Đảm bảo chân xác khi trùng tu điện Thái Hòa

TTH – Sau nhiều năm chuẩn bị, điện Thái Hòa vừa được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khởi công trùng tu. Đây là đợt trùng tu lớn nhất từ trước đến nay và kế thừa tất cả những lần trùng tu từ năm 1833-1945.

 Điện Thái Hòa – công trình hiện đang trong quá trình được trùng tu (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19) Ảnh: ĐỨC QUANG

Tu bổ tổng thể

Là ngôi điện quan trọng bậc nhất trong Hoàng thành Huế, điện Thái Hòa là công trình kiến trúc tiêu biểu còn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến nay. Sau gần 200 năm tồn tại với nhiều biến cố của lịch sử, dưới tác động của thời gian, khí hậu khắc nghiệt, chiến tranh…, điện Thái Hòa xuống cấp trầm trọng. Do khó khăn về kinh phí nên trong thời gian qua, ngôi điện chỉ được tu sửa cấp thiết, như: đắp lại con rồng ở mái Tây Nam do bão số 5 năm 1985 làm gãy; tháng 12/1990 thay cột G6; từ năm 1992 đến năm 1993 lợp lại mái ngói ống hoàng lưu ly ở tiền điện; từ năm 1997 đến năm 1998 tu sửa phần sơn son nội thất; năm 1999 phục hồi Bửu tán, lợp lại mái hậu điện bị sạt lở do trận bão năm 1999; năm 2018 chống đỡ các cột bên trong và bên ngoài bằng trụ sắt và lưới thép…

Cơn bão số 5 năm 2020 làm toàn bộ chái phía tây chính điện bị gãy đổ, gây nguy hiểm nghiêm trọng cho công trình cũng như sự an toàn của du khách. Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, để ngăn chặn khả năng tiếp tục sụp đổ trong mùa mưa bão, hệ khung gỗ và mái của công trình đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế gia cố, chống đỡ tạm thời. Tuy nhiên, nguy cơ sụp đổ công trình vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, việc đầu tư bảo tồn, tu bổ một cách tổng thể để gìn giữ và phát huy các giá trị đặc biệt của điện Thái Hòa là nhiệm vụ khẩn thiết trong giai đoạn hiện nay.

Điện Thái Hòa là nơi diễn ra nhiều nghi lễ quan trọng của triều Nguyễn

Với sự quan tâm kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh, dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa được UBND tỉnh phê duyệt và bố trí vốn trùng tu năm 2021 từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, với tổng mức đầu tư trên 128 tỷ đồng. Dự án chính thức được thực hiện từ ngày 23/11/2021 và dự kiến hoàn thành vào ngày 23/8/2025.

Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa sẽ tiến hành tu bổ, gia cường nền móng, phục hồi nền lát gạch, bậc cấp đá Thanh, tường gạch với màu sắc nguyên trạng; tu bổ, phục hồi hệ khung gỗ, hệ mái, hệ vách ván, cửa bằng gỗ; sơn son thếp vàng; mái lợp ngói hoàng lưu ly và ngói liệt men vàng, bờ mái và con giống khảm sành sứ và hệ thống trang trí pháp lam… Hệ thống sân lan can và bậc cấp cũng được tu bổ, gia cường, cân chỉnh toàn bộ sân nền khuôn viên điện; tu bổ và gia cường hệ thống tường chắn đất, phục hồi lan can; tôn tạo vườn cây, tiểu cảnh…

Đảm bảo chân xác

Với tầm quan trọng cũng như giá trị của điện Thái Hòa, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng với đơn vị thi công quyết tâm nỗ lực triển khai công tác trùng tu với chất lượng cao nhất. “Lần trùng tu này, chúng tôi mong muốn sẽ tạo lập một hình mẫu tiêu biểu về công tác khôi phục bảo tồn di sản. Bắt đầu từ việc sưu tập dữ liệu, nghiên cứu khoa học, khảo cổ, lập dự án, thiết kế đến triển khai thi công, giám sát, phát huy giá trị… Đặc biệt là ứng dụng một số công nghệ tiên tiến như số hóa, scan 3D, ứng dụng công nghệ 4.0 giúp cho việc xây dựng “ngân hàng dữ liệu số” về điện Thái Hòa được đầy đủ, chính xác và chuẩn mực. Đây cũng là công trình đầu tiên được trùng tu với trang thiết bị kỹ thuật giám sát và đối chứng dữ liệu hiện đại nhất”, ông Hoàng Việt Trung nói.

Ngôi điện xuống cấp phải chống đỡ tạm thời

Công tác trùng tu được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt. Với tầm quan trọng của công trình nên trong quá trình lập dự án, thiết kế kỹ thuật thi công, đơn vị thi công nhiều lần báo cáo với hội đồng khoa học. Điều may mắn đây là công trình còn hiện hữu, không phải phục hồi mà mang tính chất tu bổ, phục hồi một phần.

Ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty CP Tu bổ di tích Huế cho biết: “Chúng tôi tìm hiểu kỹ công trình từ khi xây dựng, qua những lần trùng tu trước từ thời vua Minh Mạng 1833 đến thời vua Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân, Bảo Đại, đặc biệt là phần trang trí bờ mái thời vua Khải Định phần nền lát gạch Granito được lát thời vua Thành Thái. Đợt trùng tu này, chúng tôi kế thừa tất cả những lần trùng tu trước đây, loại bỏ những phần có cấu kiện, vật liệu mới được tu sửa cấp thiết sau năm 1968”.

Toàn bộ công trình sẽ được đánh dấu trước khi hạ giải. Tất cả các cấu kiện được hội đồng khoa học đánh giá chất lượng, mức độ hư hại để quyết định nên giữ lại hay phục hồi. Với phần mái sẽ phục hồi theo nguyên bản ban đầu, tức là phục hồi phần mái ống hoàng lưu ly tồn tại 90 năm kể từ thời vua Minh Mạng cho xây dựng năm 1833 đến thời vua Khải Định mới chuyển sang lợp ngói dán. Đối với phần trang trí trên mái phục hồi theo thời vua Khải Định bởi dấu ấn trang trí bờ nóc và phần mái khảm sành sứ thời kỳ này đại diện cho kiến trúc triều Nguyễn. Với hệ thống thơ văn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hiện trạng vẫn tốt nên sẽ được giữ nguyên bản. Cả phần trang trí pháp lam trên bờ nóc gần như giữ lại toàn bộ. Ngai vàng sẽ được chuyển về lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Khi hạ giải, Bửu tán sẽ được làm hệ thống giá đỡ, bảo quản cẩn thận.

Để tiến hành trùng tu điện Thái Hòa, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và đơn vị thi công tiến hành nghiên cứu các cứ liệu lịch sử, châu bản, bút phê… để hiểu rõ sự giao thoa giữa các thời kỳ, mỗi một thời kỳ trùng tu những gì, có những yếu tố nào mới, yếu tố nào được lưu giữ từ các thời kỳ trước…, từ đó đưa ra những giải pháp kế thừa, bảo tồn và thay thế. “Để đảm bảo tính chân xác, công trình sẽ được giám sát chặt chẽ, mời các chuyên gia góp ý trong quá trình trùng tu. Với những cấu kiện phải thay thế, chúng tôi sẽ phục hồi y như cũ nên độ chân xác tương đối cao, gần như sai lệch không đáng kể”, ông Hành nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online “

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *