TTH – Chương trình nghệ thuật khai màn diễn ra lúc 20h00 ngày 25/6 tại Quảng trường Ngọ Môn, là chương trình biểu diễn nghệ thuật và thời trang áo dài, mở màn cho chuỗi hoạt động sôi nổi của tuần lễ Festival Huế 2022 (25 – 30/6).
Đạo diễn Quang Tú
Theo Tổng đạo diễn chương trình khai màn Festival Huế 2022 – Quang Tú, chương trình là sự tổng hòa, quy tụ những giá trị truyền thống và nghệ thuật đương đại, mang hơi thở cuộc sống của Huế, nhiều vùng văn hóa đặc trưng của Việt Nam và thế giới.
Khai màn (khai mạc) luôn là chương trình quan trọng nhất của mỗi kỳ lễ hội, đêm khai màn năm nay sẽ có những điểm nhấn gì để thể hiện được tầm vóc, thương hiệu và đặc trưng của Festival Huế, thưa đạo diễn?
Chương trình khai màn Festival Huế sẽ diễn ra trong ít ngày nữa, lúc này tất cả các thành viên tham gia tổ chức, sản xuất, thực hiện chương trình đều đang tập trung hoàn thiện những phần việc mình đảm nhận… mục đích tạo ấn tượng tốt nhất cho khán giả xem trực tiếp tại sân khấu và người xem qua kênh truyền hình… Do vậy, để “giữ bí mật” chương trình, tôi xin “tiết lộ” một số thông tin chính:
Đêm khai màn Festival Huế 2022 sẽ được tổ chức tại cổng Ngọ Môn, nội dung kịch bản là một câu chuyện kể về xứ Huế; thể hiện nổi bật chủ đề “Huế di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.
Chương trình nghệ thuật chú trọng bản sắc Huế và tinh hoa các vùng miền trong nước và năm châu hội tụ, được thể hiện trong không gian trước kiến trúc chuẩn “tỷ lệ vàng” của cổng Ngọ Môn, vừa cổ kính, uy nghi, vừa mới lạ, tỏa sáng lung linh với công nghệ trình chiếu 3D Mapping hiện đại; tổng thể sân khấu sẽ là một không gian thực cảnh kết hợp trải nghiệm hiệu ứng thị giác cùng âm thanh sống động cho người xem…
Hướng quan sát của khán giả chuyển đổi từ trên mái lầu Ngũ Phụng, sang hệ thống khung cột, tường thành của cửa Ngọ Môn cho tới sân khấu trình diễn đặt ở phía trước; từ cảnh trí gần đến xa; từ màu sắc rực rỡ của họa tiết, hoa văn kiến trúc cung đình triều Nguyễn đến những màn trình diễn sinh động của các nghệ sĩ, bước đi uyển chuyển của những người mẫu trong kiểu dáng trang phục áo dài Huế truyền thống và hiện đại…
Chương trình được dàn dựng công phu, mới lạ, kết hợp hiệu ứng âm thanh, công nghệ chiếu sáng tiên tiến và pháo hoa nghệ thuật hứa hẹn sẽ đem đến cho khán giả những cảm xúc khó quên.
Năm nay, Ban tổ chức tổ chức đêm khai màn mà không phải là khai mạc, vậy chương trình sẽ có những thay đổi gì để thể hiện điều đó?
Chương trình khai màn là sự kết hợp giữa văn hóa Huế và các vùng miền trong nước và quốc tế
Trong hơn 2 năm qua, thế giới và Việt Nam vừa trải qua những giai đoạn khó khăn nhất bởi dịch bệnh. Mọi sự đang dần trở lại bình thường, đồng nghĩa cách thức triển khai các công việc hiện tại cần có sự thích ứng với thực tế… Năm 2022, Festival Huế được tổ chức trở lại, đó là một tín hiệu rất đáng mừng cho những người yêu và quan tâm tới xứ Huế thơ mộng.
