Thì cứ nhìn vào lĩnh vực du lịch. Một điều kiện giống nhau để các nước mở cửa thị trường du lịch, ấy là vắc-xin. Phải tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và phải có xét nghiệm âm tính với COVID-19. Nhưng cách thức mở cửa và thời điểm mở cửa thì khác nhau, mỗi nước mỗi kiểu.
Tiêm phủ vắc-xin là một trong những điều kiện ảnh hưởng đến việc mở cửa du lịch. Ảnh: A. Hiệp
Mà suy cho cùng khác nhau cũng phải, vì mỗi nước có điều kiện và hoàn cảnh khác nhau.
Ở trong nước, từ ngày 15/11 này, một số tỉnh đã được Thủ tướng cho phép thí điểm đón khách quốc tế theo tour trọn gói. Có gói thì 7 ngày, có gói 3 ngày. Lịch trình đăng ký trước. Bước đầu du khách đăng ký đi cũng không đông lắm, mỗi đoàn khách quốc tế chỉ hơn 200 khách. Ví dụ như Quảng Nam đón hai đoàn khách Mỹ đầu tiên chỉ hơn 460 người. Sau khi đón khách quốc tế thí điểm ở các địa phương, đến thời điểm này ( 25/11) được đánh giá là các tour đón khách thành công. Đây là cơ sở để ngành du lịch Việt Nam nới rộng hơn nữa về không gian để đón khách.
Ở các nước khác, từ tháng 7/2021, Thái Lan đã mở cửa đón khách đến hòn đảo du lịch nổi tiếng Phuket. Chương trình thử nghiệm này đã đón được 70.000 khách. Bắt đầu từ tháng 11/2021, họ mở cửa rộng cho hơn 45 quốc gia khác. Cứ tiêm đủ mũi vắc-xin và xét nghiệm âm tính thì đến Thái Lan đi thoải mái. Đến tháng 10/2021, nhiều nước mở cửa rồi như Indonesia, Singapore… Một số nước khác thận trọng hơn cũng điều chỉnh chính sách về du lịch. Từ 15/11/2021, Campuchia tuyên bố người dân trong nước và du khách đã tiêm đủ vắc-xin và xét nghiệm âm tính thì được đi bất cứ nơi đâu ở đất nước chùa tháp…
Bằng những cách thức khác nhau, có thể nói, nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á đã tranh thủ hết sức về mặt thời gian để đón khách, với một thị trường du lịch đưa lại doanh thu ước chừng 130 tỷ đô la mỗi năm.
Xét về mặt điều kiện, độ phủ vắc xin của Việt Nam chậm hơn một số nước nên có lẽ điều này kéo theo việc mở cửa du lịch chậm hơn, cũng làm cho những nhà hoạch định chính sách thận trọng hơn! Tuy nhiên, một điều cũng cần nhìn nhận, giả sử như chúng ta thí điểm đón khách quốc tế sớm hơn thì có lẽ sẽ tốt hơn. Bởi xét về mặt tổng thể, đối với các tour trọn gói như Việt Nam đang làm không bị ảnh hưởng nhiều đến độ phủ vắc xin. Khách quốc tế đến với chúng ta thì họ đã phủ vắc xin rồi (cũng như qui định của phía Việt Nam). Những địa chỉ đón khách khép kín như nêu trên thì độ phủ vắc xin cho nhân viên cũng không phải là quá khó, thậm chí cả một vùng trọng điểm du lịch rộng hơn về không gian.
Chậm hay nhanh cũng là chuyện đã qua. Vấn đề bây giờ là nhanh chóng rút ra những kinh nghiệm trong quá trình đón khách thí điểm để nhanh chóng mở rộng đón khách quốc tế cho nhiều điểm đến khác. Hiện tại, số ca nhiễm COVID-19 mới ở Việt Nam chưa hề giảm,
như ngày 25/11, số liệu công bố cả nước có gần 12.500 ca nhiễm mới. Tình hình chưa hẳn là khả quan hơn trước đây nhưng chúng ta vẫn đón khách đấy thôi. Một ngành chiếm 9,2% GDP của Việt Nam cần những chính sách và cách thức điều hành vừa đúng, nhưng đồng thời cũng cần phải nhanh nữa.
Nguyên Lê
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”