TTH.VN – Nghe các chuyên gia kinh tế, các nhà làm du lịch nói về chuyện mở cửa, thời gian mở cửa nền kinh tế, mà “sốt cả ruột”!
- » Thái Lan sẽ mở cửa lại nhiều điểm du lịch nổi tiếng từ tháng 10
- » Đông Nam Á thận trọng mở cửa lại một số điểm du lịch nổi tiếng
- » Phuket mở cửa cho mọi du khách tiêm chủng đầy đủ
- » An toàn phòng dịch và bài toán mở cửa du lịch
- » Dưới áp lực tái mở cửa, nhiều hạn chế du lịch nghiêm ngặt nhất thế giới dần được nới lỏng
Laguna Park (thuộc Laguna Lăng Cô) vắng vẻ vì không có khách. Ảnh: N.H
Là vì Huế cũng là một trung tâm du lịch lớn. Một số liệu thống kê cho biết, ngành dịch vụ của Thừa Thiên Huế chiếm đến 50% trong cơ cấu của nền kinh tế, trong đó dịch vụ du lịch chiếm đến 30% – 40%. Gần hai năm nay ngành du lịch của Huế cũng kiệt quệ. Cho nên khi Chính phủ tuyên bố “sống chung với COVID”, tính toán để mở cửa lại nền kinh tế, hơn ai hết, ngành du lịch đón đợi với tâm thế vui mừng.
Thế nhưng lộ trình mở như thế nào vừa kiểm soát được độ an toàn vừa thúc đẩy phát triển kinh tế lại là chuyện không dễ dàng.
Theo kế hoạch mở cửa du lịch của Tổng cục Du lịch, từ tháng 11/2021 sẽ mở cửa “có kiềm chế” cho khách nội địa, tức là các tỉnh có biện pháp đảm bảo an toàn dịch. Đến tháng 3/2022 mới thí điểm đón khách quốc tế, sau đó rút kinh nghiệm để mở cửa thêm cho những nơi khác. Dự kiến đến tháng 6/2022 mới mở cửa hoàn toàn. Đọc kế hoạch mở cửa dần dần của Tổng cục Du lịch, không thấy nhắc đến Huế. Nghĩa là đến tháng 6 sang năm, Thừa Thiên Huế chưa chắc đón được khách quốc tế?
Nếu đúng như thế thì quả là điều bất lợi đối với ngành du lịch Thừa Thiên Huế.
Cũng cần biết rằng, từ khi bùng phát dịch đến nay, qua 4 đợt, nặng nhất là đợt thứ 4 vừa qua với biến thể Delta nhưng Thừa Thiên Huế là một trong số ít địa phương kiểm soát dịch bệnh tốt. Thế thì hà cớ chi Thừa Thiên Huế không có trong danh sách thí điểm mở cửa?
Đối với Việt Nam, mở cửa lại nền kinh tế du lịch là chậm so với nhiều nước trên thế giới và cả trong khu vực. Điều này cũng dễ hiểu vì ứng phó với dịch bệnh mỗi nước có một cách nhìn nhận khác nhau và điều kiện khác nhau. Ví dụ như chuyện vắc-xin nhiều nước có điều kiện đã phủ đến độ an toàn sớm. Và cũng có không ít nước nhận thức “sống chung với COVID” cũng sớm hơn Việt Nam. Họ có thể trả một cái giá nào đó nhưng đến nay, nhiều nước, nền kinh tế du lịch đã phục hồi mạnh mẽ, còn chúng ta đang trong giai đoạn “dò dẫm” từng bước đi. Rõ ràng, sức cạnh tranh có thể yếu hơn nhiều lần.
Đối với Việt Nam là sự cạnh tranh ở tầm quốc gia. Đối với Thừa Thiên Huế, sự cạnh tranh là ở tầm vùng. Bất kỳ sự chậm chân nào cũng đều thiệt thòi, dù ở tầm quốc gia hay vùng.
Đối với khách nội địa, nếu chúng ta kiểm soát tốt được dịch bệnh với tư cách là một điểm đến thì khả năng phục hồi du lịch không phải là vấn đề quá khó. Nhưng chỉ thúc đẩy du lịch nội địa có khác gì “lấy mỡ nó rán nó” – tiền của người Việt không tiêu ở địa phương này thì tiêu ở địa phương khác. Miếng bánh của tổng thu ngành du lịch không to ra được nếu chậm đón khách quốc tế. Chính dòng khách quốc tế mới đưa tiền thêm đến cho chúng ta. Vì vậy, bài toán mở cửa du lịch quốc tế cần được tính toán sớm chứ không phải quá thận trọng. Những trọng điểm du lịch đến Việt Nam như Mỹ, châu Âu là những nơi đã phủ vắc-xin sớm. Điều đó đồng nghĩa với sự an toàn cũng ở mức cao.
Nhiều nhà làm lữ hành chuyên nghiệp cho biết, thường việc bán các tour lớn được thực hiện ít nhất là 6 tháng. Nếu đến tháng 6/2022 mới mở cửa hoàn toàn thì cũng đồng nghĩa ít nhất đến cuối sang năm chúng ta mới ổn định được thị trường du lịch. Tức là đã qua mất một mùa khách du lịch quốc tế. Việc cân nhắc giữa mở cửa phải an toàn và bài toán kinh tế được mất quả là “cân não”.
Chỉ biết rằng, số lượng doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã giảm 1/5 so với thời điểm trước dịch và thu ngân sách Nhà nước năm 2021 dự đoán hụt thu 28 – 29 ngàn tỷ đồng.
Lê Phương
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”