Quay trở lại với cách dùng từ “khai màn” mà không phải “khai mạc”. Định hướng TP. Huế trở thành “thành phố Festival” đặc trưng nên tỉnh đã tổ chức “Festival bốn mùa”. Tuần lễ Festival Huế 2022 được tổ chức nằm trong các hoạt động lễ hội mùa Hạ. Do vậy mà gọi là chương trình khai màn cho tuần lễ Festival Huế, chứ không phải khai mạc.
Từ định hướng trên nên các chương trình, đặc biệt là các chương trình nghệ thuật, giải trí được tổ chức trong mỗi mùa festival sẽ được “biến hóa” nội dung đa dạng, phù hợp với những sự kiện chính trị – lịch sử – văn hóa – du lịch hay cảnh sắc thiên nhiên độc đáo trong khoảng thời gian đó… Điều này chính là sự thay đổi thú vị, điểm nhấn ấn tượng thu hút những người dân trên khắp cả nước cũng như du khách quốc tế đến với Huế và Việt Nam.
Festival Huế là lễ hội có quy mô quốc gia, quốc tế, nơi mà các nghệ sĩ, nền văn hóa gặp gỡ và giao thoa, chương trình khai màn sẽ có những tiết mục nào tô điểm điều này?
Ngay từ lần đầu tổ chức (2000), Festival Huế luôn thuộc “top” những festival hàng đầu của Việt Nam và mỗi kỳ Festival Huế tổ chức đều thu hút rất đông các đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ quốc tế của 5 châu lục tới tham dự… Năm 2022, theo chính sách phòng, chống dịch COVID-19 khác biệt của các nước mà đến thời điểm hiện tại, Ban tổ chức Festival Huế cập nhật các đoàn nghệ sĩ quốc tế tới tham dự gồm: Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Brazil, Nga, Mỹ, các nước khối ASEAN… Theo đó, một số nghệ sĩ quốc tế đến từ Mỹ, các nước ASEAN sẽ tham gia biểu diễn trong chương trình khai màn 25/6. Còn một số đoàn nghệ thuật quốc tế khác sẽ biểu diễn trong những chương trình tiếp theo của Festival Huế 2022 trong các ngày 26 – 30/6.
Các tiết mục được biểu diễn trên sân khấu sử dụng công nghệ chiếu sáng độc đáo sẽ thể hiện TP. Huế đẹp như một “Bài thơ đô thị” phát triển bền vững, trân trọng thiên nhiên, thân thiện, an lành. Ngợi ca vùng đất di sản, cổ kính có bề dày truyền thống nơi “tinh hoa hội tụ”. Tôn vinh một “thành phố xanh” phát triển bền vững; ước vọng về Huế – thành phố Festival của châu Á, cùng đất nước Việt Nam tỏa sáng chào đón tương lai rạng ngời.
Được biết, đây là lần đầu làm Tổng đạo diễn của Festival Huế, có những khó khăn và áp lực nào cho đạo diễn?
Tôi đã tham gia và đảm nhiệm các vị trí chuyên môn thuộc tổ biên đạo và đạo điễn trong những kỳ Festival Huế và Festival Nghề truyền thống từ năm 2008 đến nay… Phải công nhận rằng, mỗi một kỳ Festival Huế, Ban tổ chức luôn yêu cầu chủ đề; nội dung hay những tiêu chuẩn tổ chức, sản xuất, thực hiện chương trình năm nay phải “đẳng cấp cao hơn – ấn tượng mạnh hơn – hấp dẫn nhiều hơn” so với những chương trình thành công của kỳ festival năm trước.
Đây đồng thời vừa là “áp lực” vừa là “động lực” để tôi và cả ê kíp nỗ lực để có những “thành quả sáng tạo mới”. Đây cũng là mục tiêu của những người làm nghề nghệ thuật nói chung và nghề đạo diễn nói riêng, trong đó có tôi muốn hướng đến.
Xin cảm ơn đạo diễn!
Đức Quang (thực hiện)
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế Online ”