“Hương xưa làng cổ” là lễ hội được tổ chức trong khuôn khổ Festival Huế từ những kỳ lễ hội đầu tiên. Việc nỗ lực để trở thành thương hiệu riêng sẽ thúc đẩy du lịch cộng đồng ở Phước Tích có thêm cơ hội phát triển.
Du khách tìm hiểu thông tin khi đến Phước Tích
Định hình thương hiệu
Làng cổ Phước Tích, thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 2009. Với quần thể di tích kiến trúc nhà rường cổ, di tích văn hóa Chăm Pa, văn hóa Việt cổ, nghề gốm truyền thống trên 500 năm… Phước Tích được mệnh danh là làng di sản của vùng Trung bộ Việt Nam. Hiện, Phước Tích có 38 ngôi nhà rường cổ còn khá nguyên vẹn; trong đó, 12 ngôi nhà thờ họ, phái, 26 nhà ở của dân. Tất cả những ngôi nhà rường này đều trên 100 năm tuổi và các cấu kiện đều được chạm khắc những họa tiết hoa văn cực kỳ tinh xảo. Ngoài ra còn có hệ thống các di tích tín ngưỡng, tôn giáo như đình, chùa, miếu; những cây cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm, những bến nước, sân đình… Tất cả như tạo nên cảnh quan đặc trưng của một làng quê Việt cổ kính.
Khi du lịch cộng đồng đã, đang và sẽ là một nhu cầu ngày càng phổ biến và trở thành trào lưu; đặc biệt là những năm gần đây, việc trở về với nông thôn để tìm hiểu những di tích lịch sử cổ xưa, kết hợp với trải nghiệm hoạt động sản xuất, sản phẩm của làng nghề truyền thống gắn với các giá trị văn hóa đồng quê đang có xu thế ngày càng phát triển hơn. Trước xu thế đó, với lợi thế của mình, làng cổ Phước Tích có nhiều cơ hội để phát triển.
Nhưng theo bà Hồ Thị Sương Lan, Giám đốc Công ty Du lịch Phong Lan Việt, Phước Tích là làng cổ đẹp, cổ kính, nhưng xét về nổi tiếng thì chỉ mới dừng lại trong tỉnh, còn du khách ngoại tỉnh hay quốc tế chưa biết nhiều. Điều này được chứng minh một phần khi bán tour, doanh nghiệp thường gợi ý đến Phước Tích cho du khách hơn là khách chủ động yêu cầu. Thương hiệu riêng của Phước Tích rất ít du khách biết đến.
Lãnh đạo huyện Phong Điền cũng thẳng thắn, hiện nay du lịch cộng đồng tại Phước Tích đã hình thành, nhưng các dịch vụ đơn điệu, thiếu chuyên nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu của du khách. Thương hiệu và “cá tính” riêng của làng cổ đặc trưng chưa được thể hiện bằng dịch vụ du lịch; khả năng quảng bá điểm đến cũng chưa tốt.
Ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho rằng, để có thể phát huy được các thế mạnh của điểm du lịch thì cần phải xây dựng được hình ảnh thương hiệu du lịch chuyên nghiệp, bài bản và đồng bộ để ngày càng thu hút được du khách.
“UBND huyện Phong Điền đang xây dựng và phát triển nhãn hiệu “Hương xưa làng cổ” cho làng cổ Phước Tích. Đây là cơ hội để xây dựng được thương hiệu riêng cho Phước Tích. Tiến đến tác động ý thức của du khách về một thương hiệu du lịch mới, gắn với các sản phẩm, dịch vụ bổ trợ và có mối liên hệ mật thiết với làng cổ Phước Tích: mô hình trải nghiệm làm đồ gốm gắn với làng nghề gốm Phước Tích, mô hình cung cấp dịch vụ ăn uống cho du khách gắn với các món ăn đặc sản của địa phương…”, ông Bách thông tin.
Nhãn hiệu thôi chưa đủ
Thông qua nhãn hiệu chứng nhận, huyện Phong Điền có thể tiến hành chứng nhận cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ phù hợp với các tiêu chí đưa ra. Hướng đến mục tiêu hoàn thiện một hệ sinh thái du lịch đồng bộ, chuyên nghiệp. Mặt khác, khách du lịch sẽ dễ dàng xác định được đâu là các dịch vụ đạt tiêu chuẩn của đơn vị quản lý điểm đến du lịch để yên tâm sử dụng; thị trường “tín nhiệm” nhờ hệ thống tiêu chí chất lượng và hệ thống kiểm soát chất lượng đó. Vì thế, ngành du lịch Phong Điền đang rất kỳ vọng tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách, góp phần nâng cao giá trị và danh tiếng của điểm đến du lịch bằng thương hiệu “Hương xưa làng cổ”.
Các doanh nghiệp du lịch lưu ý rằng, một sản phẩm du lịch hay một địa điểm du lịch muốn phát triển trước hết cần phải được thị trường biết đến và tín nhiệm. Để được tín nhiệm, thì phải chứng minh được danh tiếng, chất lượng và khả năng gìn giữ bảo đảm về danh tiếng, chất lượng đó. Vì vậy, ngay từ bước tạo lập thương hiệu thì Phước Tích phải có một “kịch bản” thật chi tiết về các sản phẩm; xác định chuỗi các dịch vụ, kế hoạch xúc tiến quảng bá; liên kết, kết nối để khai thác.
Bà Hồ Thị Sương Lan đề cập, bên cạnh việc quy hoạch và phát triển các sản phẩm, dịch vụ bổ trợ cho điểm đến du lịch, cần thiết phải đảm bảo về chất lượng cho các sản phẩm và dịch vụ đó nhằm tránh trường hợp phản tác dụng khi chất lượng của sản phẩm và dịch vụ chưa tốt gây tác động xấu đến uy tín và danh tiếng của làng cổ Phước Tích. Nói cách khác, khi phát triển với thương hiệu thì phải bài bản và chuyên nghiệp hơn.
Mới đây, Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Phước Tích tổ chức phiên chợ “Hương xưa làng cổ” năm 2022. Đây là phiên chợ được tổ chức sau hơn hai năm gián đoạn bởi dịch bệnh. Phiên chợ cũng thu hút khách nhưng nhìn chung, các hoạt động, mặt hàng vẫn đang còn khá đơn điệu, khách đến chủ yếu là trong huyện và vùng lân cận.
Ông Đoàn Quyết Thắng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Phước Tích cho biết, phiên chợ sẽ là một trong những hoạt động, dịch vụ của thương hiệu “Hương xưa làng cổ”. Qua lần tổ chức này sẽ rút kinh nghiệm và hoàn thiện thêm các sản phẩm, dịch vụ trong thời gian đến. Phiên chợ sẽ được tổ chức thường xuyên để thu hút khách. Ban quản lý sẽ kết nối với các cơ quan, ban ngành, các doanh nghiệp để tăng cường quảng bá cho hoạt động này.
Bài, ảnh: Đức Quang
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế Online ”