Ẩm thực – chất liệu tạo nên nền kinh tế
TTH.VN – “Di sản nếu chúng ta biết quý trọng, khai thác, phát huy tốt sẽ trở thành tài sản. Đó là tài sản của một xã hội, một đất nước, của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu không bảo tồn, phát triển tốt thì di sản đó sẽ trở thành di tích và qua thời gian sẽ trở thành phế tích”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội văn hoá Ẩm thực Việt Nam đã ví von như thế khi nói về văn hoá ẩm thực Việt Nam nói chung và ẩm thực Huế nói riêng.
Ẩm thực Huế được xem là tinh hoa văn hóa có thể tạo ra giá trị kinh tế vô cùng to lớn
Ẩm thực – ngành thúc đẩy kinh tế địa phương
Một trong những đặc trưng nổi bật của văn hóa Huế là văn hóa ẩm thực. Văn hóa ẩm thực Huế qua từng giai đoạn luôn được những người đầu bếp giỏi hoàn thiện và nâng cao. Trong hành trình để Huế trở thành kinh đô ẩm thực có rất nhiều vấn đề đặt ra, đó là làm sao phát huy được giá trị thương hiệu ẩm thực Huế, đưa ẩm thực Huế đi xa hơn, giao lưu với các nền văn hoá ẩm thực toàn cầu.
Để làm được điều đó, phải có một tổ chức điều hành, tổ chức đó phải am hiểu, có năng lực làm bàn đạp, đưa ẩm thực Huế nổi danh trên bản đồ ẩm thực thế giới. Sau nhiều năm lên kế hoạch, nhiều cuộc toạ đàm, hội nghị, tranh luận, Hiệp hội văn hoá Ẩm thực tỉnh cũng đã được ra đời. Điều này ít nhiều đáp ứng mong mỏi sẽ thực hiện những phần việc để đưa tinh hoa ẩm thực Huế đi xa hơn với rất nhiều mục tiêu cụ thể.
Là người tâm huyết với những vấn đề cốt lõi của văn hoá Huế, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ rất vui mừng với sự ra đời của Hiệp hội văn hoá ẩm thực tỉnh. Ông Thọ nói rằng, một khi nhắc đến văn hóa Huế thì không thể không nhắc đến văn hóa ẩm thực. Từng là kinh đô của đất nước, bao nhiêu tinh hoa văn hóa tụ hội về đây và ẩm thực cũng không ngoại lệ. Huế “sở hữu” khối lượng đồ sộ các món ăn, thức uống từ cung đình đến dân gian, món chay mà nhiều nhà nghiên cứu đã khảo sát rằng Huế có đến 1.700 món ăn, chiếm gần 2/3 của cả nước.
“Chúng ta có quyền tự hào về điều đó. Tuy nhiên làm sao để phát huy được giá trị văn hoá ẩm thực là vấn đề quan trọng không kém, để ẩm thực Huế nói riêng và ẩm thực Việt Nam lan tỏa đi khắp thế giới. Làm được điều đó, chúng ta không chỉ giữ gìn di sản của ông cha mà còn là cơ hội để ngành văn hóa và du lịch phát triển, thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương”, ông Thọ chia sẻ.
Theo ông Thọ, để Huế trở thành kinh đô ẩm thực, có rất nhiều mục tiêu cần đặt ra, trong đó vai trò của hiệp hội vô cùng quan trọng. Ông đề nghị, hiệp hội cùng các đơn vị liên quan tiến hành xây dựng thương hiệu, hình thành không gian bảo tàng ẩm thực Huế, chuỗi những món ăn Huế, đào tạo lớp nghệ nhân kế cận thực thụ tài giỏi, hình thành bộ từ điển về văn hoá ẩm thực Huế… “Đó là những vấn đề vô cùng quan trọng, nền tảng để giữ vững, nâng cao giá trị ẩm thực Huế”, ông Thọ khẳng định.
Giá trị trường tồn của dân tộc
Còn với ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, việc tỉnh Thừa Thiên Huế có hiệp hội văn hóa ẩm thực thời điểm này rất thích hợp, không chỉ để bảo tồn mà còn giúp phát huy tinh hoa ẩm thực của vùng đất được mệnh danh là kinh đô của nhiều “món ngon, vật lạ”’.
Theo ông Kỳ, giá trị văn hoá ẩm thực là một trong những giá trị trường tồn của dân tộc. Ẩm thực Việt nuôi dưỡng tâm hồn, mạch máu chảy trong lòng đời sống người Việt chúng ta. Văn hóa ẩm thực là cái nôi nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước thông qua những bữa cơm gia đình, người thân trong gia đình. Cả một quá trình như thế đã tạo nên giá trị được gọi là di sản văn hoá ẩm thực.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ (thứ 2, từ phải sang) tham quan không gian trưng bày ẩm thực Huế
“Chúng ta, những người hôm nay và con cháu thế hệ mai sau luôn khắc ghi, tôn vinh và phát triển nó. Di sản nếu chúng ta biết quý trọng, khai thác, phát huy tốt sẽ trở thành tài sản, đó là tài sản của một xã hội, một đất nước, của cả nền kinh tế”, ông Kỳ nhấn mạnh. Tuy nhiên, người đứng đầu Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cũng cảnh báo, nếu không bảo tồn, phát triển tốt thì di sản đó sẽ trở thành di tích và qua thời gian sẽ trở thành phế tích. Vì thế, ông Kỳ cho rằng, trách nhiệm của Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, cũng như Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực tỉnh Thừa Thiên Huế là cùng nhau gắn kết mọi tầng lớp, từ người dân cho đến nghệ nhân, từng bước tôn vinh, nuôi dưỡng tâm hồn văn hóa ẩm thực Việt, đưa lên trở thành giá trị văn hoá truyền thống, đồng thời đóng góp tích cực trong nền kinh tế Việt Nam.
“Bởi đó chính là chất liệu tạo nên nền kinh tế, dựa trên các nền kinh tế khác. Và trên hết là giữ được hồn dân tộc chảy trong người Việt cho hôm nay, muôn đời sau”, ông Kỳ tâm huyết.
Để khai thác, phục vụ du lịch tốt, theo bà Nguyễn Hoàng Khánh Trang, Phòng Nghiên cứu khoa học – Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, việc tìm về những giá trị nguyên bản của văn hoá ẩm thực Huế càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Theo bà Trang, không chỉ giới hạn trong một hay nhiều món ăn, ẩm thực Huế còn bao gồm tất cả những phương thức chọn thực phẩm, nghệ thuật chế biến, không gian và phương tiện thể hiện, tính chất xã hội, nghi lễ trong ăn uống của người Huế…
Nhìn lại những điều kiện đó để phát triển du lịch cho thấy Huế có nền ẩm thực độc đáo. Độc đáo không chỉ nền ẩm thực đa dạng mà còn độc đáo ở trong tính cách và sự hiếu khách của con người đất Cố đô. “Để khai thác, phát huy giá trị ẩm thực Huế, các ngành liên quan cần đổi mới tư duy trong phát triển du lịch, đầu tư khai thác ẩm thực trong du lịch. Ngoài ra, cần nghiên cứu và tổ chức các khu phố ẩm thực, tạo ra những không gian ẩm thực văn minh, lịch sự làm sao phục vụ tốt, để thu hút du khách”, bà Trang đề xuất.
Bài, ảnh: Nhật Minh