Đó là chủ đề của hội thảo quốc tế được Trường Du lịch – Đại học Huế phối hợp Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông tổ chức vào sáng 14/7. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các sở ban ngành, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành, doanh nghiệp và các chuyên gia trao đổi tại hội thảo quốc tế
Theo các chuyên gia, giai đoạn 2015-2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 22,7% mỗi năm. Tuy nhiên, lượng du khách đến từ các nước Bắc Phi-Trung Đông chiếm tỷ lệ không đáng kể, đặc biệt là lượng du khách Halal.
Du khách đến từ các nước Bắc Phi-Trung Đông, nhất là các nước thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) là những khách hạng sang, có khả năng chi tiêu cao và thời gian lưu trú dài. Du lịch Halal sẽ là một trong những ngành du lịch phát triển nhanh nhất thế giới và du khách Halal sẽ là một phân khúc chính của thị trường du lịch khi dân số Hồi giáo được dự báo đạt 2,2 tỷ người vào năm 2030. Để đón bắt xu thế, tạo đà tăng trưởng kinh tế xanh và phát triển bền vững cho đất nước trong thời gian tới, du lịch Việt Nam cần tận dụng tốt hơn những lợi thế sẵn có, áp dụng cách tiếp cận mới để thu hút nhiều hơn nữa du khách từ Bắc Phi-Trung Đông.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, năm 2022, tỉnh đã thực hiện việc mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế và phục hồi, kích cầu du lịch trên địa bàn tỉnh. Tại Thừa Thiên Huế, sản phẩm Halal nói riêng và phục vụ người theo Đạo Hồi nói chung còn rất hạn chế. Thông qua hội thảo lần này, các cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo, cơ sở cung ứng dịch vụ sẽ có cơ hội để tăng thêm hiểu biết về Halal và sản phẩm của Halal, đồng thời, tìm giải pháp thúc đẩy phát triển các dịch vụ du lịch thân thiện với khách Hồi giáo tại Việt Nam. Đây cũng là dịp để kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước và với các địa phương nhằm tăng cường hợp tác liên kết và đầu tư các sản phẩm Halal.
Tin, ảnh: Hữu Phúc
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”