Trong những không gian tết truyền thống được tái hiện, du khách đã có những trải nghiệm ý nghĩa; qua đó, thêm yêu văn hóa của nước mình.
Trải nghiệm làm bánh tét ở Khách sạn Mường Thanh
Tìm về nguồn cội
Ngày mùng 1 tết âm lịch, sau khi đi lễ chùa đầu năm, chị Đinh Thị Thanh Hoa, trú tại thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế cùng gia đình tìm đến không gian “Hương xưa tết Việt” của nhóm Nhà thiết kế Quang Hòa – Long Quốc (313 Nguyễn Sinh Cung, TP. Huế) để tham quan, trải nghiệm, lưu lại những bức ảnh đẹp về ngày tết cổ truyền.
Chị Hoa tâm đắc, cuộc sống đang dần thay đổi, đô thị hóa, guồng quay của công việc, cuộc sống thị thành nên những không gian truyền thống, những khung cảnh mọi người quây quần bên bếp lửa, sưởi ấm ngày tết, cùng chuyện trò gần như mất dần đi. Vì thế, đến với không gian này chị như được trở về với tuổi thơ, với nguồn cội.
Nhà thiết kế Quang Hòa chia sẻ, trong những ngày tết, không gian đã tạo được ấn tượng với nhiều du khách. Không chỉ khách trong tỉnh mà nhiều khách ở Hà Nội và các tỉnh thành khác cũng đã tìm đến để lưu lại những ảnh về cái tết cổ truyền khi đến Huế.
Năm nay, nhiều điểm đến, không gian mới được hình thành giúp du khách có những trải nghiệm về tết Huế. Có thể kể đến không gian cổ phục và tết của Hạnh Mai tại 64 Nguyễn Đức Tịnh, TP. Huế. Tuy nhỏ nhưng các loại trang phục khá phong phú, phù hợp với bạn trẻ; không gian “Phong vị Huế” của kiến trúc sư Phạm Đăng Nhật Thái (26 Võ Thị Sáu, TP. Huế). Ở đây không chỉ có bối cảnh đẹp, mứt bánh ngon, trà thơm mà còn có bán các loại áo ngũ thân nam, nữ của thương hiệu Năm Tuyền nổi tiếng; không gian Áo dài Huế xưa & nay cạnh Bến thuyền Tòa Khâm (45 Lê Lợi, TP. Huế) giới thiệu các bộ sưu tập áo dài với phong cách thiết kế rất đặc trưng kiểu Huế của Nhà thiết kế thời trang Viết Bảo.
Tìm đến những không gian tái hiện tết cổ truyền
Sắc hoa, áo dài và di sản
Ngày tết, đi đâu cũng ngập tràn sắc hoa. Phố phường nhộn nhịp, tươi vui hơn khi tiết trời sang xuân.
Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng, Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế chia sẻ, mùa xuân là mùa hoa nở, mùa giao hòa giữa đất và trời để những bông hoa khoe sắc, sau đó kết tinh thành quả. Với người Huế, màu đỏ và màu vàng luôn là hai màu chủ đạo, thể hiện sự thịnh vượng và sung túc. Hoa được trang trí nơi nơi, khiến lòng người càng tươi mới, rộn ràng.
Gia đình anh Lê Trần Văn Lâm đến từ Hà Nội đã chọn Huế để chơi tết Nhâm Dần. Dù bắt đầu du xuân từ ngày mùng 2 tết, thời tiết không ủng hộ, song gia đình anh cũng kịp thuê những bộ áo dài ngũ thân và Nhật Bình để đi chụp ảnh ở Đại Nội trong ngày mùng 3 tết. “Sắc hoa xuân, di sản và áo dài… tất cả làm nên những bức ảnh đẹp và khác biệt. Đây sẽ là một cái tết thật ý nghĩa và khác biệt. Thật xứng đáng cho hành trình chạy xe từ Hà Nội vào Huế”, anh Lâm bộc bạch.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, “Sắc hoa xuân, áo dài và di sản” là sự kết hợp tuyệt vời cho một chuyến du xuân đầu năm mới. Không chỉ có những không gian tết cổ truyền, năm nay diễn ra nhiều hoạt động “phục hưng” cổ phục, đặc biệt là các loại áo ngũ thân, áo Nhật Bình.
Trong hàng ngàn du khách đến Huế du xuân, có Ca sĩ nhí Thảo Uyên. Thảo Uyên chia sẻ” “Uyên đã đi Huế để quay MV cho bài hát mới, nhân tiện Uyên lại được đến thăm và trải nghiệm làm giấy Trúc Chỉ. Trong khi chờ đợi quay MV thì Uyên được tung tăng ở công viên Huế và thưởng thức không khí mùa xuân đang về. Cầu mong mọi việc thật tươi đep trong năm con Hổ này với mọi người nhé. Yêu Huế thật sự”.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch kỳ vọng, khi đến với Huế là đến với “Kinh đô ẩm thực”, “Kinh đô áo dài”, “Thành phố Lễ hội”, “Thành phố 4 mùa hoa”, “Xứ sở mai vàng của Việt Nam” đầy thơ mộng… Những sắc diện tươi mới đã và đang tạo cho du khách một luồng sinh khí đầy vui tươi, xua đi những khó khăn bởi dịch bệnh để bắt đầu năm mới đầy hứng khởi, an lành và hạnh phúc.
Theo Sở Du lịch, tổng lượt khách tham quan, vui chơi tết tại các điểm du lịch ở Huế trong 3 ngày tết là khoảng 40 ngàn lượt, khách lưu trú ước đạt 5 ngàn lượt. Cụ thể, trong ngày mùng 1 tết, khách tham quan khoảng 9,5 ngàn lượt, khách lưu trú 1,4 ngàn lượt; ngày mùng 2 tết, khách tham quan gần 18 ngàn lượt và 1,7 ngàn lượt khách lưu trú; ngày mùng 3 tết, khách tham quan khoảng 17 ngàn lượt, khách lưu trú đạt 1,9 ngàn lượt. Khách quốc là các chuyên gia nên số lượng không nhiều, khoảng gần 500 khách. |
Bài, ảnh: Đức Quang
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”