Nhân chương trình talkshow chia sẻ, thảo luận thêm về tiềm năng của mô hình farmstay tại Việt Nam của Hội Farmstay Việt Nam được tổ chức mới đây tại Huế, Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với KTS Phạm Thanh Tùng, Điều hành Hội Farmstay Việt Nam – FSA.
KTS Phạm Thanh Tùng, Điều hành Hội Farmstay Việt Nam – FSA
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, điều cốt lõi tạo nên sự khác biệt của một farmstay nằm ở chỗ, phải là farm (trang trại) hoạt động tốt, nghĩa là nó phải mang lại lợi nhuận nhất định rồi mới phát triển tiếp phần stay (lưu trú).
Vì sao farmstay lại có xu hướng phát triển mạnh thời gian qua?
Việt Nam có điều kiện tự nhiên rất đặc biệt, phía Bắc có dãy núi cao, phía Tây có dãy Trường Sơn, tạo ra hệ sinh thái tự nhiên đa dạng. Chính vì thế, Việt Nam mới có một hệ sinh thái dược liệu, nông sản, cây trái đa dạng, giúp du lịch nông nghiệp Việt Nam có cơ sở vững chắc để phát triển.
Hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhận thức của con người về cách ứng xử với môi trường. Theo dự báo của UNWTO (Tổ chức Du lịch thế giới), xu hướng du lịch trong tương lai đang chuyển dịch sang các mô hình du lịch gần gũi tự nhiên, đặt nặng việc học tập, trải nghiệm, như: farmstay, ecostay,…
Khi đời sống phát triển, người Việt Nam có nhu cầu cao hơn về du lịch, họ không chọn du lịch “nông” (du lịch tham quan, ngắm cảnh đơn thuần) mà chuyển sang du lịch “sâu” (học tập, trải nghiệm, sức khỏe).
Thừa Thiên Huế có những tiềm năng, lợi thế gì để phát triển loại hình du lịch này?
Thừa Thiên Huế có một hệ sinh thái rất đa dạng về thành phần loài, chủng loại được phân bổ trên bốn vùng sinh thái: núi, gò đồi, đồng bằng duyên hải và đầm phá ven bờ. Nơi đây có nền khí hậu nhiệt đới ẩm đặc trưng, là cơ sở để phát triển dễ dàng các loại nông sản. Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều chủng loại đất phong phú, tạo nên tiềm năng để phát triển nhiều loại cây trồng giá trị, đa dạng về chủng loại. Những đặc điểm này mang lại tiềm năng to lớn, giúp Thừa Thiên Huế có thể xây dựng nên một hệ thống farmstay đa dạng cây trồng, nguồn thu, nông sản, tiến đến “xuất khẩu tại chỗ” đặc sản địa phương cho du khách.
Huế còn là thành phố có năm danh hiệu UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc) ở Việt Nam với nhiều di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia và quốc tế; nhiều lễ hội đặc sắc, được công nhận là di sản văn hóa; nhiều làng nghề truyền thống lâu đời,…
Huế là kinh đô của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, mọi tinh hoa ẩm thực đều được “đổ” về đây để “tiến vua”, tạo nên một nền ẩm thực đa dạng, nhiều màu sắc. Chính con người ở đây đã truyền kinh nghiệm cho nhau qua nhiều đời để tạo nên những món ăn đặc trưng, khác biệt với tất cả những vùng đất còn lại của Việt Nam.
Tất cả những lợi thế về mặt nhân văn này là tiềm năng để tạo nên chuỗi trải nghiệm du lịch đa dạng từ văn hóa cung đình, làng nghề, ẩm thực đến nghỉ dưỡng gần gũi thiên nhiên.
Farmstay là sản phẩm mới, cũng là khái niệm mới, do đó chưa có nhiều quy định, hướng dẫn để phát triển, vậy doanh nghiệp và người dân cần lưu ý gì khi muốn kinh doanh farmstay, thưa ông?
Với những mô hình kinh doanh mới, chúng ta nên tiếp cận những thuật ngữ bằng định nghĩa mang tính toàn cầu. Cụ thể, chúng ta nên hiểu farmstay theo định nghĩa của thế giới là: “Farmstay là một chỗ ở trong trang trại đang hoạt động”. Một trang trại đang hoạt động nghĩa là trang trại đó có tính ổn định, đã có nguồn thu từ nông sản. Sau đó mới thêm chỗ nghỉ lại cho du khách muốn trải nghiệm hoạt động làm nông. Để tạo sự khác biệt thì trải nghiệm trong mỗi farmstay phải độc đáo và khác nhau.
Vậy nên, chúng ta cần tìm hiểu thế giới đang định nghĩa farmstay là gì chứ không nên tự ý đặt ra những định nghĩa riêng trong quốc gia. Bởi vì, nếu chúng ta tự hiểu theo cách của mình thì du khách hay những người bạn ngoại quốc khi đến trải nghiệm mô hình farmstay sẽ không đánh giá đó là một farmstay. Khi đó, chúng ta có thể mất đi mô hình kinh doanh tiềm năng.
Còn nhà đầu tư không nên cố tình hiểu sai nghĩa của từ farmstay để chia lô bán đất nền và phải tuân theo quy định pháp luật về chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Ở Việt Nam đã có những mô hình nào thành công mà Huế có thể lấy đó làm hình mẫu để phát triển, thưa ông?
Tại Việt Nam, mô hình farmstay chưa được phát triển bài bản nên chưa có nhiều farmstay đúng nghĩa. Theo góc nhìn của tôi, hiện có Phong Nha Farmstay và Chày Lập Farmstay tại Quảng Bình là thành công trong mô hình farmstay. Tuy nhiên, Việt Nam có khá nhiều mô hình ecostay, ecolodge (khu nghỉ dưỡng sinh thái) được phát triển bài bản, gần gũi thiên nhiên, có chất lượng cao. Đó là Hana Land Ecostay tại Đà Lạt; P’apiu tại Hà Giang, Topas Ecolodge tại Sa Pa; Mai Châu Ecolodge tại Hòa Bình và tại Huế có Huế Ecolodge… Đây là những mô hình nghỉ dưỡng cao cấp tương tự với farmstay mà Huế có thể tham khảo để phát triển.
Ngoài việc học hỏi những farmstay thành công thì những chính sách khuyến khích phát triển từ chính quyền cũng góp phần tạo nên thành công cho mô hình này.
Xin cảm ơn ông!
ĐỨC QUANG (Thực hiện)
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”