Gần đây, loại hình lưu trú du lịch ở các biệt thự (villa), căn hộ cao cấp phát triển khá nhanh ở Huế.
Lưu trú ở các villa đang thu hút nhiều du khách
Chìa khóa trao tay
Loại hình lưu trú ở các villa sang trọng, khép kín xuất hiện đã nhiều năm qua ở một số địa phương trong cả nước. Riêng ở Huế, từ khi dịch bệnh xuất hiện, loại hình này mới có dấu hiệu phát triển vì xu hướng lựa chọn những điểm lưu trú khép kín, tách biệt với bên ngoài. Dòng khách sử dụng chủ yếu là nhóm nhỏ bạn bè, hay nhóm khách đi theo gia đình.
Tôi đóng vai du khách muốn thuê một căn villa để “đổi gió” cuối tuần cùng nhóm bạn. Có khá nhiều sự lựa chọn, sau một hồi tìm kiếm được căn villa ưng ý trên mạng xã hội, tôi liên hệ với người bán dịch vụ để đặt phòng. Người này cho biết, hiện không ở Huế và chỉ là trung gian bán phòng cho chủ đầu tư. Nếu đặt sẽ có người đại diện ở Huế dẫn đi xem trước. Đồng thời nhấn mạnh, cần đặt phòng sớm vì thời gian gần đây khách đặt nhiều, dịp cuối tuần gần như hết phòng.
Căn villa được chọn ở đầu đường Nguyễn Khoa Vy, phường Vỹ Dạ, TP. Huế. Người dẫn đi xem phòng cho biết, villa này đang có 4 phòng ngủ, có hồ bơi, sân vườn và ban công rộng rãi, phù hợp để tổ chức các buổi tiệc nướng ngoài trời. Khách có thể sử dụng âm nhạc, sau 10 giờ đêm thì sử dụng âm thanh nhỏ hơn. Giá cho một đêm lưu trú ở căn villa này là 2,5 triệu đồng. Số lượng phòng là 4, thông thường sẽ ở được 8 người lớn, nhưng theo người bán có thể ở nhiều hơn không hạn chế, chỉ thêm tiền là được.
Người bán phòng cho biết, khi khách đến nhận phòng, sẽ “chìa khóa trao tay”. Khách có thể tự do sử dụng và sinh hoạt tại villa như nhà mình, tự tổ chức nấu ăn. Khi được hỏi nếu cơ quan chức năng đến kiểm tra thì thế nào. Người bán này khẳng định là yên tâm, sẽ không ai đến kiểm tra. Nếu có thì chỉ cần gọi cho họ, sẽ đến xử lý ổn thỏa ngay.
Qua tìm hiểu, hiện dịch vụ lưu trú ở các villa khá đa dạng, vị trí tập trung ở gần biển, gần núi, gần sông và căn hộ cao cấp tại những đô thị mới cũng được tận dụng khai thác dịch vụ lưu trú. Có hai dạng kinh doanh ở các villa này, thứ nhất được đầu tư với mục đích kinh doanh; thứ hai là xây dựng để ở, sau đó được tận dụng khai thác du lịch.
Một đặc điểm chung của các villa trong thời điểm này là giá khá mềm so với chất lượng; người bán không để địa chỉ cụ thể, chỉ khi yêu cầu mới có người hẹn dẫn đến xem phòng. Khi nhận phòng, khách được giao nguyên căn villa, không có sự can thiệp gì của người bán trong suốt thời gian lưu trú.
Sớm chấn chỉnh
Không thể phủ nhận đây là hình thức kinh doanh lưu trú mới, phù hợp với xu hướng phát triển, không chỉ trong giai đoạn dịch bệnh mà đây cũng là cách để nâng chất
dịch vụ lưu trú ở Huế. Các villa dù có số lượng phòng ít, song lại chất lượng, có giá cao hơn so với khách sạn thông thường.
Tuy nhiên, hình thức lưu trú này ở một số địa phương đã có sự biến tướng. Nhiều khách sử dụng các villa khép kín, không có chủ nhà, người quản lý để tổ chức làm nơi ăn chơi. Đã có nhiều trường hợp một số thanh niên thuê villa làm nơi “bay lắc”, tụ tập sử dụng ma túy. Đó là chưa kể một số villa chưa đăng ký kinh doanh lưu trú, tiềm ẩn nhiều hệ lụy. Bởi theo quy định, tất cả các hoạt động liên quan đến lưu trú qua đêm phải được đăng ký với cơ quan chức năng, địa phương để quản lý.
Đơn cử như căn villa ở đường Nguyễn Khoa Vy mà chúng tôi đã đến, lãnh đạo phường Vỹ Dạ khẳng định đây chỉ là nhà riêng, hoàn toàn không sử dụng để làm hình thức kinh doanh lưu trú. Tuy nhiên, sự thật lại hoàn toàn trái ngược. Hay tại Rabbit Home Villa ở đường Trấn Hải Thành, phường Thuận An, TP. Huế, khi được hỏi có hoạt động đúng quy định, lãnh đạo địa phương ban đầu khẳng định không có kinh doanh gì, nhưng sau đó thông tin lại là cơ sở này đã đăng ký kinh doanh thời điểm Thuận An chưa sáp nhập với TP. Huế. Điều này cho thấy, khâu quản lý còn khá lỏng lẻo.
Cũng liên quan đến Rabbit Home Villa, trong các nội quy đặt ra, villa này đặc biệt yêu cầu khách: “Nghiêm cấm tuyêt đối sử dụng chất ma túy, “bay lắc” tại villa. Nếu vi phạm sẽ báo cơ quan công an đến làm việc, xử lý”.
Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, loại hình lưu trú ở các villa, căn hộ cao cấp hình thành và phát triển khá mạnh thời gian gần đây. Việc kiểm soát vẫn còn thiếu sự chặt chẽ nhất định. Với ngành du lịch, cơ quan quản lý trực tiếp hiện chưa thể có những số liệu khách lưu trú. Trong khi đó, quản lý các mô hình lưu trú như villa, biệt thự, căn hộ cao cấp, homestay lại đang do các địa phương quản lý.
“Về lâu dài, những loại hình kinh doanh lưu trú trên sẽ được chấn chỉnh, kiểm soát, bằng hệ thống quản lý lưu trú thông minh. Dù thế, để quản lý tốt vẫn sẽ có sự liên thông, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan liên quan”, ông Giang nhấn mạnh.
Ngày 21/10, tại buổi làm việc với các cơ quan liên quan, Hiệp hội Du lịch tỉnh và các doanh nghiệp du lịch để bàn kế hoạch phục hồi, kích cầu du lịch Huế trong thời gian đến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh, Sở Du lịch kiểm tra và nhanh chóng đưa phần mềm quản lý lưu trú liên thông vào hoạt động. Phần mềm phải được triển khai đến từng cơ sở, không chỉ để tránh thất thu thuế mà tăng cường kiểm tra, giám sát, đưa hoạt động lưu trú đúng quy định. Trong giai đoạn cần kiểm soát tốt hoạt động kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh, các địa phương, ngành du lịch phải tăng cường quản lý, giám sát các loại hình lưu trú
đúng quy định. Trong giai đoạn cần kiểm soát tốt hoạt động kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh, các địa phương, ngành du lịch phải tăng cường quản lý, giám sát các loại hình lưu trú chặt chẽ hơn nữa.
Bài, ảnh: Đức Quang
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”