Đó là mục tiêu của ngành du lịch Huế đã được Chủ tịch UBND tỉnh – Phan Ngọc Thọ khẳng định tại hội nghị “Phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế trong trạng thái bình thường mới” diễn ra chiều 20/3.
Chủ tịch UBND tỉnh – Phan Ngọc Thọ phát biểu tại hội nghị
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và gần 250 đại biểu là các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch hàng đầu trong cả nước.
Huế sẵn sàng cho trạng thái bình thường mới
Ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch thông tin, chuẩn bị cho giai đoạn mới, thời gian qua, ngành du lịch Huế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như đa dạng hóa các sản phẩm du lịch dịch vụ nhằm tạo điểm vui chơi, giải trí về đêm cho du khách, kích cầu chi tiêu cho du lịch; làm mới sản phẩm du lịch di sản văn hóa bằng các trải nghiệm mới; nâng tầm sản phẩm du lịch sinh thái, đầm phá và du lịch biển kết hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; khai thác sản phẩm du lịch tâm linh và du lịch MICE… Đồng thời, triển khai nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người lao động.
Để thu hút khách, khi các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành đưa khách đến tham quan, tìm hiểu tại các khu di sản văn hóa Huế thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế sẽ được giảm 50% phí, từ 1/3 – 31/8/2021. Bên cạnh đó, nhiều sự kiện, lễ hội, như Festival Nghề truyền thống, lễ hội Sen Huế, Ngày hội ẩm thực, Ngày hội Hiphop Huế, Ngày hội Lân Huế, Ngày hội Áo dài Huế, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22… cũng được tổ chức định kỳ hàng tháng nhằm tạo những điểm nhấn thường xuyên.
Về phía các doanh nghiệp du lịch, bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết, các doanh nghiệp Huế đã sẵn sàng cho giai đoạn mới. Hiện hiệp hội đã tập hợp được 14 khách sạn 3 – 5 sao giảm 50% giá dịch vụ và giữ nguyên chất lượng dịch vụ, áp dụng từ thời điểm hiện tại đến ngày 31/12/2021. Về lĩnh vực lữ hành, đã hình thành 4 sản phẩm mới, như trải nghiệm “Tâm và Thân cùng với Huế”, tour “check in” các điểm phim trường và nhiếp ảnh gia đi cùng để có những bức ảnh chất lượng, hay tour trải nghiệm, khám phá giới hạn bản thân bằng đạp xe quanh thành phố và chèo thuyền SUP trên sông Hương.
Huế đã hình thành nhiều chương trình kích cầu, gói sản phẩm thu hút khách đến trong thời gian đến
Theo các chuyên gia, bên cạnh có sản phẩm, chương trình kích cầu riêng, Huế đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong cả nước, hình thành và triển khai liên minh kích cầu, quảng bá hình ảnh điểm đến. Trong đó liên kết “Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam” là ba địa phương nối liền, đã là một liên minh rất hiệu quả trong những năm qua với khẩu hiệu “3 địa phương – 1 điểm đến” cần được thắt chặt hơn nữa.
Như phân tích của ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel, khách đến Huế sẽ thường kết hợp các điểm đến khác trong khu vực. Khi một tour được thực hiện thì trong đó đã có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp với các ngành nghề khác nhau. Trong mối liên kết này, các doanh nghiệp lữ hành nắm vai trò chính trong việc phân phối khách và phân chia lợi ích cho các doanh nghiệp khác tham gia vào chuỗi cung ứng du lịch. Trong chuỗi cung ứng du lịch, vai trò của các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực đều đóng vai trò quan trọng, trong đó phải kể đến vận chuyển (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không), lưu trú, ăn uống, điểm tham quan, mua sắm và các hoạt động giải trí về đêm …
“Bình minh trở lại cho du lịch Huế”
Trong các giải pháp đưa ra, đang dừng lại nhận định thị trường, còn hành vi của du khách như cần sản phẩm gì, đi lúc nào, chấp nhận giá bao nhiêu khi đi du lịch? thì còn thiếu, chưa được phân tích cụ thể. Điều này cũng là hạn chế của du lịch Huế lâu nay khi thiếu thiếu thông tin về thị trường, dẫn đến sản phẩm tạo ra không đáp ứng đúng và đủ cho thị trường. Vì vậy, đây là thời điểm để ngành du lịch nghiên cứu thị trường một cách đầy đủ, chu đáo hơn để cung cấp cho doanh nghiệp.
Ký kết hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch Thừa Thiên Huế trong trạng thái bình thường mới
Trong khi đó, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia nhấn mạnh, Huế là điểm đến cực kỳ quan trọng của Việt Nam đối với khách quốc tế khi có sự đa dạng về văn hóa, thiên nhiên, con người; là thành phố xanh, an toàn, sạch, nhưng Huế lại đang xếp thứ 15 điểm đến thu hút khách nội địa trong năm 2020. Rõ ràng, đây là thực tế cần có sự phân tích dựa trên cái được cái chưa.
“Xét về lợi thế cạnh tranh đang có, Huế cần tập trung vào chuyển đổi số, điều mà Huế đang là điểm đến tiên phong; xây dựng thương hiệu “thành phố xanh, sạch, an toàn” thành những từ khóa riêng, vững chắc cho Huế”, ông Trần Trọng Kiên góp ý.
Về sản phẩm du lịch, nhiều ý kiến cho rằng, Huế cần xác định một sản phẩm có tính cạnh tranh cao, bổ sung cho sản phẩm văn hóa – di sản, sau đó tập trung xây dựng thương hiệu. Kích cầu khách nội địa là giải trước mắt, còn lâu dài cần có sự chủ động để đón khách quốc tế trở lại.
Chủ tịch UBND tỉnh – Phan Ngọc Thọ khẳng định, những vấn đề mà các đại biểu, các doanh nghiệp nêu ra và góp ý tại hội nghị sẽ được lãnh đạo tỉnh và ngành du lịch tiếp thu, ghi nhận để có sự điều chỉnh hợp lý. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng, do đó việc dự báo và chủ động để quay trở lại hoạt động bình thường, vừa phục hồi phát triển, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch là yêu cầu đặt ra cho ngành du lịch cả nước nói chung và của Thừa Thiên Huế nói riêng. Việc phục hồi, phát triển ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay là một quá trình rất cần sự chung tay, đồng hành của toàn thể xã hội, từ cộng đồng doanh nghiệp đến người dân dưới dự chỉ đạo, quan tâm sát sao của cơ quan quản lý Nhà nước. Qua hội nghị này, lãnh đạo tỉnh kêu gọi sự sẵn sàng, chung sức, đồng hành của các nhà quản lý, các doanh nghiệp cùng bắt tay vào công tác khôi phục để ngành du lịch sớm được phục hồi, phát triển trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Chủ tịch Phan Ngọc Thọ khẳng định, du lịch Huế đã “ngủ quên” khá lâu, bây giờ là lúc mà “Bình minh trở lại cho du lịch Huế”. Với quan điểm “Huế luôn luôn mới”, phải đổi mới sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, tạo ra những dịch vụ, sản phẩm mới, phù hợp sẽ giúp Huế trở thành điểm đến thu hút khách hàng đầu trong những năm đến.
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra ký kết biên bản hợp tác giữa CLB Lữ hành UNESCO – Hà Nội với các đối tác vận tải, dịch vụ tổ chức đưa khách đến Thừa Thiên Huế theo hình thức charter (thuê nguyên chuyến). Cũng tại hội nghị, ngành du lịch phát động cuộc thi ảnh, video clip trực tuyến theo từng tháng với chủ đề “Huế trong tôi”. |
Bài, ảnh: Đức Quang
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”