Trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Phong Điền hướng đến thị xã vào năm 2024, du lịch được xác định là ngành kinh tế chủ lực của địa phương này.
Làng mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên chưa thu hút được khách
Khoảng cách giữa “ba nhà”
Phong Điền là huyện có địa hình đa dạng, với núi, đồng bằng, vùng ven biển và cả đầm phá; hệ thống 20 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, kiến trúc nghệ thuật; trong đó 7 di tích cấp quốc gia và 13 di tích cấp tỉnh; được xem là “cái nôi” của nhiều làng nghề truyền thống, như nghề kim hoàn, nghề rèn, nghề gốm, đệm bàng; nơi lưu giữ nhiều nét đặc trưng của văn hóa Huế, với nhiều lễ hội dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được lưu truyền cho đến ngày nay… Tất cả lợi thế hội tụ lại thuận lợi để phát triển du lịch.
Hoạt động du lịch của Phong Điền vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa có bước phát triển tương xứng với tiềm năng. Trong nhiều nguyên nhân, một yếu tố được nhấn mạnh là mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp (DN) kinh doanh du lịch và người dân địa phương chưa thật sự gắn kết, đã ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của ngành du lịch.
Ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền nhìn nhận, quả thật thời gian qua, du lịch Phong Điền còn mang tính đơn điệu; đang còn khai thác những sản phẩm dựa trên những gì huyện đang có, chưa có nhiều sản phẩm khác biệt, mới lạ; hay những tour tuyến chuyên biệt để phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của nhiều dòng khách khác nhau, với những khung thời gian đa dạng khác nhau.
Dẫn chứng như làng cổ Phước Tích, dư địa phát triển là rất lớn nhưng lượng khách đến lại có phần khiêm tốn. Tại đây có ban quản lý, có sự gắn kết với người dân, nhưng kết nối với DN lữ hành lại chưa tốt. Khách đến chủ yếu là khách lẻ, hoặc khách đoàn có đến tham quan rồi đi, chứ chưa dừng lại lâu để tăng nguồn thu cho người dân. Các mô hình du lịch tham quan làng nghề, cộng đồng, sinh thái cũng rơi vào tình thế tương tự, sự kết nối chưa tốt giữa “ba bên”, nên các tour dù trước đó có kế hoạch triển khai cũng khó thu hút được khách.
Theo ông Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Công ty CP Du lịch Đại Bàng, xét về lợi thế, A Lưới không thể so sánh bằng Phong Điền, nhưng vẫn tổ chức được các tour là vì chất lượng sản phẩm và những điểm nhấn khác biệt so với các điểm đến khác. Như đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, các tour đi A Lưới tổ chức rất nhiều, riêng Phong Điền chủ yếu là khách lẻ.
Cần “bàn tay” của doanh nghiệp
Du lịch được định hướng là ngành kinh tế chủ lực của Phong Điền trong lộ trình thành thị xã vào năm 2024. Đây cũng là hướng đi phù hợp theo định hướng phát triển theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, đưa Phong Điền trở thành “vệ tinh” xứng tầm của du lịch Cố đô.
Thực tiễn phát triển du lịch của Phong Điền chứng minh rằng, nhiều sản phẩm được đầu tư, kỳ vọng rất lớn nhưng sau thời gian thì không đạt hiệu quả như mong muốn. Quản lý du lịch ở Phong Điền chủ yếu là do Nhà nước, hoặc do người dân, thiếu “bàn tay” của DN. Huyện xác định, muốn phát triển hiệu quả, chuyên nghiệp và lâu dài phải có sự đầu tư khai thác của DN, hoặc có vai trò đầu mối, dẫn dắt của DN lữ hành. Đầu tư các sản phẩm trải nghiệm cũng thế, Nhà nước có thể đầu tư một số vốn nhất định, nhưng quan trọng là bảo dưỡng, duy trì hoạt động lâu dài và hướng đến tính chuyên nghiệp hơn phải là “bàn tay” điều hành của DN.
“Hạn chế của du lịch Phong Điền thời gian qua là chưa xây dựng các tour tuyến phù hợp với nhu cầu, quỹ thời gian của khách. Như tour nửa ngày, 1 ngày, 2 ngày và có thể dài hơn. Do đó, huyện đang tích cực kết nối, làm việc với các đơn vị lữ hành để tư vấn, khuyến khích đầu tư để xây dựng các sản phẩm phù hợp với thị hiếu. Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị liên quan để quy hoạch tổng thể du lịch Phong Điền, nghiên cứu, đánh giá thị trường, xu hướng đi du lịch của tương lai để có những sản phẩm phù hợp”, ông Nguyễn Đình Bách chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, trong thời gian đến, Phong Điền cần tăng cường công tác thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng khai thác, phát triển du lịch, dịch vụ tại các khu vực có điều kiện như đầu tư đô thị nghỉ dưỡng ven biển Điền Lộc, khu vực Ngũ hồ, các khu vực du lịch sinh thái tại các trằm, khu bảo tồn thiên nhiên… Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các điểm du lịch, như tại làng cổ Phước Tích, thượng nguồn sông Ô Lâu, vùng đầm phá Tam Giang, biển Điền Lộc. Vì hạ tầng kết nối chưa tốt, sẽ rất khó để khai thác du lịch.
Một nhiệm vụ nữa là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh tài nguyên du lịch nổi bật của huyện và về tiềm năng du lịch trên địa bàn. Đặc biệt là du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng tại làng cổ Phước Tích, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái tại Thanh Tân và thượng nguồn sông Ô Lâu,… thông qua các hình ảnh trực quan, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Bài, ảnh: Đức Quang
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”