Theo con số thống kê, năm 2018, Thừa Thiên Huế ước đón được 4,1 triệu lượt khách. Doanh thu ngành du lịch ước đạt 4.100 tỷ đồng. Như vậy, tính trung bình mỗi du khách đến Huế chi tiêu khoảng hơn 1 triệu đồ
Con số này là cao hay thấp? Có lẽ, đánh giá một cách xác đáng nhất là không cao. Nếu tính doanh thu du lịch trung bình từ một khách tạo ra, thì nhiều tỉnh ở vùng Trung Trung bộ đã cao hơn Thừa Thiên Huế, có những tỉnh rất cao (cứ cho con số mà các địa phương công bố là tương đối chính xác – vì chỉ là con số ước tính). Ví dụ như Quảng Bình, một địa phương được cho là điểm du lịch mới nổi cũng đã khá cao. Năm 2018, Quảng Bình đón 3,9 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch hơn 4.480 tỷ đồng. Đà Nẵng thì cao hơn nhiều. Tỉnh Khánh Hòa đón hơn 4,4 triệu khách (8 tháng đầu năm 2018) chỉ tính riêng lưu trú đã 15.000 tỷ đồng, vận chuyển, lữ hành 2.360 tỷ đồng. Quảng Nam năm 2018 đón 6,5 triệu lượt khách, doanh thu 11.000 tỷ đồng. Bình Định thì thấp hơn cũng đón số khách tương đương nhưng doanh thu chỉ hơn 3.300 tỷ đồng.
Tổng doanh thu trung bình từ một khách tạo ra cho Thừa Thiên Huế thấp hơn một số tỉnh trọng điểm du lịch. Nhưng có một điều không mấy làm vui là, có vẻ như xu hướng dịch chuyển của du khách: Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa đều có lượng khách tăng trưởng lớn hơn Thừa Thiên Huế nhiều. Đối với Quảng Bình thì có thể dễ hiểu, vì là điểm du lịch mới nổi nên dễ có mức tăng cao, 18,2%, riêng khách quốc tế tăng đến 53,8%. Hai tỉnh còn lại (nêu trên) đã có một lượng khách đến cao vào những năm trước thì năm 2018 cũng tăng từ 16 -18%, gấp đôi chúng ta. Tính riêng về lượng khách quốc tế mức tăng đều hơn chúng ta.
Một tiết mục nghệ thuật tại Festival Huế 2018. Ảnh: Doãn Quan
Nêu những vấn đề như thế không phải là để bi quan mà để cùng trăn trở, suy ngẫm, tìm giải pháp. Làm thế nào để tăng doanh thu du lịch, tức là tăng mức chi tiêu trung bình từ một khách tạo ra là bài toán cần giải.
Doanh thu du lịch được cấu thành từ nhiều yếu tố: lưu trú, ăn uống, vận chuyển lữ hành, mua sắm… và thậm chí là…“chơi”. Cần phân tích cụ thể những yếu tố này để có giải pháp. Không giải quyết được trong ngày một ngày hai thì phải định hướng phát triển trong trung hạn.
Việc doanh thu du lịch tạo ra trung bình từ một khách ít cho chúng ta thấy, Thừa Thiên Huế đang thu hút nhiều khách du lịch ở “hạng trung”. Đã khách hạng trung nhiều thì nó tạo ra các loại dịch vụ hạng trung. Tìm cách để tăng doanh thu, có lẽ phải đi vào phân tích những vấn đề cụ thể và có giải pháp cụ thể. Ví dụ như thế này: cơ sở lưu trú, một lĩnh vực tạo doanh thu nhiều nhất, nếu ngành du lịch Thừa Thiên Huế hướng đến đón “ khách hạng trung” nhiều thì khó tạo ra nguồn thu lớn và cũng có thể khó khăn trong việc nâng cấp về sau này, nếu cầu của khách thay đổi và “nâng cấp”. Các nhà kinh tế chỉ ra rằng, cạnh tranh hạ giá không phải là một giải pháp khôn ngoan, mà là phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Chúng ta xem thử Thừa Thiên Huế có điều này không? Nếu có thì có giải pháp như thế nào? Vai trò định hướng và giải pháp của Chính quyền ra sao? Vai trò của Hiệp hội Du lịch trong việc thống nhất giữ giá như thế nào?
Xin kể một câu chuyện hướng đến chất lượng du lịch hơn là số lượng. Một người hoạt động trong ngành du lịch, với một cơ sở đón khách không lớn lắm và những dịch vụ cũng rất đặc biệt như: ăn chay, thiền định… đã chia sẻ thế này, rằng cơ sở du lịch bà không đón khách đại trà mà chỉ hướng đến dòng khách có nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng yên tĩnh, hướng đến du lịch tâm linh. Vì “kén” khách nên dịch vụ được thiết kế cao cấp, khác biệt… và đương nhiên là giá rất cao. Hỏi trên một mặt bằng chung các dịch vụ không cao, cơ sở này thu cao như vậy, liệu khách có chấp nhận? Chủ cơ sở cho biết, khách đã đặt phòng và các dịch vụ kín cả năm. Nếu không thu cao như vậy thì khách sẽ rất đông, mà khi đó, phá vỡ sự yên tĩnh của không gian… thì cơ sở này không còn gì khác biệt. Mà như thế, thì sẽ không còn gì để thu nữa. Câu chuyện này gợi ý rằng, chúng ta có nên dần hướng đến các dịch vụ cao cấp hơn để tăng doanh thu và tạo ra thương hiệu, đẳng cấp!
Một điều khác, như trên đã nêu, thiết nghĩ chúng ta cần quan tâm. Rõ ràng vùng Trung Trung bộ đã thu hút một lượng khách quốc tế rất lớn và mức tăng trưởng cao. Tức là vùng Trung Trung bộ đang có hấp lực du lịch mạnh. Như năm 2018, lượng khách quốc tế đến Quảng Nam tăng 36,58%, Quảng Bình 53,8% Khánh Hòa 42%. Và Thừa Thiên Huế cũng đến 29,9%. Điều này cho thấy sức hút du lịch của vùng Trung Trung bộ. Khách quốc tế thường chi tiêu nhiều, sẽ tạo ra nguồn thu cho du lịch lớn hơn, cho nên chúng ta phải tận dụng cơ hội này.
Làm thế nào để tận dụng cơ hội thu hút trong điều kiện khách quốc tế tăng trưởng mạnh? Câu hỏi này có lẽ những người có trách nhiệm, ngành chức năng và những người trong cuộc mới có thể trả lời một cách thấu đáo được.
NGUYÊN LÊ
Nguồn: Báo TT Huế