Nếu so sánh thống kê về lượng khách du lịch trong dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Huế khá khiêm tốn so với nhiều địa phương trong nước, nhất là với các tỉnh thành khu vực miền Trung. Để làm rõ hơn việc thống kê số liệu, Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Du lịch.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Du lịch
Ông Phúc khẳng định, các con số được ngành du lịch công bố đều có cơ sở và đó là những con số thật về khách du lịch đã đến Huế trong dịp lễ vừa qua.
Những số liệu về khách du lịch đến Huế trong dịp lễ vừa qua được thống kê dựa theo cơ sở nào, thưa ông?
Tổng số du khách đến Thừa Thiên Huế tính từ 29/4 – 4/5 ước đạt 55.000 lượt. Riêng các điểm di tích thuộc khu di sản Huế đón được 39.089 lượt từ 29/4 – 3/5. Khách lưu trú ước đạt 32.000 lượt; trong đó, gần 800 khách quốc tế. Công suất phòng khách sạn từ 3-5 sao cho cả đợt nghỉ lễ đạt xấp xỉ 60%, riêng trong 2 ngày đầu 30/4 và 1/5 công suất phòng trên 90%. Doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 85 tỷ đồng.
55.000 lượt là con số thuần về khách du lịch. Ngoài ra, ngành còn có thống kê thêm lượt khách trong và ngoài tỉnh đến dự, trải nghiệm các hoạt động lễ hội, như “Thuận An biển gọi”, “Ngày hội vùng cao A Lưới”, Ngày hội “Huế – Kinh đô ẩm thực” là gần 50.000 lượt. Các bãi biển và điểm du lịch suối thác trên địa bàn tỉnh cũng thu hút trên 50.000 lượt khách, con số này chỉ tính đến ngày 1/5, vì những ngày sau gần như không nhận khách vì thời tiết.
Công thức tính khách đến Huế của ngành du lịch là 100% khách lưu trú, 50% khách tham quan di tích và % tương đối khách đến các điểm du lịch suối thác, biển ở các huyện, thị xã, thành phố tùy vào thực tế của các địa phương đó. Ở Huế khách đến tham quan di sản có thể đi nhiều điểm, nhưng chỉ tính một lượt khách. Hoặc tham quan ở TP. Huế sau đó đi các điểm đến khách cũng chỉ tính một lượt.
Trong thống kê du lịch, khó có số tuyệt đối vì nhiều khách đến mà không lưu trú, hoặc lưu trú ở các cơ sở nhỏ lẻ, thăm thân không thể thống kê hết. Đây là con số tương đối dựa trên những cơ sở và thực chất của du lịch Cố đô.
Về doanh thu, đối với khách có lưu trú, ngành tính mỗi khách sẽ có mức chi tiêu 1,9 triệu đồng/lượt; khách không lưu trú có mức chi tiêu 1 triệu đồng/lượt. Con số doanh thu 85 tỷ đồng cũng có những cơ sở để khẳng định là con số thật của du lịch Cố đô.
Nhưng khi nhìn vào số liệu thống kê này, du lịch Huế bị đánh giá là chậm phục hồi chậm so với các điểm đến khác?
Đúng là sẽ khó tránh khỏi đánh giá này khi so sánh số liệu giữa các địa phương, vì số liệu là căn cứ cơ bản để đánh giá một điểm đến. Có một điều mà ngành du lịch Huế tự tin khẳng định là sự phục hồi của ngành khá tốt. Trong những ngày lễ, nếu đến các điểm du lịch mới thấy sự sôi động. Hay trong những ngày lễ, đường phố tấp nập, kẹt xe xảy ra liên tục, trên đường phố rất nhiều xe ô tô biển ngoại tỉnh. Chẳng hạn như lượng khách vào tham quan di sản trong ngày 1/5 đạt 13.418 lượt, con số này thậm chí còn vượt hơn cả năm 2019 khi dịch bệnh chưa xuất hiện.
Dịp lễ vừa qua, các lễ hội của Huế thu hút rất đông du khách
Trong du lịch, khách lưu trú được xác định là dòng khách quan trọng vì có mức chi tiêu cao. Khó có thể so sánh giữa địa phương này và địa phương khác trong công khai số liệu, riêng Huế là một trong ít địa phương công bố số lượng khách lưu trú.
Khách đến Huế là khách trải nghiệm văn hóa nên phong cách tham quan, trải nghiệm sẽ không quá xô bồ, mà nhẹ nhàng, êm đềm. Điều này sẽ khác so với các điểm đến là biển, hay giải trí thuần túy.
Để có những đánh giá khách quan và chính xác hơn, trong năm nay, Sở Du lịch sẽ có những khảo sát, đánh giá lại về mức chi tiêu của khách, số ngày lưu trú và các chỉ số liên quan. Đồng thời, sẽ có những đề xuất với Tổng cục Du lịch để có phương thức, cách tính số liệu trong du lịch áp dụng chung cho cả nước.
Nhưng qua đợt lễ, du lịch Huế đã bộc lộ không ít hạn chế?
Đúng là như thế. Trước hết là về điểm đến. Khách đến Huế chủ yếu tập trung ở vùng lõi trung tâm TP. Huế; tham quan các điểm di sản, chứ chưa có sự phân bổ rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Điều này cho thấy sự thiếu cân đối, sự phát triển du lịch vệ tinh chưa tốt.
Thống kê mới đây, Huế đang có khoảng 13.000 phòng lưu trú; trong đó, khách sạn 3-5 sao chỉ khoảng 3.500 phòng. Trong khi đó, xu hướng lựa chọn dịch vụ cao cấp tăng mạnh. Điều này dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng dịch vụ lưu trú cao cấp. Với xu hướng mới và khi khách quốc tế phục hồi tốt hơn, sẽ thiếu hụt lưu trú chất lượng. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn trong thu hút khách cho Huế. Ngành sẽ sớm có tham mưu lãnh đạo tỉnh để thu hút thêm những nhà đầu tư mới vào lĩnh vực lưu trú.
Hạn chế nữa là sản phẩm vui chơi giải trí ở Huế còn ít, chủ yếu là rạp chiếu phim và điểm vui chơi nhỏ lẻ chỉ đáp ứng được khách địa phương. Còn những điểm vui chơi giải trí lớn, kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng, góp phần thu hút khách đến cho Huế còn thiếu.
Giải pháp nào để du lịch Huế khắc phục hạn chế trên, thưa ông?
Định hướng của ngành du lịch là hướng đến những dòng khách trải nghiệm thật sự, ẩm thực, nghỉ dưỡng; chú trọng thu hút khách lưu trú dài ngày hơn, trải nghiệm nhiều hoạt động, sử dụng nhiều dịch vụ hơn để có sự tăng trưởng tốt về nguồn thu dịch vụ du lịch. Điều này cũng phù hợp với xu thế du lịch đi gia đình, có điều kiện, sẵn sàng chi trả cao để có sự an toàn, đẳng cấp.
Về các sản phẩm du lịch, điều này đòi hỏi ngành du lịch phải tập trung hoàn thiện. Hiện, khu vui chơi giải trí, như công viên chủ đề ở Vinh Xuân đang chuẩn bị thi công lại sau dịch bệnh; dự án sân golf kết hợp giải trí của Tập đoàn BRG tại Vinh Thanh; Khu du lịch Độn Sầm (Hương Thủy) đang gấp rút thực hiện các bước đầu; Trung tâm thương mại AEON của Nhật Bản… Điều này góp phần hoàn thiện các sản phẩm “văn hóa – di sản – nghỉ dưỡng – chăm sóc sức khỏe – giải trí” cho Huế.
Dịch vụ đêm ở trung tâm TP. Huế cũng sẽ được hoàn thiện hơn. Phố đêm Hai Bà Trưng sẽ được khai thác. Khi đó sẽ tạo thành chuỗi phố đêm hấp dẫn. Với phố đêm Hoàng thành nghiêng về trải nghiệm văn hóa; phố Tây (Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu) nghiêng về giải trí, ăn uống; còn phố đêm Hai Bà Trưng sẽ là phố thương mại, mua sắm cao cấp, có thương hiệu của Huế.
Xin cảm ơn ông!
Đức Quang (thực hiện)
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế Online ”