Để du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch. Chính từ đó, các nhà quản lý thấy rõ được những bất cập để có bước hoạch định chiến lược phát triển ngành công nghiệp không khói trong thời gian tới.

Bộc lộ nhiều hạn chế

Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 (đầu năm 2020), du lịch Khánh Hòa đã có sự phát triển rất mạnh mẽ cả về cơ sở hạ tầng, lượng khách và doanh thu. Vào thời điểm đó, với xu thế nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch, ít ai có thể nghĩ đến một tương lai bi đát xảy đến với ngành Du lịch Khánh Hòa.

 

Du ngoạn biển đêm bằng du thuyền là sản phẩm du lịch khá hấp dẫn.
Du ngoạn biển đêm bằng du thuyền là sản phẩm du lịch khá hấp dẫn.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi tất cả. Chỉ hơn 1 năm, những hạn chế của du lịch Khánh Hòa đã bộc lộ ra rất rõ. Nhìn nhận vấn đề này, ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, sự phát triển nóng về du lịch đã bộc lộ những hạn chế trong công tác hoạch định, định hướng chiến lược dài hạn. Thị trường khách du lịch quốc tế tăng trưởng quá “nóng”, trong khi thị trường nội địa tăng trưởng chậm. Ở mảng khách quốc tế, du lịch Khánh Hòa phụ thuộc vào một vài thị trường lớn như: Trung Quốc (chiếm gần 74%), Nga và Hàn Quốc. Du lịch Khánh Hòa chủ yếu khai thác lợi thế có sẵn với các dịch vụ cơ bản mà chưa đa dạng hóa, khai thác các sản phẩm du lịch bổ trợ, kéo dài thời gian lưu trú và gia tăng chi tiêu của khách du lịch. Điều này cho thấy, du lịch Khánh Hòa phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững.

Chính vì thế, trong Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh xác định tập trung xây dựng chiến lược phát triển du lịch vừa theo chiều rộng (với mục tiêu đa dạng thị trường khách du lịch, chú trọng thu hút khách nội địa); đồng thời từng bước chuyển dịch theo chiều sâu (với mục tiêu nâng cao chất lượng du khách, phát triển sản phẩm du lịch mang tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và chuyên nghiệp).

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Phó Giám đốc Sở Du lịch, trong kế hoạch thực hiện chương trình nói trên, vừa mới được ban hành, UBND tỉnh yêu cầu ngành du lịch thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới. Ngành Du lịch phải tạo được sự đồng thuận, chung tay của toàn xã hội trong việc thực hiện chiến lược phát triển du lịch Khánh Hòa bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; nhân rộng mô hình về ứng xử văn minh của khách du lịch, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư trong hoạt động du lịch của địa phương.

Hướng đến phát triển bền vững

 

Kế hoạch của UBND tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu: Duy trì tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân 22%/năm; tổng thu từ khách du lịch đạt 200 nghìn tỷ đồng, đóng góp trực tiếp vào GRDP từ 15 đến 17%. Đến năm 2025, toàn tỉnh có 70.000 phòng kinh doanh lưu trú du lịch, trong đó khoảng 70% phòng có quy mô đạt chuẩn chất lượng từ 3 đến 5 sao; thu hút 11 triệu lượt khách (trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế); tạo việc làm cho hơn 160 nghìn lao động du lịch trực tiếp.

Theo kế hoạch, UBND tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Từ đây đến năm 2025, tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn vốn xã hội tham gia nâng cấp hạ tầng giao thông, các điểm vui chơi, giải trí quy mô lớn, trung tâm biểu diễn nghệ thuật; khuyến khích sản phẩm mới, đặc thù, sản phẩm, dịch vụ mang tính chiến lược; có chính sách phát triển chuỗi giá trị các ngành liên quan. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn phù hợp quy hoạch tại Khu Kinh tế Vân Phong, tạo sự phát triển lan tỏa của cả tỉnh và khu vực. “Những đề án mang tính đột phá như đề án phát triển kinh tế đêm, phát triển kinh tế biển là những tiền đề quan trọng cho sự phát triển của du lịch Khánh Hòa trong những năm tới”, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết.

Để làm được điều ấy, tỉnh sẽ phải nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động du lịch, đồng thời chủ động phương án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; hợp tác với các địa phương trọng điểm du lịch để tạo liên kết xúc tiến, quảng bá du lịch, kết nối điểm đến; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch. Tỉnh giao Sở Du lịch chủ trì tham mưu tỉnh lập Quỹ phát triển du lịch để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, xúc tiến quảng bá phát triển thị trường khách du lịch; nâng cao ý thức cộng đồng trong xây dựng môi trường du lịch, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ hoạt động du lịch…

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch. Đặc biệt, ngành Du lịch sẽ chú trọng truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch bằng truyền thông số, thay thế dần các phương thức truyền thống (tổ chức, tham gia hội chợ, phát hành cẩm nang giới thiệu…). Ngành Du lịch cũng phối hợp với các hãng hàng không xây dựng chương trình hợp tác để thiết lập một số đường bay mới, kết nối Nha Trang – Khánh Hòa với các điểm du lịch trên thế giới nhằm mở rộng mạng lưới giao thông, kết nối du lịch.

THÀNH NGUYỄN

Nguồn ” Báo Khánh Hòa điện tử “

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *