TTH – Từ khi ra đời vào năm 2011 đến nay, nghệ thuật trúc chỉ đã thu được những thành tựu lớn trong các lĩnh vực nghệ thuật thị giác cũng như nghệ thuật ứng dụng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, loại hình nghệ thuật độc đáo do họa sĩ Phan Hải Bằng khai sinh ở Huế nhiều lần bị vi phạm bản quyền.
Họa sĩ Phan Hải Bằng dành nhiều tâm huyết để sáng lập và trao truyền các giá trị của nghệ thuật trúc chỉ
Vi phạm bản quyền
Cuối tháng 7, trên facebook cá nhân của nhiều họa sĩ đã lên tiếng xung quanh câu chuyện vi phạm bản quyền trúc chỉ. Họ nói về một triển lãm tranh trúc chỉ tại Hà Nội của họa sĩ Nguyễn Thanh Phương. Ngoài ra, ông Phương còn có một trang mạng bán tranh trúc chỉ lấy tên là trúc chỉ Hà thành.
Facebook Nguyễn Sơn lên tiếng: “Tranh trúc chỉ do họa sĩ Phan Hải Bằng tạo ra, đó là điều lâu nay anh em trong giới đều biết. Tôi lấy làm lạ là tại sao những nhà chuyên môn tới dự một cuộc triển lãm “tranh trúc chỉ” tại Hà Nội nhưng không phải do tác giả Phan Hải Bằng tổ chức lại có thể lờ đi?”.
Tranh trúc chỉ
Facebook Nguyễn Thanh Bình đưa lên hình ảnh “Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả” trúc chỉ do Cục Bản quyền tác giả cấp và khẳng định: “Bản quyền thương hiệu của nghệ thuật trúc chỉ đây nhé. Đây là thành quả nghiên cứu độc lập từ lâu của Phan Hải Bằng và người phát triển là họa sĩ Ngô Đình Bảo Vi”. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả được cấp cho tác giả Ngô Đình Bảo Vi và chủ sở hữu Công ty TNHH MTV Nghệ thuật trúc chỉ Việt Nam (TP. Huế). Tác phẩm được cấp chứng nhận là “Hình thức thể hiện logo trúc chỉ” thuộc loại hình mỹ thuật ứng dụng.
Theo họa sĩ Phan Hải Bằng, người sáng lập trúc chỉ Việt Nam, việc xâm hại trúc chỉ đã xảy ra lâu nay, bằng nhiều cách thức, nhiều đối tượng, từ concept cho đến phương thức, thậm chí cả tên gọi. Tuy nhiên, các hành động đó có thể chỉ thể hiện sự vụ lợi mù quáng. Lần này, với tính chất có phần nghiêm trọng và ảnh hưởng đến danh dự nghề nghiệp cũng như tính học thuật nghiêm túc ở ngưỡng cửa giáo dục đại học mỹ thuật, chúng tôi buộc phải lên tiếng để minh định lại một lần nữa, nhằm tránh những hiểu lầm và rắc rối không đáng có về sau.
Anh bày tỏ: “Đã xuất hiện một cái gọi là Trúc chỉ ở Hà Nội sử dụng luôn tên gọi của chúng tôi đã được đăng ký bảo hộ là Nghệ thuật trúc chỉ Việt Nam để kinh doanh, sản xuất. Điều đáng nói, bằng cách nào đó, một số giảng viên và sinh viên lại rất ủng hộ và có vẻ sẽ có những bước tiếp theo đưa vào trong trường mỹ thuật, dù chúng tôi đã tổ chức một workshop nghệ thuật giấy và đồ họa trúc chỉ cho sinh viên đồ họa năm thứ 2 ở Đại học Mỹ thuật Việt Nam vào tháng 11/2019”.
Qua facebook cá nhân, họa sĩ Phan Hải Bằng trình bày ngọn ngành những tư liệu liên quan đến quá trình hình thành và phát triển nghệ thuật trúc chỉ, để minh định lại khái niệm, ý niệm, lịch sử cũng như quy trình kỹ thuật, khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu sáng tạo… của trúc chỉ.
Đăng ký sở hữu trí tuệ cho trucchigraphy
Trúc chỉ do họa sĩ Phan Hải Bằng khai sinh là điều không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu đầu tiên trúc chỉ bị vi phạm bản quyền. Trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại hình na ná trúc chỉ, dưới một cái tên khác, thậm chí có nhiều nơi ghi là bán tranh trúc chỉ nhưng sản phẩm không phải của họa sĩ Phan Hải Bằng và các cộng sự của anh. Việc này đã xâm hại đến giá trị Việt mà trúc chỉ đã và đang xây dựng, giữ gìn.
Sáng tạo với trúc chỉ
Họa sĩ Ngô Đình Bảo Vi, quản lý dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam bức xúc: “Một cách tinh vi, họ lấy nguyên concept (tác phẩm nghệ thuật giấy tự thân) của Trúc chỉ nhưng cố tình lờ đi, chỉ nhấn mạnh về chất liệu và một số kỹ thuật nhỏ trong quy trình. Việc xuất hiện những sản phẩm na ná tính biểu hiện của trúc chỉ, thậm chí còn giả danh trúc chỉ, không chỉ xâm hại trắng trợn đến sự sáng tạo nghiên cứu của chúng tôi, mà còn cố tình hạ thấp một giá trị văn hóa Việt mới mà chúng tôi và xã hội cố công xây dựng cho Huế và Việt Nam”.
Theo phân tích của Giám tuyển Ace Lee (Singapore) đăng trên Báo Thanh Niên thì đúng là logo trúc chỉ đã được đăng ký bản quyền. Tuy nhiên, thay vì đăng ký dưới hạng mục nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ, thì nghệ sĩ Ngô Đình Bảo Vi và Công ty Trúc chỉ Việt Nam lại đăng ký nó dưới hạng mục quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả. Dưới dạng thức này, nó chỉ bảo hộ được hình thức thị giác mà không bảo hộ được tên gọi. Ông Ace Lee cho rằng, họa sĩ Phan Hải Bằng có thể đăng ký sáng chế cho kỹ thuật trucchigraphy (đồ họa trúc chỉ).
Liên quan đến việc đăng ký sở hữu trí tuệ, họa sĩ Ngô Đình Bảo Vi cho biết, từ nhiều năm nay, chúng tôi nhiều lần làm việc cùng Cục Sở hữu trí tuệ và các luật sư về sở hữu trí tuệ quốc tế. Tuy nhiên, việc đăng ký sở hữu trí tuệ về một kỹ thuật thuộc về sáng tạo là chưa có tiền lệ, khá phức tạp nên chúng tôi vẫn đang thực hiện các công việc để trở thành tiền lệ đầu tiên. Điều này rất quan trọng, bởi trúc chỉ muốn xây dựng một thương hiệu mang niềm tự hào “Made in Việt Nam”, do người Việt nghiên cứu, sáng tạo nên hơn là những diễn giải từ các nước lân cận. Rõ ràng, chỉ ở trúc chỉ, cách làm giấy truyền thống kết hợp với các phương thức đồ họa, tạo hình, tư duy nghệ sĩ để mỗi tấm giấy trở thành tác phẩm tự thân. Chỉ có ở trúc chỉ, kết quả công việc sau cùng là một tác phẩm.
Bài, ảnh: MINH HIỀN
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”