Đèo Hải Vân vốn được mệnh danh là một trong những cung đường đèo đẹp nhất Việt Nam, nối liền Huế và Đà Nẵng. Cung đường đèo dài 21km, một bên là núi cao, một bên là biển thẳm; khi đi qua đèo Hải Vân, du khách sẽ cảm nhận cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp đúng như lời của ca khúc Bài ca thống nhất: “Biển trời bao la – đẹp như gấm hoa”.
Thiên hạ đệ nhất hùng quan
Từ hơn 700 năm trước, vua Lê Thánh Tông khi vi hành ngang qua, dừng ngắm đă tức cảnh sinh tình, và thốt lên bốn chữ “Đệ nhất hùng quan”, và đến nay, vẫn còn vết tích bài thơ của Vua trên Hải Vân Quan cùng với dòng chữ khắc “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Chỉ bấy nhiêu đã đủ khẳng định cho sự kỳ vỹ, sự độc đáo của Hải Vân đối với bất kỳ ai. Và một khi đã ngang qua con đường đèo này, bất kỳ du khách nào cũng phải dừng lại từng chặng, ngắm nghía đến no mắt khung cảnh hùng vỹ của núi non, sự bao la của biển trời, và cả sự lộng lẫy của những dải ánh sáng bạc khi mặt trời chênh chếch soi trên mặt biển.
Trên Hải Vân, trải dài theo tầm mắt du khách là màu xanh của thảm thực vật phong phú được điểm xuyết bởi những đóa hoa dại nở bạt ngàn dọc theo triền núi. Là màu xanh của biển, của trời. Là màu trắng của những đám mây vẫn luôn bồng bềnh đâu đó tít đằng xa. Chắc hẳn chẳng có cung đường đèo nào lại mang đến nhiều cảm xúc như vậy cho những ai đi ngang qua nó, dẫu chỉ một lần.
(Ảnh ST)
Những đường cong mềm mại uốn lượn quanh co, đưa chúng ta đi từ trạng thái cảm xúc này đến trạng thái cảm xúc khác chỉ trong tích tắc. Mới phút trước ta ồ lên kinh ngạc với khúc cua tay áo, thì phút sau, chúng ta đã lại lặng người ngắm vịnh biển Lăng Cô hiện ra dưới chân đèo như một bức tranh với đủ đầy những màu sắc tươi mới và tràn đầy sức sống.
Chia hai miền khí hậu
Không chỉ là ranh giới địa phận của hai tỉnh, đèo Hải Vân còn là ranh giới tự nhiên chia hai vùng đất thành hai miền khí hậu hoàn toàn khác nhau. Những đám mây mọng nước chẳng thể vượt đèo, đọng lại, khiến cho du khách khi đi từ đầu này đến đầu kia con đèo đã thấy mình đi qua cả nắng ráo lẫn sương mù, đôi lúc còn được ướt mình trong cơn mưa bất chợt.
Du khách đến đây sẽ phải bất ngờ, khi vừa mới đây thôi thành phố Đà Nẵng đang nắng ráo, vậy mà vừa qua khỏi khúc quanh co đã thấy bên này mây đen mù mịt sẵn sàng đổ mưa bất cứ lúc nào. Dường như, chính sự thay đổi khí hậu đó lại khiến cho việc chinh phục Hải Vân thêm phần thú vị.
(Ảnh ST)
Đã có lúc, việc di chuyển trên đèo Hải Vân khá khó khăn. Khi đó hầm chui Hải Vân vẫn chưa được xây dựng. Khó khăn khi di chuyển trên đèo đâu chỉ một hai điều. Phần địa lý trắc trở với con đường quá quanh co, phần vì núi cao vực sâu, phần do khí hậu thay đổi liên tục cùng với sương mù dày đặc khiến cho việc di chuyển trở nên gian nan gấp nhiều lần. Việc hầm Hải Vân đi vào hoạt động đã giảm tối đa được lượng người di chuyển trên đèo, cũng chính nhờ vậy nơi đây mới thực sự trở thành địa điểm du lịch khám phá cực kỳ thú vị cho những ai vẫn luôn mê mẩn với những con đường đi qua non cao hùng vỹ.
Lặng ngắm làng chài Lăng Cô từ Hải Vân
Từ phương Nam, để đến với đất kinh kỳ thơ mộng, chúng ta phải vượt đèo Hải Vân và đến với Lăng Cô như điểm dừng đầy hấp dẫn. Chỉ cần vừa xuống tới chân đèo, làng chài Hải Vân hiện ra cùng với doi cát trắng, ánh nắng chiều chiếu nghiêng tạo thành mặt gương óng ánh vàng. Biển lặng. Gió nhẹ. Và chúng ta, chẳng thể nào dừng được việc đứng lại, và lặng ngắm một chiều bình yên của xóm chài bé nhỏ.
(Ảnh ST)
Nằm cách phố thị Đà Nẵng chỉ một con đèo, nhưng làng chài Hải Vân vẫn giữ được cho mình sự trong trẻo, hoang sơ và bình dị đến lạ kỳ. Đám trẻ con vẫn rộn ràng nói cười với những trò chơi dân dã, người lớn vẫn trung thành với nghề chài lưới, ngày ngày chờ nước xuống đem bán mớ tôm con cá. Chẳng thể nào kiếm tìm được bình yên nào hơn thế.
(Ảnh ST)