TTH – Có lẽ Phú Diên là trường hợp cấp xã hiếm hoi của Thừa Thiên Huế và cũng là của cả nước khi mới đây vào cuối tháng 4/2021 công bố chính thức biểu trưng (logo) và tiêu ngữ (slogan) quảng bá hình ảnh tháp Chăm và bãi biển.
Hãy bắt đầu với các khái niệm. Hiểu một cách ngắn gọn, logo là sản phẩm trực quan bao gồm hình ảnh hoặc chữ hoặc là sự kết hợp cả hình ảnh và chữ để giúp nhận dạng thương hiệu. Trong du lịch, logo còn là hình ảnh đại diện cho một đất nước hay một vùng đất nào đó góp phần tạo nên thương hiệu của một quốc gia. Trong khi đó, Slogan là một cụm từ ngắn gọn, súc tích chứa đựng thông điệp của một thương hiệu (bao hàm cả du lịch) muốn truyền tải đến khách hàng, thường đi kèm với logo hoặc thương hiệu.
Đúng 20 năm trước, tháp Chăm Mỹ Khánh được tìm thấy, là một di tích lịch sử, văn hóa độc đáo, có cấu trúc nguyên khối đất nung, không có mái và có vị trí đơn lẻ, khác xa các di tích tháp Chăm khác. Theo các nhà chuyên môn, tháp Mỹ Khánh có niên đại sớm nhất trong những tháp Chăm còn sót lại hiện nay, được xây dựng từ thế kỷ VIII và thuộc dạng tháp Lùn trong nghệ thuật xây dựng kiến trúc tháp của người Chăm. Tháp Mỹ Khánh được xếp hạng là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 52/2001QÐ-BVHTT ngày 28/12/2001.
Bên cạnh tháp Chăm là bãi biển Phú Diên trong xanh, luôn thu hút đông đảo du khách tới tham quan, nghỉ mát. Cách trung tâm thành phố Huế chừng 30km về hướng đông nam, biển Phú Diên mang trong mình vẻ hấp dẫn của một bãi biển mới. Vào buổi chiều tối, ngồi ngắm hoàng hôn trên biển Phú Diên cũng là một nét trữ tình mà du khách không nên bỏ lỡ. Biển Phú Diên còn được lòng du khách bởi sự hiếu khách của người dân. Sự kết hợp du lịch tháp Chăm – biển Phú Diên đã khơi nguồn cho những ai đam mê vẻ đẹp của thiên nhiên.
Slogan “Phú Diên – Điểm đến lý tưởng” chưa thật ấn tượng và có được nét riêng hấp dẫn, nhưng logo du lịch Phú Diên được đánh giá giàu tính biểu cảm, dễ nhận biết và thể hiện trên mọi chất liệu, phương tiện truyền thông. Gam màu chủ đạo tươi sáng, hài hoà và tinh tế. Với hình tượng di tích tháp Chăm cùng với con thuyền vượt sóng ra khơi tiêu biểu, logo gửi đến du khách hình ảnh về một Phú Diên xinh đẹp, mộc mạc, giàu truyền thống lịch sử văn hóa và lòng mến khách.
Đất nước hội nhập và phát triển nhưng “văn hóa logo – slogan” vẫn khá xa lạ. Ngay cả Cố đô Huế, mãi đến năm 2018 mới lần đầu tiên công bố bộ nhận diện thương hiệu du lịch nhằm giới thiệu biểu trưng (logo) và khẩu hiệu (slogan). Gắn với slogan “Huế – Kinh đô xưa trải nghiệm mới” là logo với hình tượng chính được xây dựng gồm một góc lầu Ngũ Phụng (di sản văn hóa Huế), mấy nhịp cầu Trường Tiền (đời sống con người Huế) và mặt trời đang lên hợp cùng nét uốn lượn của dòng sông Hương (sinh thái, thắng cảnh xứ Huế).
Sẽ khó để hình dung về yêu cầu lan tỏa như một phong trào việc xây dựng logo du lịch xã cho các địa phương trong tỉnh. Thế nhưng, từ cách làm mang tính tiên phong của Phú Diên giúp ta nghĩ đến một cách quảng bá du lịch hiện đại cho các vùng đất giàu tiềm năng trong tỉnh, không nhất thiết phải gắn liền với địa giới hành chính bằng xây dựng logo và slogan. Đã đến lúc cần làm quen và sử dụng cái tạm gọi là “văn hóa logo – slogan” trong phát triển kinh tế – xã hội nói chung và du lịch nói riêng với phương châm luôn có đổi mới và sáng tạo.
ĐAN DUY
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online”