TTH.VN – Sáng 1/11 (nhằm ngày 26/9 năm Tân Sửu), tại Thế Tổ miếu, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ dâng hương và húy kỵ nhân 174 năm ngày băng hà của Đức Hiến Tổ Chương hoàng đế (vua Thiệu Trị).
Tổ chức lễ húy kỵ vua Thiệu Trị. Ảnh: Trung tâm BTDTCĐ Huế
Vua Thiệu Trị là con trưởng của vua Minh Mạng, tên thật là Nguyễn Phúc Miên Tông, sinh năm 1807. Khi vua Minh Mạng qua đời, Nguyễn Phúc Miên Tông được di mệnh nối ngôi lấy niên hiệu là Thiệu Trị, trị vì từ năm 1841 đến 1847.
Vua Thiệu Trị nổi tiếng là một vị vua thi sĩ. Ông để lại rất nhiều bài thơ văn. Về văn có hai tác phẩm: Ngự chế lịch đại sử tổng luận và Ngự chế văn tập. Về thơ có: Ngự chế Tài Thành Phụ Tướng thi tập, Ngự chế Cổ Kim Thể Cách Thi Pháp, Minh Lương Hỷ Khởi tập…
Nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn cũng đạt đến đỉnh cao dưới thời vua Thiệu Trị. Thời kỳ này, vua Thiệu Trị cho xây dựng hàng loạt những công trình kiến trúc có quy mô, như: vườn Cơ Hạ, điện Khâm Văn, Thanh Hạ Thư Lâu, điện Minh Thận…
Vua Thiệu Trị cũng là một vị vua trọng đạo Phật, vì vậy ngoài việc xây dựng những công trình cung điện thì nhà vua còn cho trùng tu, xây dựng nhiều ngôi chùa lớn, như: chùa Diệu Đế, tháp Phước Duyên 7 tầng ở chùa Thiên Mụ…
Minh Hiền
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”