Bức thư pháp trong sách “Tài liệu lưu trữ của các Hoàng đế An Nam…” của Paul Boudet và phần vi tính lại bài thơ kiểu chữ chân
Trong lịch sử trung đại, vua Minh Mạng có lẽ là một nhà thơ viết nhiều nhất về nông nghiệp, về nông dân. Đề tài này tràn ngập trong sáng tác của nhà vua với hàng trăm bài khắc in trong Ngự chế thi sơ tập (gồm 10 quyển, có 865 bài thơ); Ngự chế thi nhị tập (gồm 10 quyển, có 813 bài thơ); Ngự chế thi tam tập (gồm 10 quyển, sách rách, chưa thống kê chính xác số lượng bài, ước khoảng 500 bài thơ); Ngự chế thi tứ tập (gồm 10 quyển, có 522 bài thơ); Ngự chế thi ngũ tập (gồm 10 quyển, có 509 bài thơ); Ngự chế thi lục tập (gồm 10 quyển, có 574 bài thơ) và rải rác trong một số tập khác.
Trong sách “Tài liệu lưu trữ của các hoàng đế An Nam và lịch sử nước Nam” (Les archives des Empereurs d’Annam et l’histoire annamite) của Paul Boudet có đăng một bức ảnh về bài thơ do vua Minh Mạng ngự chế và ngự bút (theo lối thư pháp thảo thư) treo tại hoàng cung Huế, sau đó in lại trong tạp chí Những người bạn Huế xưa (B.A.V.H) số 3.1942. Bài thơ có nhan đề là Vị nông ngâm (Khúc ngâm vì nhà nông). Cuối bài thơ tác giả có viết thêm 4 chữ Nhâm thìn ngự bút (chữ của vua viết năm Nhâm thìn – 1832) nghĩa là đây là thư pháp và thơ của vua Minh Mạng. Bài thơ như sau:
Tiền tiêu hàm hỷ tế thời lâm,
Kế thử liên liên tế tế châm.
Lẫm liệt đông trung tri thuận hậu,
Thuân tuần điền thượng khủng hàn xâm.
Y ôn niệm chức tồn dư ý,
Thực bão tư nông động ngã tâm.
Giá sắc gian nan tùng cổ trọng,
Vô thời bất dĩ cử vi ngâm.
Dịch thơ:
Đêm đón mưa vui trận trận qua,
Hạt tuôn từng đợt gió ngân nga.
Hắt hiu giá rét mùa xanh lá,
Lõm bõm đồng sâu áo bạc tà.
Mặc ấm ghi ơn người dệt vải,
Ăn no nhớ nghĩa kẻ đồng xa.
Bao đời trọng nỗi gian nan ấy,
Chẳng lúc nào ngơi tiếng ngợi ca.
Bức thư pháp ngự bút bài thơ này chỉ là 1 trong số 20 bức thư pháp ngự chế thi của vua Minh Mạng vốn từng được lưu trữ tại hoàng cung Huế. Năm 1926, sau thời gian vừa đăng quang, vua Bảo Đại đã chủ trương cho kiểm kê các ấn bài, chiếu dụ, thư tịch, thư pháp, đồ bản, họa bản, di bút, quyển thi lưu trữ tại Đông Các và Tụ Khuê viện. Theo một tài liệu của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn công bố, công việc kiểm kê do 6 viên quan tiến hành dưới sự giám sát của Đông các đại học sĩ Trần Đình Bá. Nội các kiểm bộ Ngô Hữu Tạo là người soạn biên bản. Biên bản viết bằng chữ Hán được đóng thành tập có tên gọi là Bí thư sở thủ sách (ghi năm kiểm kê vào năm Bảo Đại nguyên niên – 1926).
Theo ghi nhận tại tài liệu trên, vua Minh Mạng có 20 bức ngự bút thơ ngự chế bao gồm: Ất mùi nguyên đán (1835); Bính thân nguyên đán (1836); Canh tý Thiệu Phương viên (1840); Đông thiên phong vũ; Di Nhiên đường; Khuyến hội thí sĩ (1838); Vũ can lưỡng giai; Sơn kê vũ kính; Nhật mộ kích vân hợp; Hạ vân đa kỳ phong; Mậu tuất nguyên đán (1838); Xuân sắc mãn hoàng châu; Cung lục (02 bức); Mậu tý (1828); Bộ quá Thường Thanh viên; Trùng dương đăng Ngự Bình; Vị Nông ngâm (1832); Hà du bất tưởng yểm; Nam Đài duyệt binh và Cơ Hạ viên. Ngoài bức Cung lục chưa rõ nội dung gì, 19 bức còn lại đều là ngự bút của vua Minh Mạng viết thư pháp các bài thơ mà đa số đều nằm trong các tập Ngự chế thi của nhà vua.
Bài thơ là sự chia sẻ những khó khăn, động viên nỗi vất vả của người nông dân, người thợ dệt. Nhà vua nhớ đến công lao khổ nhọc của họ để tạo ra cái ăn, cái mặc cho xã hội. Bài thơ Ngâm vịnh nghề nông của vua Minh Mạng được vua sáng tác năm Nhâm Thìn (1832). Chính trong năm này, vua Minh Mạng đã “Định lệ cày ruộng tịch điền và chăn tằm ở các địa phương”. Vì vậy thơ sinh thành ý không phải là ngẫu nhiên, mà thơ ca của vua xuất phát từ thực tiễn.
Vào tháng giêng năm ấy, vua có ban dụ cho Bộ Lễ: “Ta nghe nói các vua và hoàng hậu đời xưa đều trọng nghề làm ruộng và trồng dâu, để phụng thờ Giao miếu, làm gương mẫu cho muôn dân (…) Năm nay, bèn sai các phi tần đốc suất các cung nhân, lựa đất chăn tằm, quả thấy được tốt: tơ kén đầy nong, định dệt thành lụa, từ lễ thu hưởng năm nay trở về sau có thể kính dâng ngay được đồ tơ lụa; nay ta muốn mở rộng công việc ấy để khuyến khích nghề làm ruộng và tằm tang. Vậy việc cày tịch điền và nuôi tằm ở các địa phương nên làm thế nào, Bộ Lễ các ngươi nên bàn kỹ tâu lên” (Đại Nam thực lục, tập 2, tr.216). Chính sự trăn trở ấy, vua mới xúc cảm thành khúc ngâm như thế: Giá sắc gian nan tùng cổ trọng/Vô thời bất dĩ cử vi ngâm (Việc cấy cày rất gian khổ mà xa xưa đã được xem trọng/Không có lúc nào mà [trẫm] không cất tiếng ngâm nga vì điều này). Tinh thần nhân văn ấy của người đứng đầu đất nước xuất phát từ trách nhiệm đấng bậc chăn dân. Vua Minh Mạng là người hết sức quan tâm về nông nghiệp bởi bấy giờ nông nghiệp được xác định là gốc rễ của đời sống vật chất, lấy nông nghiệp làm gốc (dĩ nông vi bản) là xác định cái ăn của dân được đặt lên hàng đầu của chính sự. Minh Mệnh chính yếu đã ghi nhận rất nhiều đoạn về chính sách trọng nông giai đoạn này. Hiện thực lịch sử đó lại tiếp tục hiện rõ trong thơ khiến con người đấng bậc ưu tư cùng công việc nhà nông – một vấn đề mấu chốt quyết định sự ổn định xã hội đương thời (tr. 684 và 697).
Trở lại câu đầu tiên của bài thơ, chính trận mưa đêm trước đến đúng lúc khiến nhà vua vui mừng (Tiền tiêu hàm hỷ tế thời lâm) ấy đã dẫn dắt, gợi hứng để vua Minh Mạng viết nên “Khúc ngâm vì nhà nông”. Bởi đó là trận mưa kịp đúng mùa vụ. Nỗi canh cánh của các nhà quản lý, nhà nước đó là đối diện với vấn đề ruộng đất, điền thổ, nhất là vào thời quân chủ, thời đại của nền kinh tế nông nghiệp với phương thức canh tác chính là trồng lúa nước như ở nước ta. Hiện thực và thơ ở đây là một, chất chứa niềm ưu tư, trăn trở về thời tiết, về nông vụ và cao hơn thể hiện trách nhiệm trước đời sống xã hội của nhà vua, thấm đượm tinh thần nhân văn…
NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online “