịch, nhất là các khách sạn, điểm đến, nhà hàng, vận chuyển đồng hành với giải VnExpress Marathon được tổ chức vào ngày 16/4, với mức giá ưu đãi cho các VĐV hoặc tặng kèm thêm dịch vụ; có hình thức chào đón VĐV khi đến Huế. Cùng với đó, sở sẽ có những tham mưu lãnh đạo tỉnh có những chính sách kích cầu thêm thời điểm cụ thể; tiếp tục đề nghị Hiệp hội Du lịch tỉnh, các hội thành viên nên chủ động đưa ra các chính sách, sở hỗ trợ truyền thông.

ĐỨC QUANG

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *