Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, liên kết là yếu tố bền vững trong phát triển du lịch. Nhắc đến miền Trung là người ta nói đến du lịch ba tỉnh Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam như một thể thống nhất. Thế nhưng, trong liên kết nếu không có những sản phẩm có tính bổ trợ, tránh sự trùng lặp, thì ngược lại là cạnh tranh lẫn nhau.
Với Huế, cần có những sản phẩm mới, hoặc có những chi tiết mới trên nền tảng sản phẩm cũ. Và, ẩm thực là “điểm sáng” mới của du lịch Huế cần được khai thác tốt hơn nữa.
Trình diễn ẩm thực Huế tại Lễ hội Ẩm thực trong 1 kỳ Festival Nghề truyền thống Huế
Dịch bệnh COVID-19 là sự cố không một địa phương nào mong muốn, theo ông, Huế cần làm gì để phục hồi nhanh ngành du lịch?
Du lịch là ngành nhạy cảm, chịu tác động nhanh và lớn, nhưng dự báo cũng sẽ có cơ hội sớm phục hồi.
Kích cầu bằng những gói khuyến mãi, giảm giá tour là điều mà không chỉ Huế mà nhiều địa phương đang triển khai. Theo tôi, trong kích cầu không nên bỏ bớt một số dịch vụ khi khuyến mãi; hoặc giá thành duy trì thì cần có những dịch vụ tăng cường. Trong chương trình kích cầu, cần quản lý tốt, để đảm bảo trật tự, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh. Nâng cao chất lượng sản phẩm có tính hoàn hảo. Nếu Huế đẩy nhanh dịch vụ có tính hoàn hảo sẽ giúp Huế thu hút được khách hàng.
Khôi phục và thúc đẩy thị trường nội địa cao cấp là mục tiêu cần được Huế hướng đến. Thu hút khách có mức chi trả cao là cách để từng bước thay đổi chương trình kích cầu và đưa du lịch trở lại trạng thái bình thường.
Ông có thể nói rõ hơn tính liên kết trong phát triển du lịch?
Xu hướng đi du lịch của du khách hiện nay không chỉ đến một điểm mà đi theo tuyến, đến được nhiều nơi. Do đó, sự liên kết giữa các điểm đến càng tốt sẽ càng nâng cao được thương hiệu chung.
Sự liên kết tốt cũng sẽ xây dựng cơ chế chính sách và quản lý tốt; thêm hợp tác trong lĩnh vực thông tin du lịch, khâu quảng bá, đầu tư và phát triển sản phẩm, hỗ trợ đào tạo nhân lực du lịch sẽ hướng đến thật chất.
Liên kết của ba địa phương đã thật sự hiệu quả theo góc độ của một chuyên gia du lịch?
“Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam” đang có sự liên kết tốt. Đâu đó còn những mặt chưa phát huy hết hiệu quả, song về khách quan, liên kết ba địa phương đã trở thành hình mẫu của liên kết du lịch trong cả nước.
Để liên kết hiệu quả hơn nữa, ba địa phương cần có hướng hợp tác lâu dài, không chỉ ngắn hạn trong vài năm. Ở đây tôi xin nhấn mạnh quan trọng nhất là xây dựng được những sản phẩm đặc thù, có sắc thái riêng và hỗ trợ nhau.
Như Quảng Nam cần thêm sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Đà Nẵng trở thành trung tâm mua sắm. Huế là Cố đô, quá nổi tiếng với di sản. Nhưng chỉ di sản không sẽ dẫn đến sự nhàm chán. Do đó, ẩm thực là nét mới mà Huế cần khai thác. Khi kết hợp hài hòa giữa ẩm thực, mua sắm và chăm sóc sức khỏe, hứa hẹn giúp ba địa phương xây dựng thêm hệ thống dịch vụ, để vừa giữ chân du khách, vừa giúp tăng trưởng kinh tế, bên cạnh những sản phẩm, dịch vụ đã khai thác lâu nay.
Ông nói trong liên kết, ngoài di sản, ẩm thực là “điểm sáng” mới của Huế. Vì sao là ẩm thực mà không phải sản phẩm nào khác?
Ba tỉnh nói chung và Huế nói riêng còn rất nhiều điểm mới, dịch vụ mới mà chưa phát triển, hay khai thác đúng mức. Ở đây Huế phải đặc biệt lưu ý đến sản phẩm ẩm thực và quyết tâm phát huy để trở thành trung tâm ẩm thực của cả nước. Để nói đến Huế không chỉ có di sản mà có ẩm thực ngon, cầu kỳ, độc đáo và quy tụ được ẩm thực của cả nước.
Các tổ chức du lịch thế giới đã đánh giá, sau nước Đức, Việt Nam là điểm đến có nền ẩm thực hấp dẫn thứ hai. Xu thế khám phá ẩm thực mới sẽ đến Việt Nam trong tương lai không xa nữa.
Lâu nay, Hà Nội vẫn được nhận định là niềm tự hào về ẩm thực của Việt Nam, nhưng xét về sự đa dạng, tính độc đáo và thể hiện văn hóa, lịch sử thì Huế còn nhỉnh hơn. Do đó, quan trọng là việc đối xử với ẩm thực, định hướng và đầu tư cho phát triển sản phẩm này như thế nào mà thôi.
Để tăng khả năng thu hút khách từ ẩm thực, Huế cần làm gì, thưa ông?
Muốn đưa ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch phải có đầu tư, xây dựng các quy trình chế bến các sản phẩm ẩm thực; có lộ trình quảng bá, tuyên truyền giới thiệu ẩm thực; có những nơi để giới thiệu được ẩm thực đến với du khách; có hệ thống đầu bếp và những người làm dịch vụ ẩm thực để phục vụ khách chu đáo nhất.
Khi quyết tâm phấn đấu trở thành trung tâm ẩm thực của Việt Nam, có nghĩa Huế cùng lúc triển khai đồng bộ các hình thức dịch vụ từ đào tạo nấu ăn, quy trình chế biến các món ăn, quy trình tiếp đón khách, phục vụ khách và kết hợp với các dịch vụ khác nữa.
Xin cảm ơn ông!
Đức Quang (thực hiện)
Nguồn Báo Thừa Thiên Huế online