TTH – Hiểu đơn giản thì Đập Đá là cái đập được xây bằng đá. Và, đó là một con đập tràn, nghĩa là nước có thể tràn qua mặt đập. Hơn 100 năm trước, do nhu cầu trị thủy bức bách, ngăn nước mặn từ biển Thuận An xâm lấn ngược lên sông Hương và đổ vào sông Như Ý, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của các địa phương Hương Thủy và Phú Vang, Đập Đá được xây dựng.
Nhìn qua Đập Đá
Đập Đá ngăn sông là chiếc cầu và cũng là một con đường. Ngót nghét cả một thế kỷ, đó là đường bộ duy nhất, nối hai bờ sông Như Ý, là tuyến đường độc đạo nối trung tâm thành phố Huế với vùng Vỹ Dạ và các vùng đất khác của huyện Phú Vang. Gần đây, Đập Đá được nâng cấp và sửa chữa để cùng với cầu Vỹ Dạ nằm cách đó không xa được thông tuyến trước đó xua tan phần nào nỗi lo Đập Đá nước tràn, gây nên chia cắt và sự hiểm nguy trong mùa bão lũ.
Tôi nghe kể xưa Đập Đá có một bãi đất bồi, là điểm hẹn lý tưởng tuổi thơ của bao người dân Huế ở Vỹ Dạ và bờ nam sông Hương, sáng chiều ra đây tung tăng bơi lội. Bãi bồi Đập Đá cũng là bến đò, còn gọi là bến đò Thọ Lộc (tên làng) từ chợ Đông Ba về hay từ Đập Đá băng qua cồn Hến. Sau khi có đập Thảo Long ở hạ lưu sông Hương, Đập Đá không còn chức năng ngăn mặn mà đơn giản còn lại là chiếc cầu, là con đường đi bộ ngang qua sông Hương và Như Ý.
Thật tuyệt vời là không gian Đập Đá. Nó phân chia và tương phản. Một bên là sông Hương và một bên Như Ý. Phía trên là con đường Lê Lợi, phố xá thênh thang, đi qua khỏi Đập Đá là về với đường Nguyễn Sinh Cung đang trong quá trình phát triển đô thị nhưng vẫn còn giữ lại bao hoài niệm xưa của một thời… làng quê. Nằm giữa mênh mông sông nước, Đập Đá chênh vênh và cô độc khi lụt lớn đổ về nhưng lại đông vui và thân thiện lúc trưa hè hay khi hoàng hôn buông xuống.
Có nhiều góc nhìn Đập Đá… Sẽ là một cảm giác hun hút và mênh mang khó tả dành cho ai đó nếu ở đang tầng cao của khách sạn Hương Giang nhìn về Vỹ Dạ. Đập Đá đổi thay, mùa hè mênh mang và trong veo, tương phản với khi lụt lớn, cả con đập ngập tràn và chìm trong dòng thác lũ. Bên ni gác Thọ Lộc nhìn qua, Đập Đá là vệt nối, gần là cồn Hến, xa hơn tý nữa là Đông Ba – Gia Hội. Chếch về phía đường Hàn Mặc Tử nhìn lên là Trường Tiền, là núi đồi mờ xa, cảm giác mơ màng làm sao khi chiều tà buông xuống.
Thỉnh thoảng, tôi vẫn thường cùng bạn bè đến quán cà phê Sông Xanh ở một con hẻm lớn thuộc đường Nguyễn Công Trứ. Nằm ven sông Như Ý, mùa hè khách có thể ngồi ở sân vườn. Hơi nước từ dòng sông Như Ý và hương gió mùa hè nhè nhẹ sẽ làm bạn cảm thấy dễ chịu. Còn vào mùa đông, thật ấm cúng khi ngồi bên trong ngôi nhà được xây dựng theo kiểu Pháp sang trọng, có cách bài trí tinh tế. Đặc biệt, Sông Xanh là nơi có thể ngắm nhìn Đập Đá trọn vẹn với nhịp sống nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau với sáng – trưa – chiều – tối trong ngày hay theo mùa mưa – nắng.
Còn ví như chiều nay, Huế mưa to. Ngồi ở Sông Xanh nhâm nhi ly cà phê cuối tuần, nhìn xa xa là Đập Đá thấp thoáng bóng người qua lại trong màn mưa rơi rả rích, tôi lại thao thiết nhớ sao câu hỏi ai đó thảng thốt của một thời thân thương: “Đập Đá tràn chưa?”. Nó là hoài niệm, là sự khắc khoải bởi mưa lũ tràn qua Đập Đá báo hiệu một mùa đông lạnh căm, bao nỗi đe dọa. Và, cũng đã có ai kia từng phải ngồi lại thật lâu bên này Sông Xanh khi Đập Đá nước tràn và đôi bờ ngăn cách.
Bài: ĐAN DUY – Ảnh: HỮU PHÚC