Dịch bệnh khiến nhu cầu đi du lịch thay đổi. Những gì Huế đang có xét về năng lực cạnh tranh là vượt trội, nhưng xét về những nhu cầu thực tại đôi lúc lại chưa. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, Huế cần nắm bắt được các trào lưu và có những giải pháp phục hồi tương ứng, theo từng giai đoạn.
Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Outbox Consulting:
Có chiến lược phục hồi thị trường từng giai đoạn
Qua dịch bệnh COVID-19, nhiều xu hướng, trào lưu du lịch hoàn toàn khác được hình thành, đó là làm quen những trải nghiệm mới, lấy công nghệ làm cảm hứng, đặt an toàn trong chuyến đi trên cả chi phí…
Huế cần hình thành những sản phẩm, dịch vụ mang cốt lõi riêng
Xét về nguyên lý phát triển trong mọi hoàn cảnh, thời điểm, Huế cần xem xét hai yếu tố cung và cầu. Khi tối ưu hóa khả năng cung ứng và đáp ứng tối đa nhu cầu, sẽ giúp Huế thành công bước đầu trong kế hoạch kích cầu du lịch thời dịch bệnh và chiến lược phát triển dài hạn.
Trong các nghiên cứu của chúng tôi về Huế, có một điều được chỉ ra, mục tiêu của Huế là mong muốn đa dạng hóa sản phẩm. Trong đa dạng hóa, thường phát triển theo hàng ngang, về địa lý. Điều này dễ làm Huế mất đi tính cốt lõi. Vì vậy, dù đa dạng hóa gì đi chăng nữa, Huế cũng nên tập trung vào bốn cốt lõi chính: văn hóa, di sản, ẩm thực, tự nhiên.
Một thông tin quan trọng cho Huế nữa trong xây dựng chiến lược kích cầu khách nội địa, là hiện đang hình thành 3 nhóm tìm kiếm của khách nội địa về Huế: di sản – văn hóa, ẩm thực và đối với khách trẻ xu hướng tìm các điểm đến “check-in” mới trong các bộ phim mới được đóng gần đây ở Huế. Xét về lâu dài, sẽ có những thay đổi theo từng giai đoạn cho phù hợp, nhưng trước mắt để kích thích khách nội địa, đây là 3 xu hướng mà Huế cần ưu tiên tập trung.
Về bức tranh thị trường quốc tế ở Huế rất khác so với các điểm đến trong cả nước là có cấu trúc thị trường bền vững, không phụ thuộc vào một thị trường nào. Đây là thuận lợi, giúp Huế có khả năng phục hồi khách quốc tế sớm khi mở cửa trở lại. Dù thế, một nhiệm vụ được chỉ ra cho Huế phải có nhiều giải pháp cho nhiều thị trường khác nhau. Vì vậy, Huế có một kế hoạch dài hạn, xây dưng kịch bản, chiến lược phục hồi thị trường từng giai đoạn với những mục tiêu cụ thể.
Theo các chuyên gia, Huế cần xây dựng chiến lược kích cầu du lịch theo từng giai đoạn cụ thể, hướng đến nhu cầu thật sự
Một yếu tố khác trong chiến lược phát triển, đa dạng hóa thị trường quốc tế là cần thiết, tuy nhiên, để bền vững hơn, thay vì chỉ thu hút khách theo quốc tịch, Huế cần thu hút khách theo đặc tính, nhu cầu và xây dựng chiến lược cung ứng dịch vụ dài hạn bằng những đặc tính đó.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB), CEO Tập đoàn Thiên Minh (TMG):
“An toàn – vệ sinh – xanh” là thương hiệu của Huế
TAB vừa phối hợp với nhiều đối tác độc lập nghiên cứu, đánh giá năng lực cạnh tranh của 5 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Xét tổng thể các yếu tố, Huế xếp vị trí thứ 2 (sau Quảng Nam) với những thế mạnh: Lực lượng lao động, cạnh tranh về giá, y tế và vệ sinh, môi trường bền vững, nguồn tài nguyên tự nhiên và sự sẵn sàng về công nghệ thông tin.
Một nghiên cứu mới hơn trong giai đoạn dịch bệnh xảy ra, 80% khách du lịch đến Huế đi theo gia đình, nhóm nhỏ, không thông qua lữ hành. Đối với khách Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh luôn nhận định Huế là điểm đến 1 ngày. Thời điểm này, Huế phải tăng cường quảng bá, truyền thông mạnh mẽ hơn để du khách biết đến điểm đến trọn vẹn, có đủ mọi thành tố: văn hóa – di sản, biển, thiên nhiên, ẩm thực… là điểm đến 2 – 3 đêm.
Một ngày trung tuần tháng 3 vừa rồi, tôi vào Huế và trải nghiệm chạy một vòng tại các tuyến đường hai bên bờ sông Hương. Nhiều năm rồi, tôi mới có trải nghiệm chạy bộ trong một không gian xanh mát, sạch sẽ và an toàn đến như thế. Tôi sống ở Hà Nội, khó có thể trải nghiệm tương tự. Huế hiện tại không khác gì những thành phố tiên tiến hàng đầu trên thế giới. Xu hướng xây dựng những sản phẩm xanh, thân thiện môi trường và tác động tích cực cộng đồng địa phương là xu thế tất yếu và được thể hiện rõ trong COVID-19. “An toàn – vệ sinh – xanh” là thương hiệu mà Huế cần tập trung mạnh hơn nữa.
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương:
Du lịch MICE của Huế phải đẳng cấp, gắn với giá trị văn hóa – di sản
Du lịch MICE (hội nghị, hội thảo) là loại hình ngày càng phát triển và có nhiều hình thức khai thác. MICE ở Huế chủ yếu thu hút những đoàn khách lớn, tổ chức ở các khách sạn 4 – 5 sao. Xét về tính cạnh tranh ở hình thức này sẽ khó để Huế thu hút so với một số điểm đến khác.
Sản phẩm MICE ở Huế không phải dừng lại ở sự hiện đại mà là sự gắn kết giữa hội nghị, hội thảo với sự đẳng cấp, sự sâu sắc của văn hóa – di sản. Hiện nay, xu hướng mới của MICE là những nhóm nhỏ, chuyên biệt và đẳng cấp thật sự; lựa chọn những không gian văn hóa truyền thống sang trọng, với những tiệc từ vài trăm đến hàng ngàn USD. Đây là dòng khách mà Huế cần hướng đến, bởi Huế có những không gian cổ kính, đẳng cấp, đặc trưng riêng có gắn với văn hóa – di sản.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam:
Kích cầu bằng tặng“tình cảm” cho khách
Hiện nay, địa phương nào cũng đưa ra những chương trình kích cầu du lịch rất mạnh mẽ. Vì vậy, mỗi địa phương có những chương trình, cách làm riêng, đặc biệt để kích thích nhu cầu là rất cần thiết. Giảm vé tham quan các điểm di sản là một hình thức kích cầu quan trọng, nhưng cần giảm toàn bộ cho du khách, không thể giảm cho khách đi đoàn, vì xu hướng hiện tại khách đi theo đi nhóm nhỏ, gia đình là chính.
Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú không nên giảm giá và thực tế tại các khách sạn đã giảm kịch sàn, không thể giảm hơn được nữa. Cách làm hay hiện tại là tặng thêm dịch vụ, qùa tặng gì đó như tri ân khách. Với khách du lịch, khi đã đến Huế họ không cần tiền mà tình cảm nhiều hơn, đây là điều quý giá tạo ấn tượng của khách lâu dài hơn.
Bài, ảnh: Quang Sang
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”