Phát triển du lịch ở Phong Điền: Cần những mô hình độc đáo và khác biệt

Phong Điền là địa phương có tiềm năng để phát triển du lịch, song khả năng khai thác đến nay vẫn chưa cao. Do đó, việc đầu tư cho du lịch, tạo những điểm nhấn mới đang được huyện này đặt ra.

Suối Hầm Heo, điểm đến được huyện Phong Điền đầu tư phát triển

Lấy sông Ô Lâu làm trục phát triển chính

Lâu nay, nhắc đến du lịch ở Phong Điền nhiều nhất luôn là làng cổ Phước Tích, một trong hai làng cổ được công nhận đầu tiên có tính đặc trưng của làng quê Việt Nam (cùng với làng cổ Đường Lâm). Những năm qua, làng cổ được đầu tư về cơ sở vật chất, người dân được tập huấn về cách làm du lịch, đặc biệt ứng dụng công nghệ vào du lịch, giúp việc khai thác ở làng cổ thêm đa dạng và bền vững hơn. Cùng với đó là Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nước nóng Alba Thanh Tân (Phong Sơn) hàng năm thu hút lượng khách đáng kể đến vui chơi và nghỉ dưỡng.

Dù thế, ngoài làng cổ Phước Tích và suối khoáng nóng Alba Thanh Tân ra, du lịch ở Phong Điền vẫn còn đơn điệu, giá trị khai thác du lịch mang lại chưa cao. Khách du lịch chủ yếu vẫn là địa phương. Ngay cả ở làng cổ Phước Tích, nếu có một đoàn khách với số lượng lớn, dịch vụ ở đây sẽ không đáp ứng được. Trong khi đó, suối khoáng nóng Alba Thanh Tân nhìn chung khai thác tách biệt ở trong điểm nghỉ dưỡng, sự gắn kết tour tuyến cũng chưa được thể hiện, chưa thể là “đầu tàu” kéo du lịch toàn huyện cùng phát triển.

So với các địa phương khác trong tỉnh, Phong Điền gặp khó khăn hơn trong thu hút khách du lịch vì khoảng cách xa TP. Huế. Một số đặc trưng mà Phong Điền đang có thì các địa phương gần với TP. Huế cũng có nên sự lựa chọn luôn là các điểm đến gần hơn.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phong Điền cho biết, trong định hướng phát triển du lịch Phong Điền gắn với Nghị quyết 54, sẽ tập trung vào khu vực thượng nguồn sông Ô Lâu với điểm nhấn chính ở suối Hầm Heo. Xuôi dòng về sẽ là cụm trung tâm làng cổ Phước tích, làng nghề mộc Mỹ Xuyên, đệm bàng Phò Trạch. Cuối cùng là phát triển du lịch biển ở Điền Lộc cùng với định hướng phát triển đô thị mới ở nơi đây.

Trong đề án “Phát triển ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thành ngành kinh tế mũi nhọn” mới được UBND tỉnh ban hành đầu tháng 7/2021 có định hướng đến năm 2030 sẽ có Khu du lịch Quốc gia Thanh Tân. Đây sẽ là Khu du lịch Quốc gia thứ hai được xác định sau Khu du lịch Quốc gia Lăng Cô – Cảnh Dương. Trong đề án cũng xác định, làng cổ Phước Tích sẽ phải phát huy vai trò hơn nữa trong bảo tồn phố cổ, đô thị cổ, nhà rường, nhà vườn… hướng đến phát triển du lịch hiệu quả.

Bước chuyển mình đầu tiên của du lịch Phong Điền trong kế hoạch phát triển gắn với Nghị quyết 54 là khi vào tháng 4/2021, thượng nguồn sông Ô Lâu – suối Hầm Heo đã được công nhận là điểm du lịch sinh thái cộng đồng sau khi hoàn thành việc xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất thiết yếu.

Thu hút đầu tư

Ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền nhìn nhận, để cụ thể hóa các mục tiêu đòi hỏi phải thu hút được các nhà đầu tư. Hiện tại Phong Điền chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn về du lịch, nên chưa tạo được sức bật mới cho ngành du lịch. Trước đó, Phong Điền cũng từng được những tập đoàn lớn đến tìm hiểu và nghiên cứu để đầu tư, nhưng chưa triển khai vì nhiều lý do khách quan và chủ quan.

Lãnh đạo địa phương này nhấn mạnh, bên cạnh tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư bằng cơ chế, chính sách, huyện Phong Điền đang tiến hành lập quy hoạch một loạt dự án, điểm đến để thu hút đầu tư. Trong đó, trọng điểm sẽ là quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Ngũ Hồ; quy hoạch phân khu khu du lịch sinh thái thể thao nước khoáng nóng Phong Sơn; quy hoạch chung xây dựng khu vực ven biển qua địa bàn huyện, trong đó, trọng tâm quy hoạch phát triển du lịch ở Điền Lộc. Huyện Phong Điền cũng vừa có các văn bản đề nghị UBND tỉnh quan tâm hơn, chỉ đạo sớm để triển khai thực hiện các quy hoạch trên, giúp thuận lợi trong kêu gọi đầu tư.

Có thể thấy, nếu xét về khả năng phát triển du lịch biển, Điền Lộc sẽ khó có thể thu hút khách so với các vùng biển ở khu vực từ TP. Huế về đến Phú Lộc. Do đó, đối với Điền Lộc định hướng phát triển có thể là quy hoạch thành những cụm đô thị du lịch gắn với biển. Đây là sự chuẩn bị tốt cho tương lai khi du lịch phía bắc của tỉnh cần có thời gian để khách biết đến nhiều hơn và có sự gắn kết tốt hơn nữa với du lịch Quảng Trị.

Trong định hướng phát triển du lịch Phong Điền có khai thác dịch vụ ở hạ nguồn sông Ô Lâu, khu vực đập cửa Lác và hệ thống nhà chồ ở Điền Hải. Theo các chuyên gia, du lịch đầm phá ở Phong Điền khó có thể cạnh tranh về lượng khách so với khu vực gần TP. Huế. Do đó, với những điểm này nên khai thác theo hướng du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với người dân; hình thành những mô hình du lịch có trải nghiệm khác biệt.

Bài, ảnh: Quang Sang

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *